Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Phát triển nhân lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định, vừa là yêu cầu vừa là động lực cho sự phát triển của Ðà Nẵng.

Thành phố đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo nghề để tìm sự thống nhất giữa cung và cầu lao động, qua đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và dạy nghề các ngành nghề với số lượng, cơ cấu, trình độ phù hợp nhu cầu của DN và xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với quy mô tuyển sinh gần 53 nghìn học sinh, sinh viên mỗi năm, đào tạo 260 ngành nghề ở các cấp trình độ. Các ngành nghề kỹ thuật cao và dịch vụ phát triển đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực của thành phố. Tỷ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm chiếm 70%, trong đó, một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô-tô tỷ lệ có việc làm đạt 90 đến 100%. Ðà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN để đào tạo và giải quyết việc làm, như ban hành chính sách hỗ trợ DN tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, việc làm, sàn giao dịch việc làm; triển khai kế hoạch khảo sát nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao tại 300 DN trên địa bàn thành phố…

Nhìn chung, chất lượng đào tạo lao động và giải quyết việc làm của thành phố đạt kết quả tích cực, góp phần vào việc phát triển DN, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của thành phố những năm qua, nhất là một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: du lịch, thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin…

Ðến nay, đã có 18 trong số 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp DN và các đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Ðà Nẵng và miền trung, Tây Nguyên. Trường cao đẳng Du lịch Ðà Nẵng là một trong những trường đã đẩy mạnh việc liên kết, kết nối với DN trong triển khai hoạt động đào tạo trong những năm gần đây. Chương trình đào tạo của trường được xây dựng lại theo hướng tiếp cận thực tế trên cơ sở thảo luận với DN và chuyên gia về chuẩn đầu ra của từng nghề. Trường đã ký hợp tác với gần 50 DN du lịch lớn (khách sạn, nhà hàng và lữ hành) trên địa bàn Ðà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh miền trung; sinh viên được làm việc bán thời gian tại các DN trong quá trình học và được ưu tiên tiếp nhận khi ra trường. Có khoảng 35 đến 40% sinh viên có việc làm ngay trong thời gian thực tập tốt nghiệp tại DN…

Thạc sĩ Lê Ðức Trung, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Ðà Nẵng chia sẻ: Nhà trường đã chủ động tìm đến DN, giới thiệu về trường và các nghề đào tạo cũng như các kỹ năng sinh viên đã làm chủ trước khi đến thực tập; trao đổi những kỹ năng, kiến thức sinh viên cần có để đáp ứng các vị trí làm việc tại DN. Trường cũng tăng thời lượng học thực hành tại trường và DN để đạt tỷ lệ 65 đến 75%, tùy theo từng ngành học. Qua đó, giúp cho cả hai bên cùng hợp tác và đạt được những yêu cầu mong muốn, bảo đảm chất lượng đào tạo và công việc sau đào tạo.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Ðà Nẵng, việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đào tạo lao động vẫn chưa nhiều và ở tất cả các khâu, như: học sinh, sinh viên thực hành, thực tập; nhà giáo tham gia thực tế tại doanh nghiệp; doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, liên kết đào tạo... Bên cạnh đó, các DN của Ðà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, lao động ở trình độ càng cao thì càng khó tuyển dụng; chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của DN có xu hướng tăng qua các năm gần đây.

Để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Ðà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với năm lĩnh vực mũi nhọn phát triển, Ðà Nẵng cần một đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng, được đào tạo bài bản, có khả năng làm chủ phương tiện, máy, làm chủ công nghệ. Nhiều ý kiến cho rằng, để cân đối nguồn nhân lực giữa đào tạo và sử dụng cần có sự chia sẻ thông tin, liên kết giữa chính quyền, cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo và DN sử dụng lao động. Chính quyền thành phố cần chủ động cung cấp thông tin chiến lược phát triển ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trong tương lai đến các trường trung học phổ thông để học sinh lựa chọn ngành nghề tuyển sinh…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Về phía thành phố, với vai trò quản lý nhà nước, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện việc kết nối, cung cấp thông tin, dự báo nguồn nhân lực cho từng ngành nghề theo từng giai đoạn, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động để DN và nhà trường chủ động có kế hoạch định hướng hiệu quả; ban hành các cơ chế chính sách cụ thể và đồng bộ, khuyến khích DN tham gia tích cực vào đào tạo nhân lực.

BÙI THỊ THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41779902-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc.html