Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn (LĐNT) đang được nước ta đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp rất nhiều khó khăn cả về chính sách hỗ trợ cũng như chất lượng tay nghề của lao động.

Chất lượng lao động còn thấp

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hết tháng 9-2019 đã có hơn 9,2 triệu LĐNT được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020". Ước tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu LĐNT được học nghề các trình độ, đạt 87% mục tiêu của đề án (11,03 triệu người). Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người. Sau khi học nghề, nhiều người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% LĐNT học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; hơn 35% LĐNT được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

 Tư vấn đào tạo nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên.

Tư vấn đào tạo nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ LĐNT, nhưng đến nay chất lượng lao động khu vực này còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do công tác đào tạo nghề và trình độ tay nghề của người lao động chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động. Mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp khá thấp so với thực tế mức học phí học nghề nên số lao động tham gia học nghề chưa cao. Số lượng học viên sau khi học nghề vẫn không tìm được việc làm còn cao do trình độ tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Còn nhiều khó khăn

Theo bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên: Công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ hạn chế. Vì vậy, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho LĐNT chưa đáp ứng nhu cầu học nghề trình độ cao. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu. Để nâng cao trình độ tay nghề cho LĐNT, các trung tâm dịch vụ việc làm cần tuyên truyền, tư vấn, định hướng cho học sinh THCS, THPT, người lao động lựa chọn, tham gia các lớp dạy nghề; chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn để đa dạng hóa các ngành nghề, hướng nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, tránh tình trạng đào tạo nghề xong lao động vẫn không tìm được việc làm.

Chị Hoàng Thị Dâng (26 tuổi, trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) bộc bạch: “Tôi tham gia lớp học nghề may được 3 tháng nhưng vẫn chưa xin được việc do thời gian đào tạo nghề ngắn. Vì vậy, đến nay tôi phải tiếp tục đi học thêm bên ngoài để nâng cao tay nghề”.

Cùng quan điểm với bà Phạm Như Thùy, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: "Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, đặc biệt, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đang dịch chuyển từ việc sử dụng lao động chân tay sang lao động trí óc. Các ngành mới, các lĩnh vực mới, các lĩnh vực sử dụng lao động tri thức sẽ rất phát triển. Đây là cơ hội lớn nên người lao động nói chung, LĐNT nói riêng cần ý thức được việc nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong, kỹ năng làm việc một cách liên tục, suốt đời, tận dụng tốt nhất điều kiện sẵn có của mình cùng các chính sách của Nhà nước để nâng cao năng lực, đảm đương được việc làm. Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động trong năm 2020. Tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp".

Bài và ảnh: THÙY DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-609411