Nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đảm bảo về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng ngày càng trở nên cấp thiết.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nguồn: internet

Công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nguồn: internet

Công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên cần phải được nghiên cứu đổi mới cho phù hợp. Bài viết nhận diện những thách thức đặt ra đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán tại các trường đại học hiện nay, từ đó đưa ra một số đề xuất, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Thách thức đặt ra đối với đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 10/2016 cả nước có khoảng 553 cơ sở đào tạo, trong đó có 203 trường đại học và học viện, 208 trường cao đẳng và 142 trường trung học chuyên nghiệp. Trong tổng số các cơ sở đào tạo này, có trên 50% cơ sở đăng ký đào tạo ngành Kế toán với nhiều chuyên ngành khác nhau như: Kế toán doanh nghiệp (DN), kế toán - kiểm toán… Thậm chí, một số trường có thế mạnh chủ yếu là đào tạo các khối ngành về kỹ thuật, công nghệ cũng tham gia đào tạo mã ngành Kế toán. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, ước tính trong số 3.500 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên (KTV), số người có chứng chỉ hiện nay đang làm việc trong các DN kiểm toán chỉ chiếm khoảng 49%. Từ năm 1991 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 140 người thi đạt chứng chỉ KTV nhưng trong số đó chỉ có 68 người tiếp tục hành nghề kiểm toán chuyên nghiệp, số còn lại không đăng ký hành nghề kiểm toán. Điều này phần nào phản ánh nhân lực kiểm toán độc lập ở nước ta hiện nay đang thiếu về số lượng…

Kế toán, kiểm toán là một trong 8 ngành nghề, lĩnh vực được tự do di chuyển lao động khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập. Việc tham gia AEC đòi hỏi Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có tính chuyên nghiệp cao, đủ năng lực cạnh tranh với lao động của các nước khác trong khu vực. Thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng có xu hướng đưa vào chương trình giảng dạy quá nhiều lý thuyết kiểm toán, trong khi sinh viên rất cần nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và những kỹ năng thực hành hiệu quả. Để cải thiện chất lượng đầu ra của sinh viên ngành Kế toán - kiểm toán, một số trường đã hợp tác đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế của các tổ chức như: Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), CPA Australia... Chẳng hạn, tại Đại học Kinh tế Quốc dân, từ năm 2015, Viện Kế toán - Kiểm toán đã ký thỏa thuận với ICAEW trong việc hỗ trợ đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Ngoài chương trình học do ICAEW xây dựng, việc đưa các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh vào giảng dạy đã giúp khắc phục rào cản ngôn ngữ, phát triển khả năng tiếng Anh cho sinh viên, giúp sinh viên hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc quốc tế. Trong năm học 2016-2017, Trường Đại học Ngoại thương cũng đã mở chuyên ngành Kế toán - kiểm toán theo định hướng nghề nghiệp ACCA. Chương trình đào tạo của Trường đã đưa các môn học cấp độ cơ bản từ F1 - F9 của ACCA vào trong chương trình cử nhân kế toán - kiểm toán. Tất cả các tài liệu của 9 môn học theo chuẩn quốc tế, có tính cập nhật cao. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo 4 năm, sinh viên được nhận Bằng Cử nhân ngành Kế toán chuyên ngành kế toán - kiểm toán hoặc nhận Bằng Cao cấp về kế toán và kinh doanh của ACCA sau khi hoàn thành 9 môn F1- F9. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình này hiện nay chỉ mới được thí điểm triển khai tại một số cơ sở đào tạo uy tín, trong khi nhiều cơ sở đào tạo đại học khác vẫn đang sử dụng chương trình giảng dạy nặng tính hàn lâm và ít đổi mới, cập nhật.

Theo các chuyên gia, chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn lao động kế toán đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các trường đào tạo ngành Kế toán, trong khi các chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp chưa rõ ràng.

Thực tế cho thấy, hiện nay ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên được đào tạo về kế toán, kiểm toán tốt nghiệp nhưng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu của DN. Khảo sát sinh viên được đào tạo về kế toán và kiểm toán đang làm việc tại một số DN cho thấy, 80% người học cho rằng, chương trình đào tạo ngành Kế toán còn nặng về tính hàn lâm; 50% cho rằng, kiến thức chuyên ngành mà họ tiếp thu được ít; 70% trả lời, chưa thể nắm bắt được công việc kế toán, kiểm toán ngay mà phải hướng dẫn lại. Trong khi đó, khảo sát sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, các trường đại học đào tạo ngành nghề kế toán, kiểm toán lớn và có uy tín của Việt Nam cho thấy, có tới 2/3 ý kiến cho rằng chưa thể nắm bắt được công việc ngay khi được giao mà phải hướng dẫn và đào tạo lại. Gần như 100% sinh viên tốt nghiệp tự nhận thấy chưa thể cung ứng ngay dịch vụ kế toán, kiểm toán cho DN trong nước cũng như DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thực trạng trên, cho thấy công tác đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán ở nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của DN, của thị trường. Thực trạng này có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:

Một là, chương trình đào tạo ngành Kế toán của cơ sở đào tạo lạc hậu, thiên về lý thuyết hàn lâm, hệ thống các môn học chuyên ngành chưa phù hợp với hệ thống chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Hệ thống các giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu dù được cải tiến nhưng việc cập nhật vẫn chưa theo kịp yêu cầu hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo chậm cải tiến đổi mới, lý thuyết chưa gắn với thực tiễn, cơ cấu thời lượng chưa hợp lý, dẫn tới sinh viên học quá nhiều nhưng kiến thức lại chưa phù hợp với thực tiễn.

Hai là, đội ngũ giảng viên của các môn học chuyên ngành kế toán, kiểm toán, còn mỏng cả về số lượng lẫn chất lượng. Dù thực tế hiện nay, các cơ sở đào tạo đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên nhưng một bộ phận không nhỏ các giảng viên, người truyền đạt kiến thức vẫn bộc lộ sự đơn điệu và khô cứng trong giảng dạy. Đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần về kế toán, kiểm toán phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế.

Ba là, phương pháp giảng dạy mặc dù đã có sự cải tiến song về cơ bản vẫn tuân thủ theo phương pháp truyền thống thầy đọc, trò chép. Giờ giảng chuyên ngành cho sinh viên, học viên vẫn chủ yếu mang tính thuyết giảng, người học tiếp thu kiến thức một cách thụ động, nội dung giảng dạy mang nặng lý thuyết, thiếu cập nhật thực tiễn, tính ứng dụng thấp.

Bốn là, việc sử dụng các phương tiện phục vụ cho giảng dạy chưa đa dạng, do vậy chưa thể truyền tải hết lượng thông tin cần cung cấp cho người học, số thời gian của giảng viên lên lớp tại các trường quá dày đặc, làm hạn chế thời gian nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, mô hình giảng dạy thực tế ảo vẫn chưa được áp dụng nhiều…

Năm là, người học còn thiếu tính chủ động, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu, thiếu tư duy khoa học. Khả năng hướng nghiệp và khởi nghiệp của sinh viên trong quá trình học và sau khi học còn thấp. Trong khi đó, nhiều DN yêu cầu người được tuyển dụng phải có thời gian kinh nghiệm nhất định khiến cho sinh viên trong ngành Kế toán - kiểm toán khó tiếp cận cơ hội làm việc thực tế trong quá trình học.

Đề xuất kiến nghị

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Kế toán trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý.

(i) Cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu sớm ban hành thêm cơ chế khuyến khích, thu hút đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo và ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập và quản lý các cơ sở đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

(ii) Sớm xây dựng tiêu chuẩn về đào tạo ngành Kế toán, kiểm toán dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và đưa vào giảng dạy đại trà. Ngoài ra, trong bối cảnh các trường đang đẩy mạnh quyền tự chủ, đi đôi với việc tăng kiểm định chất lượng bởi các tổ chức độc lập, các nhà kiểm định sẽ căn cứ trên các tiêu chuẩn này để đánh giá và công bố kết quả đến xã hội.

Thứ hai, đối với các trường đại học.

- Chương trình đào tạo phải đảm bảo tính linh hoạt, thuận tiện, phù hợp với nội dung chương trình đào tạo các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để việc công nhận bằng cấp, chuyển đổi môn học hay tiếp tục học ở bậc cao hơn được thuận lợi. Đặc biệt, Chương trình đào tạo về lĩnh vực kế toán cần được đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho học viên phù hợp với thực tiễn.

- Chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán quốc tế ISA, IFRS. Đồng thời, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế (ACCA, CPA Australia, CIMA...) dễ dàng hơn. Đối với sinh viên chuyên ngành kiểm toán cũng cần quy định tiêu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cao hơn so với hiện nay.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý. Nâng cao năng lực giảng viên thông qua việc cử đi học tập, nghiên cứu các chương trình học từ các nước có nền giáo dục và chuyên ngành kế toán, kiểm toán phát triển như: Mỹ, Australia, Singapore…

- Trong quá trình đào tạo, các trường đại học cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối với DN, các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán có uy tín nhằm tăng cường các kỹ năng thực hành nghề nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu thực tế tại DN thông qua các chuyến đi thực tế, giao lưu, trao đổi với các lãnh đạo DN. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện theo phương châm đào tạo gắn liền với thực tiễn, tổ chức đào tạo nên tổ chức các hội thảo về kế toán, bàn về những văn bản mới ban hành có sự tham gia của các đơn vị hành nghề.

Thứ ba, đối với giảng viên.

(i) Luôn đổi mới phương thức giảng dạy, cố gắng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tế, cho sinh viên tiếp cận thực tế thường xuyên để nâng cao khả năng thực hành. Không ngừng điều chỉnh, cập nhật, bổ sung giáo án giảng dạy sát với nhu cầu nhân lực của DN trong thực tế.

(ii) Chủ động cập nhật các kiến thức, các quy định, chuẩn mực mới về kế toán trong nước và quốc tế, không chỉ giúp nâng cao trình độ, mà còn qua đó tao sự đa dạng về truyền tải kiến thức cho sinh viên.

(iii) Chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động giảng dạy để đạt được hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, đối với người học.

(i) Phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập, tìm hiểu phương pháp học tập có hiệu quả, nâng cao nghiên cứu khoa học và học tập gắn liền với thực hành, thực tiễn.

(ii) Xác định việc học là lấy kiến thức, trưởng thành trong suy nghĩ và kỹ năng sống là cơ sở sau này đi làm chứ không phải học để có tấm bằng. Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, theo cam kết, dịch vụ kế toán, kiểm toán sẽ là một trong 8 lĩnh vực dịch vụ được mở cửa tự do không chỉ cho các pháp nhân mà cả các thể nhân, những người có chứng chỉ hành nghề, có kỹ năng nghề nghiệp được thừa nhận.

(iii) Tham gia các diễn đàn, các nhóm trao đổi về kế toán nhằm nâng cao trình độ cũng như cọ xát thực tế, phục vụ cho công việc sau khi ra trường.

Tài liệu tham khảo:

Đặng Văn Thanh, Tăng cường hoạt động đào tạo phát triển nguồn lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 4/2017;Nguyễn Lộc (2018), Đào tạo nhân lực ngành kiểm toán: Cần xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế, Báo Kiểm toán Nhà nước;Phan Thanh Hải, Nguyễn Phi Sơn (2016), Đào tạo nhân lực cho ngành kiểm toán độc lập của Việt Nam trong các trường đại học – Cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP, AEC; Kỷ yếu Hội thảo 20 năm thành lập hội kế toán kiểm toán Việt Nam;Một số website: vacpa.org.vn, aum.edu.vn.

ThS. LƯƠNG THỊ YẾN - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nganh-ke-toan-kiem-toan-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-302421.html