Nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng xây dựng thương hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam
Sáng 6/12/2024, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến chủ trì buổi làm việc của Thường trực Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam với Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Cùng dự buổi làm việc có: Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo; các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Nguyễn Thị Minh Hương, Trần Lan Phương, Nguyễn Thị Thu Hiền; Ban Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và các cán bộ chủ chốt của Học viện.
Phát biểu định hướng buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, nội dung buổi làm việc tập trung vào các giải pháp tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Đồng thời, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội cũng nắm bắt tình hình hoạt động của bộ máy, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Học viện, các kiến nghị của Học viện về cơ sở vật chất, việc sáp nhập một số đơn vị thuộc Học viện và các định hướng trong thời gian tới.
Trong những năm qua, Học viện Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quy mô bồi dưỡng tăng nhanh, đạt từ 2.500 đến hơn 4.000 lượt học viên hàng năm. Trong giáo dục đại học, Học viện đã triển khai đầy đủ 3 trình độ đào tạo với 12 chương trình đào tạo đại học (11 ngành), 4 chương trình thạc sỹ và 2 chương trình tiến sỹ.
Về tổ chức, nhân sự, tính đến tháng 10/2024, tổng số viên chức, người lao động đạt xấp xỉ 250 người, làm việc tại 19 đơn vị, bộ phận. Trong đó, tổng số giảng viên cơ hữu đạt hơn 180 người, với 8 PGS, hơn 60 TS; đảm bảo tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên đạt khoảng 70% tổng số nhân sự...
Sau khi nghe thảo luận, các đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, kết luận nội dung làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Học viện Phụ nữ Việt Nam có bề dày truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, là niềm tự hào của Hội LHPN Việt Nam. Trong những năm qua, Học viện đạt được nhiều kết quả, trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy mô đào tạo ngày càng tăng lên; tham gia đào tạo trung cấp chính trị cho cán bộ Hội các cấp, cán bộ nữ. Quy mô đào tạo đại học tăng lên, đến cuối năm 2024 đạt hơn 6.400 người học; tuyển sinh hàng năm đều đạt chỉ tiêu với điểm đầu vào hệ đại học có sự cải thiện mạnh. Học viện cũng là nơi tập trung nghiên cứu về giới, khoa học về giới...
Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, hiện nay, Học viện Phụ nữ vẫn gặp những khó khăn - cũng là khó khăn chung của các trường đại học ở Việt Nam, cụ thể như: Tỷ lệ học sinh nghỉ học còn cao; Năng lực công bố quốc tế của giảng viên hạn chế, năng lực giảng dạy bằng tiếng Anh còn ít. Nguồn thu tài chính tương đối nhỏ, chủ yếu thu từ học phí với mức thu thấp. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của giáo dục đại học, nhất là phục vụ thực hành...
Từ thực tế nêu trên, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Học viện Phụ nữ Việt Nam muốn khẳng định được vị trí, vai trò trong nền giáo dục nước ta, "không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng đào tạo; cùng với đó cần chú trọng để đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu của Học viện". Đồng thời, Học viện cần nâng cao chất lượng, tập trung nghiên cứu những đề tài khoa học, công trình mà Học viện có thế mạnh....
Về mục tiêu đến năm 2030, Học viện nằm trong nhóm 50 các trường đại học tốt nhất Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị Học viện cần xây dựng chiến lược cụ thể, chuẩn bị các nguồn lực để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra và đặc biệt cần phải nâng cao năng lực nội tại của chính Học viện.
Cùng với đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng gợi mở một số giải pháp, nội dung liên qua tới các đề xuất về phát triển cơ sở vật chất, sắp xếp bộ máy và định hướng đào tạo trong việc sáp nhập nhập trường Trung cấp Lê Thị Riêng về Học viện Phụ nữ Việt Nam.