Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các huyện miền núi

Xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, nhằm bồi dưỡng, rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; những năm qua, đảng bộ các huyện miền núi trong tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ xã Ái Thượng (Bá Thước) thường xuyên bám cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân đưa cây trồng mới vào phát triển sản xuất.

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đơn vị, hằng năm Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (BDCT) huyện Bá Thước tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ để có kế hoạch đào tạo theo từng năm, từng giai đoạn phù hợp, sát với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Vì vậy, huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức học tập và tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí công tác, chức danh đã được quy hoạch để bố trí, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo cho cán bộ, công chức, Trung tâm BDCT huyện thường xuyên bổ sung, cập nhật những số liệu mới, vấn đề mới và tình hình thực tiễn của địa phương theo hướng vừa bảo đảm nội dung yêu cầu, vừa đổi mới nội dung bài giảng; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, góp phần làm phong phú thêm nội dung chương trình học tập, bồi dưỡng. Chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) theo hình thức lồng ghép, bổ sung thêm chuyên đề “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào nội dung, chương trình giảng dạy, góp phần đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Trong năm 2019 và gần 2 tháng năm 2020, Trung tâm BDCT huyện Bá Thước đã mở 3 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 270 học viên; 2 lớp đảng viên mới cho 180 học viên; 8 lớp bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị cho trên 700 học viên; 2 lớp đào tạo hệ trung cấp – hành chính cho 160 học viên...

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng, giáo dục LLCT, trong suốt quá trình lãnh đạo, đảng bộ các huyện miền núi trong tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, trong đó trung tâm BDCT huyện đóng vai trò chủ đạo để bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và xem đó là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, góp phần thành công trong công tác xây dựng Đảng. Việc bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ LLCT được thực hiện gắn với việc tiêu chuẩn hóa đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các địa phương, ban, ngành trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Từ kết quả học tập sẽ được xem là một trong những tiêu chí hàng đầu để xem xét, đánh giá, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh... Ngoài ra, đảng bộ các huyện miền núi đã chọn, cử cán bộ chủ chốt, cán bộ trong nguồn quy hoạch từ huyện đến xã theo học các lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước, kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn, chuyên ngành... Đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề mà Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn. Trong đó, các nội dung được quan tâm nhất là về giáo dục chủ nghĩa yêu nước; thông tin về tình hình thời sự trong nước, trong tỉnh và trên địa bàn; thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới... đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, cũng chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng, chủ động lồng ghép nội dung các chương trình bồi dưỡng với quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội dung bài giảng được trình bày theo sự chỉ đạo thống nhất của cấp trên đồng thời có sự liên hệ với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, phù hợp với tâm lý, nhu cầu của học viên trong tình hình hiện nay. Hầu hết những cán bộ, đảng viên đã qua các lớp bồi dưỡng sau khi về địa phương công tác đã biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn để giải quyết những công việc cụ thể, góp phần làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội ở cơ sở, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các huyện miền núi trong tỉnh còn những hạn chế. Theo đó, việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, thu thập, xử lý, tổng hợp những vấn đề thực tiễn vào giảng dạy có nội dung chưa thực sự khoa học, công tác quản lý học viên đôi khi chưa chặt chẽ. Một số giảng viên khả năng liên hệ thực tế còn hạn chế, bài giảng chưa tạo sức thu hút của học viên. Việc nắm bắt thông tin hai chiều có lúc còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền và cơ sở đào tạo trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên sau đào tạo, bồi dưỡng, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác ở cơ quan, đơn vị và địa phương chưa kịp thời, thiếu sự gắn kết và đánh giá rút kinh nghiệm...

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết nghĩ trung tâm BDCT các huyện miền núi trong tỉnh tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng; đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng dạy và học, trọng tâm là các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp LLCT và bồi dưỡng LLCT dành cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới và bồi dưỡng các chuyên đề cho cán bộ chủ chốt của xã, thị trấn và các khối đoàn thể. Tổ chức cho giảng viên chuyên trách của trung tâm thâm nhập, tiếp cận tiến hành tổng kết và giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến để bổ sung cho lý luận. Trong giảng dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo điều kiện cho học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tốt các tình huống từ cơ sở...

Bài và ảnh: Lê Quốc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nang-cao-chat-luong-dao-tao-boi-duong-ly-luan-chinh-tri-cho-doi-ngu-can-bo-dang-vien-o-cac-huyen-mien-nui/114822.htm