Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới

Nhiều năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh luôn được triển khai đồng bộ. Việc truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp với trình độ nhận thức của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thay đổi tư duy, nhận thức của người dân

Thay đổi nhận thức, tư duy của người dân là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. Vì thế, thời gian qua, ngành dân số đã có những giải pháp tích cực, chủ động làm chuyển biến căn bản về thái độ, nhận thức của người dân về sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh…

Cán bộ dân số xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) phát tờ rơi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn xã.

Cán bộ dân số xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) phát tờ rơi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn xã.

Gia đình chị Đinh Thị Hương, xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) hiện sinh được 2 con, 1 bé trai và 1 bé gái. Sau khi tìm hiểu các biện pháp KHHGĐ, vợ chồng chị Hương đã quyết định chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy các con cho tốt.

Chị Hương chia sẻ: Nhờ sự tuyên truyền tích cực của các cán bộ dân số trên địa bàn xã thông qua các buổi họp thôn, xóm và tuyên truyền tại gia đình, gia đình tôi đã nhận thức đầy đủ về việc không nên sinh con thứ 3 và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại.

Sự thay đổi nhận thức của chị Hương giờ đây cũng là thay đổi của rất nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã Hiệp Hòa. Để có được sự thay đổi tư duy của người dân, nhất là những gia đình sinh con một bề hoặc những gia đình có 2 con nhưng vẫn mong muốn sinh thêm; đội ngũ cán bộ dân số trên địa bàn xã đã tăng cường bám địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh thai…

Chị Đinh Thị Nhung, cán bộ dân số xã Hiệp Hòa, cho biết: Với địa bàn xã khá rộng, đông dân cư, lại có đồng bào Công giáo, nên chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về hệ quả của việc sinh quá nhiều con, sinh dày. Chúng tôi tiến hành tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, đến từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả.

Người cao tuổi trên địa bàn xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) được thăm khám sức khỏe thường xuyên.

Theo Phòng Dân số (Trung tâm Y tế TX Quảng Yên), 19/19 Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn thị xã đều có viên chức dân số chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ; 179/179 thôn, khu bố trí cộng tác viên dân số thực hiện tuyên truyền, phổ biến các pháp lệnh về công tác dân số đến với người dân. Việc triển khai các hoạt động cung cấp các dịch vụ KHHGĐ đều thực hiện đúng quy định như: Cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát chẩn đoán trước sinh và sơ sinh…

Cùng với đó, việc thực hiện tổ công tác tuyên truyền, vận động cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; không chỉ giúp các gia đình có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình mà còn thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ tại địa phương, qua đó góp phần ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ngày Dân số Việt Nam 26/12 với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chú trọng vào công tác tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới; khó khăn và thách thức của công tác dân số trong thời gian tới khi chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tư vấn cho sản phụ làm các biện pháp sàng lọc sau sinh.

Đặc biệt, Chi cục chú trọng các nội dung về nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể đó là: Lợi ích, ý nghĩa của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe bằng việc xây dựng và duy trì hoạt động của các CLB chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tổ chức triển khai mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa…

Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh thừa nam thiếu nữ xuất hiện ở nước ta vào năm 2006 với tỷ số là 109/100 và năm 2019 là 111,5/100 vẫn đang ở mức cao, ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn. Theo dự báo năm 2050 Việt Nam sẽ dư khoảng 4,3 triệu nam giới, điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường có thể thấy trước đó là nạn nhập khẩu cô dâu, nhiều nam giới không có khả năng và điều kiện lấy vợ, cấu trúc gia đình bị phá vỡ, nạn mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ...

(Theo Tổng cục DS-KHHGĐ)

Theo bà Tạ Thị Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ: Thực hiện công tác truyền thông về Ngày Dân số Việt Nam, Chi cục căn cứ vào chủ đề để hướng dẫn các đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể liên quan để tổ chức các hoạt động hưởng ứng đảm bảo nội dung truyền thông cho phù hợp. Cùng với đó, Chi cục đã đề ra các khẩu hiệu truyền thông nâng cao nhận thức như: Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần đảm bảo tỷ số giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, không kết hôn cận huyết thống để nâng cao chất lượng giống nòi…

Trung tâm Y tế TP Móng Cái thực hiện truyền thông cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản cho các lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Có thể thấy rằng, việc nâng cao chất lượng dân số là công việc chung của cả cộng đồng xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, việc quan trọng là cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các Đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là các Đề án cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 21. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đưa Nghị quyết 21 và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống.

Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 - 2,2 con).

(Theo Tổng cục DS-KHHGĐ)

Vân Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202012/huong-ung-ngay-dan-so-viet-nam-2612-nang-cao-chat-luong-dan-so-trong-tinh-hinh-moi-2514559/