Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện Đề án 'Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng' trên địa bàn 48 xã của 11 huyện miền núi, nhằm can thiệp thay đổi hành vi, tập quán sử dụng dịch vụ DS- KHHGĐ và các loại hình dịch vụ phù hợp với tâm lý, tập quán của người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại các vùng dân tộc ít người, đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, dân tộc có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi, nâng cao chất lượng dân số để góp phần thành công cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giữ vững ổn định chủ quyền dân tộc.

Thanh Hóa là địa phương có dân số đông, địa bàn rộng lớn, trong đó có 11 huyện miền núi. Những năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh nói chung, ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Ảnh tư liệu

Thực hiện hiệu quả các đề án về công tác DS-KHHGĐ

Thanh Hóa là địa phương có dân số đông (đứng thứ 3 trong cả nước), địa bàn rộng lớn, trong đó có 11 huyện miền núi gồm Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, với 6 dân tộc chủ yếu gồm Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú.

Những năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh nói chung, ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện ở các cấp, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những kết quả đáng mừng; ý thức của người dân về thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, VTN/TN, chăm sóc người cao tuổi ... được nâng lên. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa thực hiện chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, giai đoạn có nhiều bước ngoặt quan trọng, chính sách dân số chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, nhiều đề án được triển khai thực hiện hiệu quả. Hàng năm, các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, trong những năm qua Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình, đề án như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên, Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển....Trong số các đề án đang được triển khai thực hiện hiệu quả trên, không thể không nhắc đến Đề án “Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng”, đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tại địa bàn triển khai mô hình. Trong khuôn khổ của đề án, từ năm 2018 đến năm 2020 đã tổ chức 58 hội nghị tuyên truyền cung cấp thông tin cho đại biểu là lãnh đạo chính quyền đoàn thể tại địa phương, cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp tỉnh, huyện, xã; thành lập, hướng dẫn và duy trì sinh hoạt cho 48 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết thống, với 441 cuộc nói chuyện chuyên đề về công tác dân số trong tình hình mới; sản xuất, nhân bản và cấp 111.537 tờ rơi các loại; 4.127 áp phích; 60 pano và 1.830 sách lật; thành lập được 9 đội lưu động, thực hiện cung cấp các dịch vụ khám phụ khoa và chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, kết quả khám phụ khoa là 5.220 ca , cấp thuốc điều trị cho 3.799 người.

Đề án “Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng” đang triển khai trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Ảnh tư liệu

Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng trong việc đưa các chủ trương chính sách về DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc miền núi nhằm can thiệp thay đổi hành vi, tập quán sử dụng dịch vụ DS-KHHGĐ để giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết” đã truyền tải cho các hội viên nắm được các kiến thức về SKSS trước hôn nhân, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các bệnh được sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cách làm mẹ an toàn; tổ chức nói chuyện chuyên đề trao đổi và cung cấp các thông tin về chăm sóc SKSS, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng mới kết hôn.

Triển khai hiệu quả đề án tại huyện Thường Xuân

Thường Xuân là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng”.

Thường Xuân là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng”. Ảnh tư liệu

Sau lời giới thiệu của anh Lê Văn Kiên, Trưởng phòng Dân số - Truyền thông Giáo dục và Sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Thường Xuân chúng tôi lên xã vùng biên Bát Mọt. Đây là 1 trong 4 xã trên địa bàn huyện triển khai thực hiện đề án và cũng là địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND xã Bát Mọt Lang Đức Thọ đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt. Xã Bát Mọt thuộc khu vực III vùng dân tộc thiểu số khó khăn của huyện Thường Xuân. Dân số 3.935 hộ, 796 khẩu, với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 99% dân số toàn xã; có 675 trẻ em, trong đó có 126 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, THCS đạt 100%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 23%. Những năm qua, công tác DS-KHHGĐ luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực trong công tác dân số tuy nhiên tư tưởng đông con, nhiều của, phải có con trai nối dõi tông đường vẫn còn rất nặng nề trong một bộ phận quần chúng nhân dân; tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn cao, vẫn còn trường hợp tảo hôn...

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng” của tỉnh, của huyện triển khai trên địa bàn xã Bát Mọt, thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề tư vấn về SKSS/KHHGĐ và thành lập câu lạc bộ sức khỏe sinh sản và tiền hôn nhân, góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong công tác DS-KHHGĐ.

Đến thăm gia đình chị Hà Thị Nhàn, dân tộc Thái, thôn Khẹo, xã Bát Mọt. Gia đình chị hiện có 5 khẩu, chị đang chuẩn bị sinh con thứ 2. Gia đình chị Nhàn chủ yếu làm nông nghiệp nên điều kiện gia đình còn khó khăn nên chị cho biết, sau khi sinh xong cháu thứ 2 sẽ tập trung chăm sóc các cháu khỏe mạnh, cho các cháu ăn học đầy đủ và quyết tâm không sinh con thứ 3.

Bát Mọt là 1 trong 4 xã của huyện Thường Xuân đang triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng”. Ảnh Hoàng Đông

Ông Vi Văn Sáng, Phó Bí thư chi bộ, phó trưởng thôn Khẹo, xã Bát Mọt cho biết: thôn Khẹo có 59 hộ, 247 khẩu. Thôn Khẹo chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, cuộc sống của bà con mặc dù đã ổn định hơn rất nhiều so với trước đây nhưng cũng còn khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Để cuộc sống của bà con bớt khó khăn, ban quản lý thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên không kết hôn sớm, không sinh con thứ 3. Thông qua các buổi nói chuyện, hội nghị, sách báo, tờ rơi…bà con thôn Khẹo ngày càng nâng cao nhận thức về công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số.

Chia tay Bát Mọt trong ánh nắng chiều dịu dần, đón chúng tôi ở Trung tâm Y tế huyện Thường Xuân, ông Lò Văn Ước, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế chia sẻ: Huyện Thường Xuân có 16 xã, thị trấn, dân số 94.446 người, những năm qua, công tác DS-KHHGĐ đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Đặc biệt, sau khi có hướng dẫn của tỉnh về triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc ít người”, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện và được cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo sát sao và sự phối hợp chặt chẽ của ngành, đoàn thể trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án. Thường Xuân có 4 xã được thụ hưởng và triển khai dự án gồm: Bát Mọt, Vạn Xuân, Xuân Lẹ, Xuân Thắng. Trung tâm tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề tư vấn về SKSS/KHHGĐ tại 4/4 xã. Thành phần gồm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, nam giới chủ hộ gia đình, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng. Nội dung tuyên truyền, tư vấn về SKSS/KHHGĐ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nguyên nhân, nguy cơ, tác hại, địa chỉ sàng lọc của bệnh tan máu bẩm sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… Năm 2020, đã tổ chức 12 hội nghị nói chuyện chuyên đề trên địa bàn 4 xã: Bát Mọt, Vạn Xuân, Xuân Lẹ, Xuân Thắng, mỗi xã tổ chức 3 hội nghị với 50 người tham dự/cuộc, tổng số có 600 người tham dự và 16 buổi sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe sinh sản và tiền hôn nhân.

Xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân ra mắt câu lạc bộ sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết thống năm 2019. Đến nay câu lạc bộ đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong công tác DS-KHHGĐ. Ảnh tư liệu

Thực hiện công tác DS-KHHGĐ năm 2021 trong chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của tỉnh, huyện Thường Xuân xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó Đề án “Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng” tiếp tục được duy trì tại 4 xã: Bát Mọt, Xuân Thắng, Xuân Lẹ, Vạn Xuân. Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Thường Xuân tổ chức hội nghị triển khai đề án cho cán bộ, trưởng trạm y tế, cán bộ phụ trách dân số của trạm y tế của 4 xã. Sau khi tổ chức hội nghị triển khai đề án cho cán bộ các trạm, cán bộ phụ trách dân số của 4 xã, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động chính của đề án như tổ chức hội nghị tuyên truyền cung cấp thông tin và cấp phát tài liệu truyền thông. Trong đó, đối với hội nghị tuyên truyền cung cấp thông tin sẽ được triển khai đến lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, những người thực hiện nhiệm vụ công tác dân số và phát triển ở cấp xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Xác định nâng cao chất lượng dân số là “cửa ngõ xung yếu” để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa tích cực tham mưu cho các cấp lãnh đạo, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhằm đạt mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số và phát triển. Đặc biệt chú trọng công tác truyền thông vận động, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các trưởng thôn/bản và những người có uy tín trong cộng đồng từ đó giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/nang-cao-chat-luong-dan-so-cac-dan-toc-it-nguoi-tai-cong-dong/136837.htm