Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền theo phong cách Hồ Chí Minh

Công tác tuyên truyền là một bộ phận của công tác vận động quần chúng (VĐQC), có vị trí hết sức quan trọng nhằm tuyên truyền mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; qua đó, nâng cao nhận thức cách mạng, định hướng hoạt động đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt đối với quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Xuân, BĐBP Sơn La tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Mai Viết Nhân

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Xuân, BĐBP Sơn La tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Mai Viết Nhân

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa nền tảng lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã chọn lọc tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loại về vị trí của nhân dân trong tiến trình phát triển của dân tộc.

Bác đã khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, nhân dân là người chèo lái con thuyền cách mạng đến ngày thắng lợi. Người cũng thường xuyên nhắc nhở, để được nhân dân giúp đỡ cách mạng thì trước hết, cách mạng phải làm cho dân hiểu, dân tin, muốn được vậy thì công tác tuyên truyền phải mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, VĐQC nhân dân. Người xem đó là công việc quan trọng không chỉ tạo nên lực lượng to lớn của cách mạng, mà còn góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong mọi thời kỳ.

Đặc biệt hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong công tác tuyên truyền, Bác đã huấn thị, lực lượng tuyên truyền phải thực hiện tốt ba nội dung: Một là, nhận thức đúng đắn về mục đích và vai trò của tuyên truyền; hai là, nắm rõ đối tượng tuyên truyền; ba là, phương pháp tuyên truyền. Ba nội dung trên phải thống nhất, liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó, người thực hiện công tác tuyên truyền đóng vai trò quyết định đến sự thành công của hoạt động tuyên truyền.

Nói về mục đích của công tác tuyên truyền, Người nhấn mạnh: Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích, đó là tuyên truyền thất bại. Vì vậy, mục đích cơ bản của công tác tuyên truyền là phải làm cho quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên thấm nhuần những giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin, những chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Cán bộ VĐQC phải nắm vững, nắm chắc đối tượng được tuyên truyền, Người từng răn dạy: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. Người tuyên truyền phải điều tra, phải có tư duy phân tích, nghiên cứu, đánh giá và hiểu biết quần chúng thì công tác tuyên truyền ắt sẽ thành công. Việc nắm rõ các đối tượng được truyên truyền rất quan trọng, vì tùy theo từng đối tượng, trình độ, để có thể lựa chọn phương pháp tuyên truyền, mỗi đối tượng phải có phương pháp tuyên truyền khác nhau.

Người cho rằng, nên tuyên truyền hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực vừa đảm bảo nội dung lại dễ vận động giác ngộ quần chúng. Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, với từng hoàn cảnh. Cách nói, cách viết phải ngắn gọn, giản đơn, rõ ràng, thiết thực, phải có đầu, có cuối, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được.

Hơn thế nữa, những cán bộ tuyên truyền phải học cách tuyên truyền của quần chúng, kết hợp việc học trong sách vở, học trong thực tiễn công tác và học trong đời sống nhân dân. Quan trọng nhất, muốn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thì người tuyên truyền phải hiểu rộng, biết nhiều, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền.

Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có thực tiễn phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải có trình độ văn hóa cao, có vốn sống về thơ, ca, nhạc, họa thì tác dụng và hiệu quả tuyên truyền sẽ rất lớn. Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh, tập hợp đông đảo nhân dân và phải là người biết “quạt gió phong trào”. Không nên lúc nào cũng trích C.Mác, trích V.I.Lê-nin, làm cho đồng bào khó hiểu mà nên nói những điều đồng bào cần nghe, đồng bào chưa biết.

Đặc trưng nổi bật trong phong cách tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ, chuyển thể giữa thi ca và cuộc sống đời thường. Cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người mộc mạc, ngắn gọn, trong sáng, giản dị và khúc triết, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Nhờ đó, những bài nói, bài viết của Người luôn được mọi người cảm thụ sâu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Về công tác chuẩn bị nội dung tuyên truyền, người tuyên truyền phải chuẩn bị nội dung thật chu đáo, để tránh lối nói ba hoa, rỗng tuếch, cẩu thả, lặp lại, nhàm chán. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại những cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn, nói nữa thì chán tai”, vì vậy, “khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo hoặc thảo một bài diễn văn nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài viết của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa vô ích thì phải bỏ đi”. Để nội dung bài nói, bài viết có chất lượng, người tuyên truyền phải chịu khó “nghe”, “thấy”, “xem” và “ghi chép”.

Thấm nhuần tư tưởng và lời huấn thị của Bác, Đảng ta luôn xác định công tác tuyên truyền là việc làm thường xuyên, liên tục và quan trọng, đặc biệt, trước bước ngoặt cách mạng hoặc chủ trương mới đã và đang được triển khai. Trước những biến động phức tạp của tình hình chính trị quốc tế và trong nước, nếu không kịp thời tuyên truyền, định hướng sẽ gây ra sự hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân. Bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, sinh động, hấp dẫn và có tính thuyết phục cao, công tác tuyên truyền vừa thực hiện chức năng giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, nhân cách, đồng thời, vừa định hướng thái độ, hành vi của mỗi quần chúng nhân dân.

Những năm qua, công tác tuyên truyền của đội ngũ cán bộ ở đồn Biên phòng được các cấp ủy Đảng xem như một vũ khí sắc bén trong công tác VĐQC để động viên, khích lệ nhân dân thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua công tác tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học thành niềm tin, thành hành động cụ thể, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần làm cho cuộc sống mỗi người dân ở khu vực biên giới, biển đảo của Tổ quốc ngày càng tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng luôn tâm niệm, quyết tâm học tập phương pháp tuyên truyền của Bác để mỗi người trở thành cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.

Mai Viết Nhân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tuyen-truyen-theo-phong-cach-ho-chi-minh/