Nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh Lê Đức Kỳ, 5 năm qua, MTTQ các cấp đã giám sát việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư được 1.235 vụ việc của cơ quan có thẩm quyền. Qua giám sát đã phát hiện 221 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, đã chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết được 150 vụ. Kết quả đạt được góp phần làm ổn định chính trị, trật tự an toàn địa phương.

Hòa giải viên ở Bắc Ninh đến với người dân.

Hòa giải viên ở Bắc Ninh đến với người dân.

Những chuyển biến tích cực

Ông Lê Đức Kỳ cho biết: Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống MTTQ tỉnh Bắc Ninh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, MTTQ các cấp đã tiếp 756 lượt công dân đến phản ánh và gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua tiếp công dân, cán bộ của Mặt trận đã giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, nhiều trường hợp khi được giải thích thì không gửi đơn khiếu nại nữa. Đáng chú ý, MTTQ các cấp giám sát việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư được 1.235 vụ việc của cơ quan có thẩm quyền. Qua giám sát đã phát hiện 221 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, đã chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết được 150 vụ.

“Với kết quả đạt được góp phần làm ổn định chính trị, trật tự an toàn địa phương. Đặc biệt, đối với hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh đã tuyên truyền vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, chính quyền địa phương”- ông Kỳ khẳng định và thông tin thêm: Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân (TTND) hoạt động đúng chức năng “giám sát, phát hiện, kiến nghị” theo quy định đã đi vào nền nếp. Trong giám sát thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở Ban TTND đã thường xuyên giám sát các nội dung UBND phải công khai cho “dân biết” về các nghị quyết của HĐND, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đề án thành lập, chia tách đơn vị hành chính; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai; việc thu chi và quyết toán tài chính hàng năm; các chương trình, dự án đầu tư do Nhà nước tài trợ; giám sát những việc dân bàn, dân quyết định; giám sát những việc nhân dân tham gia ý kiến trước khi chính quyền xã quyết định. Giám sát những nội dung về “dân bàn” như: Bình xét hộ nghèo, mức đóng góp cơ sở hạ tầng, xây dựng quy ước thôn, làng, khu phố, bầu trưởng thôn, bầu thành viên Ban TTND…. Bàn và quyết định trực tiếp về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, công khai các loại quỹ, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân... vào quy ước các thôn. Qua 5 năm, Ban TTND đã tiến hành trên 1.500 cuộc giám sát, đã phát hiện 286 vụ việc, kiến nghị 275 vụ việc, giải quyết được 266 vụ việc. Thông qua đó đã tạo được lòng tin và sự đồng thuận trong nhân dân.

Khắc phục hạn chế

Tuy nhiên, ông Lê Đức Kỳ cũng thẳng thắn nêu: Bên cạnh những mặt đạt được, trong thời gian qua công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư vẫn còn tồn tại một số những hạn chế như: Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn có những diễn biến phức tạp trên các lĩnh vực, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số nơi chưa dứt điểm, còn để kéo dài, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp. Lãnh đạo UBND một số đơn vị khi tiếp nhận văn bản của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chuyển đơn của công dân để giải quyết theo thẩm quyền nhưng không thông báo kết quả giải quyết, để Mặt trận đôn đốc.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Lê Đức Kỳ nhấn mạnh vai trò chủ trì của Mặt trận, “Mặt trận các cấp cần phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp thường xuyên tiến hành giám sát hoạt động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tới các cơ quan nhà nước để giải quyết, đồng thời giám sát việc giải quyết”- ông Kỳ đề xuất, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Tổ hòa giải ở khu dân cư, mong muốn lực lượng này phát huy vai trò nhằm giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp ban đầu ngay tại địa phương. Thực hiện hiệu quả hơn nữa việc phối hợp tổ chức đối thoại và tái đối thoại với nhân dân khi cần thiết. Đảm bảo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng đơn giải quyết tồn đọng kéo dài, quá hạn và vượt cấp.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tiep-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-tintuc446496