Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em trong tình hình mới

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tham gia của các ngành, đoàn thể cùng sự chăm lo cho trẻ em của mỗi gia đình, cộng đồng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Một tiết mục biểu diễn văn nghệ của các em học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt, huyện Hà Trung.

Những tín hiệu vui

Thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội bằng các nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực. Trong đó tập trung tuyên truyền tại cộng đồng, đặc biệt là địa bàn nông thôn, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương có tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cao. Các hình thức tuyên truyền đa dạng như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, hội thi, diễn đàn, sinh hoạt câu lạc bộ; xây dựng và lắp đặt pa nô, áp phích, tờ rơi, sách mỏng; băng zôn, khẩu hiệu; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự trên báo, đài, tạp chí, cổng thông tin điện tử của ngành, địa phương.

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình hành động vì trẻ em, từ năm 2012 đến nay, sở đã tổ chức 34 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ trẻ em cho 1.245 cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, xã; 328 lớp tập huấn truyền thông phổ biến tuyên truyền về Luật Trẻ em; phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ cho 12.040 đại biểu là các bậc phụ huynh, trẻ em tại cộng đồng; in và cấp phát hơn 62.000 tờ rơi về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, 15.040 cuốn sổ theo dõi trẻ em trong gia đình; treo hơn 1.000 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em hằng năm; tổ chức 897 diễn đàn trẻ em các cấp. Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Trẻ em và các văn bản liên quan đã có những tác động tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện tốt quyền trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nhằm hướng đến mục tiêu mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thời gian qua các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã thực hiện các giải pháp, triển khai các hoạt động nhằm tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em. Đồng thời, từng bước thực hiện tốt quy trình bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: Từ phòng ngừa, phát hiện can thiệp sớm các trường hợp có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; đến việc hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, đưa ra các hình thức trợ giúp khác nhau đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp các em phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh cơ bản đều đạt kế hoạch đề ra. Hằng năm, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. 100% xã, phường, thị trấn bố trí nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi tại các trạm y tế. Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực, bước đầu đã xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và chất lượng. Việc duy trì cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội được tăng cường, cơ sở vật chất trường học được tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh đã góp phần khắc phục những hạn chế, chênh lệch giữa các vùng miền. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi được phổ cập giáo dục mầm non hằng năm đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học năm học 2019-2020 đạt 99%. trẻ em đi học đúng độ tuổi bậc THCS đạt 99,98%, vượt chỉ tiêu đề ra. Chương trình nội dung, phương pháp giáo dục được đổi mới; chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các môn học, bậc học tăng dần qua các năm; các trường đạt chuẩn vượt chỉ tiêu đề ra.

Hiện toàn tỉnh có 509/559 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 133.567 ngôi nhà đạt tiêu chuẩn “Ngôi nhà an toàn”, 569 trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn” và 193 cộng đồng đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn” về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Cùng với đầu tư của Nhà nước, các ngành, các cấp đã huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân xây dựng được 495 điểm vui chơi đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt, vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh

Vẫn còn “sạn” và giải pháp khắc phục

Tuy số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh có giảm dần qua các năm, nhưng vẫn còn cao. Toàn tỉnh còn 41.185 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 87.235 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nguyên nhân chính là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cho nhiệm vụ này. Do địa bàn rộng, nên công tác truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về quyền trẻ em chưa bao phủ được hết các địa phương trong tỉnh và chưa được thực hiện thường xuyên. Một yếu tố khác nữa là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự du nhập của lối sống thực dụng quá coi trọng giá trị đồng tiền, tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân... đã dẫn đến những hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và cả người lớn. Từ đó dẫn tới tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, xâm hại, tai nạn thương tích vẫn xảy ra ở một số địa phương. Trong khi đó, hệ thống cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều việc; nguồn kinh phí đầu tư lại hạn hẹp, chưa đáp ứng để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 20% và xuống còn 17% vào năm 2030; từ năm 2021, phấn đấu duy trì 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; đến năm 2030 có 50% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 100% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn dưới 3% và giảm tối thiểu tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích; 80% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt chuẩn; 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em... thì rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, gia đình và xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện quyền trẻ em và các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Triển khai có hiệu quả các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: chương trình hành động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025; chương trình chăm sóc trẻ em toàn diện trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025; chương trình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, giáo dục tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025... Mặt khác, cần tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp xã. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát về thực hiện quyền trẻ em, các vấn đề bảo vệ trẻ em... Tin rằng, với những giải pháp cụ thể, thiết thực trên sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và được phát triển toàn diện.

Bài và ảnh: Vân Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nang-cao-chat-luong-cham-soc-tre-em-trong-tinh-hinh-moi/129584.htm