Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ lâu đã là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương đó nói riêng và BHXH Việt Nam nói chung quan tâm với nhiều giải pháp thiết thực. Nhiều tỉnh miền núi có số đông đồng bào DTTS đã và đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng tới sự hài lòng của người thụ hưởng chính sách, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Người dân thường xuyên được cán bộ quân y BĐBP Lai Châu tổ chức thăm khám sức khỏe. Ảnh: CTV

Người dân thường xuyên được cán bộ quân y BĐBP Lai Châu tổ chức thăm khám sức khỏe. Ảnh: CTV

Một trong những đơn vị BHXH địa phương nhờ áp dụng các phương pháp tuyên truyền mới đã đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua, đó là BHXH tỉnh Lai Châu. Là một tỉnh nghèo, Lai Châu có 75/108 xã, phường, thị trấn đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS chiếm 87%.

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, coi BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo tại tỉnh.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về việc tham gia thực hiện chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao; số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm; các chế độ, chính sách của người tham gia BHXH, BHYT về cơ bản được giải quyết đúng thời gian, chế độ theo quy định; triển khai kịp thời lộ trình cải cách thủ tục hành chính..., góp phần ổn định đời sống nhân dân, thực hiện công bằng và ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại thời điểm 31-12-2012, toàn tỉnh có 30.098 người tham gia BHXH; 391.250 người tham gia BHYT thì đến cuối tháng 8-2017, đã có 31.250 lao động tham gia BHXH, chiếm khoảng 11% dân số trong độ tuổi lao động; 417.883 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 94,2% so với dân số toàn tỉnh.

Cùng với đó, số người hưởng chính sách BHXH, BHYT tăng nhanh hàng năm. Cụ thể như năm 2012, BHXH tỉnh Lai Châu giải quyết cho 1.202 lượt người hưởng chế độ BHXH, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với số tiền 167.668 triệu đồng thì năm 2016, đã giải quyết lên đến 7.167 lượt người hưởng chế độ BHXH, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với số tiền chi là 216.000 triệu đồng.

BHXH tỉnh cũng chú trọng tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên mạnh cả về số lượng và đảm bảo về chất lượng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu tâm lý, tập quán, ngôn ngữ dân tộc. Nhờ thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT nên đến nay, BHXH tỉnh chưa nhận được bất kỳ đơn thư khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT nói chung, đặc biệt là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình nói riêng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm cao, trung bình mỗi năm giảm từ 4 – 5%, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ rệt...

Tiếp nối những thành công bước đầu, BHXH tỉnh Lai Châu rút ra một số kinh nghiệm và phương hướng thực hiện tuyên truyền với đối tượng DTTS trong thời gian tiếp theo, nhằm tối ưu hóa kết quả tuyên truyền đối với bà con DTTS như: Tiến hành đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức cung cấp thông tin giúp cho đồng bào dân tộc dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu khi tiếp cận; áp dụng các hình thức tuyên truyền trực tiếp, các hình thức tuyên truyền sinh động như hội thi, sân khấu hóa, kịch truyền thanh..., đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền miệng và dùng tiếng dân tộc phù hợp với thực tế tại địa phương để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, tiến hành phân vùng đối tượng, tập trung vào từng nhóm đối tượng được phân vùng, từng khu vực. Không làm dàn trải khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền; áp dụng hình thức tuyên truyền nhiều bước, đi từ tuyên truyền trực tiếp để thay đổi nhận thức, tuyên truyền trực quan ở nơi công cộng, đến tuyên truyền trực tiếp với người dân.

Hoàng Huy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nang-cao-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so/