Nạn thẩm lậu lợn 'nóng' trở lại trên tuyến biên giới Tây Nam

Sau thời gian lắng dịu, gần đây tình trạng thẩm lậu lợn qua tuyến biên giới tỉnh An Giang có dấu hiệu tăng cao trở lại, thủ đoạn tinh vi hơn.

Sở dĩ tình trạng thẩm lậu heo diễn biến phức tạp là do người chăn nuôi trong nước vẫn chưa tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, thịt lợn trong nước đang khan hiếm, chênh lệch giá thành so với thị trường Campuchia khá lớn. Các đầu nậu móc nối với các đối tượng vận chuyển hàng lậu thuê, bằng mọi cách tuồn lợn lậu qua biên giới, đưa sâu vào nội địa để tiêu thụ.

An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, có đường biên giới dài 42,5km, với 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ, địa hình đồng ruộng bằng phẳng, nhiều sông, kênh, rạch, đường mòn, lối mở, thuận tiện cho việc qua lại biên giới bằng đường sông và đường bộ. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển lợn lậu.

Theo ông Đoàn Bình Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, lượng lợn nhập lậu đi qua địa bàn trung bình từ 200 – 300 con/ngày, đêm. Thủ đoạn vận chuyển lợn được tập kết tại các khu vực trên tuyến biên giới Campuchia, sau đó chờ điều kiện thuận lợi để thẩm lậu qua biên giới theo các kênh rạch, đường mòn. Trong suốt quá trình vận chuyển luôn tổ chức lực lượng canh coi để báo tin né tránh. Các đối tượng phần lớn là người địa phương và một phần từ nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn, mua bán.

“UBND huyện đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu cho UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc nhập lậu lợn qua biên giới. Đồng thời, đề nghị Chi cục Chăn nuôi và thú y thiết lập lại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 91C (gần cầu Cồn Tiên) để kiểm soát từ An Phú qua TP Châu Đốc”, lãnh đạo huyện cho biết.

Bộ đội Biên phòng An Giang phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển lợn lậu.

Bộ đội Biên phòng An Giang phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển lợn lậu.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang cho rằng, thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã và đang “căng sức” thực hiện nhiệm vụ kép trên tuyến biên giới. Toàn tuyến biên giới có 136 chốt Biên phòng; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu.

“Tình trạng thẩm lậu heo qua biên giới là có nhưng với số lượng nhỏ, lẻ. Các đối tượng buôn lậu heo bằng hình thức là vận chuyển bằng xuồng nhỏ, vỏ lãi ở các tuyến kênh, rạch hoặc ghe lớn trên sông Tiền, sau đó heo được đưa lên xe và hợp thức hóa giấy tờ trước khi vận chuyển vào nội địa tiêu thụ”, Đại tá Lý Kế Tùng, nói.

6 tháng đầu năm, Bộ đội Biên phòng An Giang độc lập bắt 13 vụ vận chuyển lợn lậu, với 176 con, tổng trọng lượng hơn 12,3 tấn. Ngoài ra, còn phối hợp với Hải quan bắt 4 vụ, với 75 con, trọng lượng gần 7 tấn. Từ lời khai của các đối tượng buôn lậu lợn bị bắt giữ cho thấy, giá lợn giữa Việt Nam và Campuchia chênh lệch vài chục nghìn đồng/kg. Như vậy cứ một tấn lợn hơi nhập lậu thành công các đối tượng buôn lậu sẽ thu về hàng chục triệu đồng. Các đối tượng người Campuchia đã câu kết với các đối tượng người Việt Nam vận chuyển trái phép heo từ Campuchia qua biên giới vào An Giang tiêu thụ.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hoạt động của các đối tượng vận chuyển lợn lậu rất tinh vi, đa dạng, thay đổi nhanh theo tình hình và bất chấp mọi hậu quả, răn đe của pháp luật. Có trường hợp bị phạt hành chính đến 35 triệu đồng nhưng vẫn bất chấp vì nguồn lợi từ việc mua bán, vận chuyển lợn lậu là quá lớn.

Các đầu nậu buôn lậu lợn thuê các đối tượng canh đường, theo dõi xuyên suốt lực lượng chức năng để né tránh. Việc vận chuyển lợn lậu diễn ra từ khoảng 23h đến 3h sáng hôm sau. Các đối tượng vận chuyển thường dùng vỏ lãi chở từ 5-10 con lợn, len theo các kênh, rạch luồn qua biên giới và cập bến tại bất kì vị trí nào thuận tiện dọc theo các tuyến đường, để tránh lực lượng chức năng.

“Tại các điểm tập kết heo lậu trên địa bàn huyện An Phú, luôn có xe tải chờ sẵn, việc chuyển heo lên xe diễn ra nhanh chóng, chỉ từ 5 đến 10 phút. Sau đó, xe tải chở heo di chuyển về hướng TP Châu Đốc để đi các tỉnh, thành tiêu thụ. Khi heo lậu lên xe tải đã được các đối tượng hợp thức hóa xong giấy tờ từ các cơ sở chăn nuôi và giết mổ trong nội địa. Việc bắt, giữ các đối tượng được thực hiện khi các đối tượng vận chuyển hàng qua biên giới”, một trinh sát thuộc Phòng phòng chống tội phạm buôn lậu và ma túy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết.

Tối 30-5, Tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Đoàn 3 Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, mật phục chống buôn lậu trên sông Tiền. Đến 3h45 sáng 1-6, Tổ công tác phát hiện vỏ lãi đang chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có dấu hiệu nghi vấn vận chuyển lợn lậu nên phát tín hiệu dừng phương tiện kiểm tra.

Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không chấp hành, mà tăng tốc hết mã lực chạy về phía hạ lưu. Lợi dụng đêm tối đối tượng bỏ lại phương tiện nhảy lên bờ tẩu thoát. Qua kiểm tra vỏ lãi có 20 con lợn (trọng lượng 50kg/con), trị giá khoảng 90 triệu đồng. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, xử lí theo quy định.

Đại tá Lý Kế Tùng cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các chốt Biên phòng tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là qua biên giới. Đồng thời, tổ chức vận động người dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn trái phép vào Việt Nam.

Ngày 13-6 vừa qua, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thú y, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng từ các nước vào Việt Nam.

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam…

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại một hộ chăn nuôi.

Cụ thể, ngày 23/5, hộ ông Đoàn Văn Sấu (ngụ ấp Mỹ Đông 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) phát hiện 10 con lợn (tổng đàn 100 con) bị chết bất thường và tiếp tục chết nhiều vào những ngày sau đó. Sau khi kiểm tra triệu chứng lâm sản, Chi cục Chăn nuôi Thú y Thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành lấy mẫu và hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly số lợn bệnh, tiêu hủy số lợn đã chết.

Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VII đã phát hiện virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi trong mẫu xét nghiệm từ đàn lợn hộ ông Sấu. Ngày 10/6, Chi cục Chăn nuôi Thú y Thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã cử cán bộ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh tiến hành xử lý, tiêu hủy toàn bộ số lợn còn lại đúng theo quy định.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/nan-tham-lau-lon-nong-tro-lai-tren-tuyen-bien-gioi-tay-nam-602582/