Nạn nhân 'mưa đen' được công nhận sau 75 năm

Một tòa án Nhật Bản đã công nhận hàng chục nạn nhân của những trận 'mưa đen' phóng xạ là nạn nhân sống sót của vụ bom nguyên tử Hiroshima hôm thứ Tư.

Nạn nhân “mưa đen” được công nhận sau 75 năm

Những người này cũng sẽ được trợ cấp y tế ngay trước dịp kỷ niệm 75 năm của vụ ném bom lịch sử này.

Trong phán quyết của mình, tòa án quận Hiroshima cho biết, 84 nguyên đơn, gồm những người mắc các bệnh liên quan đến phóng xạ sau vụ đánh bom trong Thế chiến II, sẽ nhận được những lợi ích giống như các nạn nhân khác sống gần khu vực vụ nổ.

Ngày 6/8/1945, Mỹ ném quả bom xuống thành phố Hiroshima khiến 70.000 người chết ngay lập tức. Ba ngày sau, Nagasaki hứng chịu quả bom thứ hai, cướp đi mạng sống của 40.000 người nữa.

Sau vụ ném bom, hàng chục nghìn người khác chết dần do bỏng hoặc các bệnh liên quan đến phóng xạ. Những quả bom cũng khiến "mưa đen" phóng xạ, bao gồm hỗn hợp các hạt bụi từ vụ nổ, cặn carbon từ các đám cháy trên toàn thành phố và các yếu tố nguy hiểm khác, rơi xuống khắp khu vực. Người dân hít thở, tắm trong nước của những trận "mưa đen"; thực phẩm và nước bị ô nhiễm, gây ra ngộ độc phóng xạ trên diện rộng.

Seiji Takato, 79 tuổi, một trong những nguyên đơn trong vụ kiện, mới lên 4 tuổi khi vụ đánh bom xảy ra. 4 năm sau, cậu bé Takato đã bị viêm bạch huyết cánh tay, và từ đó bị đột quỵ và các vấn đề về tim. Nhưng cho đến nay, ông và những người khác sống trong khu vực phơi nhiễm "mưa nhẹ" không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí mà chính phủ cung cấp cho các nạn nhân trong khu vực "mưa lớn" - khu vực được xác định là bị ảnh hưởng nặng nhất và gần vùng nổ nhất. Phán quyết này đánh dấu lần đầu tiên nạn nhân bên ngoài khu vực này được cấp quyền lợi tương tự.

"Chúng tôi đã nói với chính phủ sự thật, nhưng họ chưa bao giờ lắng nghe chúng tôi" - Takato nói sau khi tòa án đưa ra quyết định - "Tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi không ngờ tất cả 84 nguyên đơn đều thắng kiện". Họ đều đã cao tuổi, chủ yếu ở độ tuổi 80 và 90.

Phán quyết yêu cầu thành phố và chính quyền tỉnh cung cấp cho các nguyên đơn một giấy chứng nhận công nhận họ là "nạn nhân bom A", cho họ quyền lợi y tế trong thời gian họ được điều trị, trị giá khoảng 300 đô la mỗi tháng.

Phán quyết mang tính bước ngoặt này diễn ra chỉ một tuần trước lễ kỷ niệm 75 năm của vụ tấn công, khi cựu Tổng thống Mỹ Harry S. Truman ủy quyền cho phi công máy bay ném bom B-29 Enola Gay thả một quả bom hạt nhân có biệt danh là "Cậu bé" xuống thành phố Hiroshima.

Những người sống sót kể lại rằng vụ nổ bắt đầu với một ánh sáng chói lóa, và một đợt sóng nóng dữ dội biến quần áo thành vải vụn. Những người ở gần vụ nổ ngay lập tức bị bốc hơi hoặc đốt thành tro. Tiếng bom nổ khiến nhiều nạn nhân còn sống cảm thấy như bị đâm bởi hàng trăm mũi kim. Rồi đám cháy bắt đầu. Lốc xoáy của ngọn lửa quét qua thành phố. Nhiều người sống sót thấy mình bị phồng rộp. Các xác chết vương vãi trên đường phố.

Sự tàn phá khủng khiếp đã khiến nhiều người, bao gồm cả cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, chỉ trích quyết định sử dụng bom nguyên tử.

Năm 2016, ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima và kêu gọi một "thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Nỗi kinh hoàng của vụ đánh bom và hậu quả của nó đã được ghi lại và tưởng niệm trong Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nan-nhan-mua-den-duoc-cong-nhan-sau-75-nam-1596256450964.html