Nạn nhân mua bán người sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người, thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, với nhiều điểm mới quan trọng, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân này.

Theo Dự thảo Tờ trình, qui định hiện hành về thời gian hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân tối đa là 60 ngày hiện đang không thống nhất với quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 90 ngày.

Đồng thời, chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. Với các trường hợp này, cán bộ phải thuê phiên dịch để hỗ trợ quá trình tiếp cận, xác minh, xác định nạn nhân, hỗ trợ nạn nhân.

Nghị định số 09/2013/NĐ-CP chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Thực tế, nạn nhân của nạn mua bán người, thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho CA, biên phòng. Do đó, việc tư vấn tâm lý phải được thực hiện ngay trong thời gian lấy lời khai, lập hồ sơ tại đồn biên phòng hoặc CA.

 Cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận nạn nhân bị mua bán do lực lượng CA Trung quốc trao trả. (Ảnh:Quang Đạo)

Cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận nạn nhân bị mua bán do lực lượng CA Trung quốc trao trả. (Ảnh:Quang Đạo)

Trong khi tại những cơ sở này, không có cán bộ chuyên môn về tư vấn tâm lý, thiếu cán bộ nữ để đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới khi tiếp nhận nạn nhân nữ. Ngay cả khi vào lưu trú tại cơ sở bảo trợ thì các cán bộ làm công tác tư vấn tại cơ sở bảo trợ xã hội chưa được cung cấp kiến thức và đào tạo kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán, nhất là đối với những nạn nhân bị sang chấn tâm lý.

Về hỗ trợ y tế, các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay, với chi phí khám và điều trị lên đến hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở...

Trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân cũng khó thực hiện do yêu cầu nạn nhân phải là hộ nghèo. Thực tế, hầu hết nạn nhân bị mua bán trở về đều thuộc diện khó khăn, diện nghèo rất cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Nhưng do nạn nhân đi lâu năm không có mặt ở địa phương, không có khẩu nên khó có thể xác định hộ nghèo. Vì vậy, không thuộc đối tượng được hỗ trợ khó khăn ban đầu…

Khắc phục những bất cập này, Dự thảo quy định đối tượng hỗ trợ gồm: Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người nước ngoài bị mua bán được trao trả qua Việt Nam; Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật Phòng, chống mua bán người hoặc người trong thời gian chờ xác minh nhân thân, để cấp giấy tờ nhân thân; Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.

Nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật, được hỗ trợ ban đầu như sau: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu gồm tiền ăn, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nan-nhan-mua-ban-nguoi-se-duoc-cap-the-bao-hiem-y-te-mien-phi-204090.html