Nạn nhân gốc Á bị bắn chết ở Mỹ, tang lễ không một người thân quen

Khoảng 40 người đã tập trung tại nhà tang lễ nhỏ ở ngoại ô Atlanta, Mỹ để đưa tiễn người phụ nữ mà họ chưa từng gặp mặt về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bảy ngày sau khi bị sát hại, thi thể của bà Daoyou Feng, một trong những nạn nhân của vụ xả súng liên tiếp tại 3 tiệm spa ở Atlanta, vẫn không có người nhận. Gia đình của bà không thể đến Mỹ vì lệnh hạn chế đi lại trong đại dịch.

Vì vậy, ngày 5/4, cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đã thay mặt người thân tổ chức lễ tang cho bà Feng tại nhà tang lễ và chôn cất tro cốt ở nghĩa trang địa phương.

“Cô ấy không có gia đình ở đây, vì vậy chúng tôi là gia đình của cô ấy”, ông Steven Lin, một người Mỹ gốc Hoa, đã lái xe 4 tiếng đồng hồ để đến dự lễ tang cho biết.

 Khoảng 40 người đã tập trung tại nhà tang lễ nhỏ ở ngoại ô Atlanta, Mỹ để đưa tiễn Daoyou Feng. Ảnh: Wall Street Journal.

Khoảng 40 người đã tập trung tại nhà tang lễ nhỏ ở ngoại ô Atlanta, Mỹ để đưa tiễn Daoyou Feng. Ảnh: Wall Street Journal.

Ông Charles Li, thành viên sáng lập của Liên minh người Mỹ gốc Hoa tại Atlanta, chia sẻ Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã liên lạc với ông vào ngày 26/3 để yêu cầu giúp đỡ lo liệu tang lễ.

“Giấc mơ Mỹ” không thành

Bà Feng có quốc tịch Trung Quốc đã qua đời ở tuổi 44 trong vụ xả súng ngày 16/3, theo giờ địa phương.

Nạn nhân Daoyou Feng. Ảnh: Daoyou Feng.

Bà là con út trong gia đình, sinh ra và lớn lên tại một trang trại nông thôn ở Lệ Giang, phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Trong bài điếu văn, ông Li cho biết cha bà đã mất từ khi bà còn nhỏ và bà phải bỏ học từ năm lớp ba để giúp đỡ gia đình.

Năm 14 tuổi, bà rời quê hương đến Thâm Quyến, Thượng Hải và Quảng Châu làm việc trong dây chuyền lắp ráp và nhà máy may mặc.

Khi bà 22 tuổi, một trong những người bạn thân nhất đã thuyết phục bà đi Mỹ để có thêm thu nhập và theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 1999, bà đến Mỹ để tìm kiếm cơ hội việc làm. Ông Li cho biết sau khi rời đi mà không nói với gia đình, bà Feng đã làm việc ở New York và Los Angeles tại các tiệm nail, massage và thẩm mỹ viện.

"Cô ấy luôn quan tâm đến người mẹ có sức khỏe không tốt của mình và thường xuyên gửi tiền về nhà", ông nói.

Theo chia sẻ từ phía gia đình nạn nhân bà Feng đã cố gắng làm việc chăm chỉ ở Mỹ để dành dụm tiền và quay về quê hương bắt đầu một công việc kinh doanh.

Theo kế hoạch, bà sẽ trở về nhà vào năm 2020 nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến dự định bị trì hoãn và không bao giờ thành.

Theo lời kể từ khách hàng quen, bà Feng, người vẫn thường được biết đến với tên gọi Coco, mới làm việc tại Youngs Asian Massage chỉ khoảng hai tháng trước khi vụ xả súng kinh hoàng xảy ra.

Ra đi nơi xứ người

Sau khi đến đây, bà Feng vẫn thường liên lạc với gia đình ở Trung Quốc thông qua WeChat, một ứng dụng nhắn tin di động phổ biến ở Trung Quốc. Vì vậy, khi gia đình đột nhiên mất liên lạc với bà, họ đã tìm đến Đại sứ quán Trung Quốc để nhờ giúp đỡ.

Đại sứ quán sau đó đã xác định bà là một trong những nạn nhân của vụ xả súng ở khu vực Atlanta. “Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đang hỗ trợ lãnh sự cần thiết cho các thành viên gia đình nạn nhân Trung Quốc liên quan đến vụ xả súng ở Atlanta”, người phát ngôn của đại sứ quán nói.

Ông Charles Li phát biểu tại lễ tang của bà Feng. Ảnh: Wall Street Journal.

Ông Charles Li, người đã được đại sứ quán yêu cầu giúp đỡ lo liệu tang lễ cho biết trước đây, cộng đồng người gốc Hoa từng tổ chức tang lễ cho nhiều người không có thân nhân, nhưng việc sắp xếp cho bà Feng phức tạp hơn.

Ông cho biết mình đã phải liên hệ với văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Cherokee, Văn phòng Biện lý Quận, Cục Điều tra Georgia và giám định viên y tế và nhân viên điều tra của Quận Cherokee trước khi tìm thấy thi thể của bà.

Ngày diễn ra lễ tang, tại nghĩa trang, nữ tu sĩ Phật giáo tụng kinh trong khi nhiều người khác hướng về phía chiếc bình vàng đựng tro cốt của bà Feng.

Những người đưa viếng tham dự lễ an táng cho bà Daoyou Feng tại Công viên Tưởng niệm Bắc Atlanta và Lăng mộ Nhà nguyện ở Atlanta. Ảnh: Wall Street Journal.

“Những người dự tang lễ tự hỏi tại sao một người tuyệt vời như vậy lại chết theo cách này? Tôi không thể trả lời”, ông Li nói.

Bảy nạn nhân khác, trong đó phần lớn là người gốc Á, tại 3 spa cũng bị giết bởi Robert Aaron Long (21 tuổi), lần lượt là Xiaojie Tan, Delaina Yaun, Paul Michels, Soon Chung Park, Suncha Kim, Hyun Jung Grant và Yong Ae Yue.

Người phụ nữ gốc Á bị đạp lên đầu giữa phố ở New York Người đàn ông giẫm đạp người phụ nữ châu Á (65 tuổi) ngã xuống vỉa hè ở New York, Mỹ. Các nhân viên chứng kiến sự việc đã bị đình chỉ công tác vì không giúp đỡ nạn nhân.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nan-nhan-goc-a-bi-ban-chet-o-my-tang-le-khong-mot-nguoi-than-quen-post1201034.html