Nạn nhân của cuộc xung đột ở Y-ê-men

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét đã kêu gọi tiến hành cuộc điều tra 'nhanh chóng và độc lập' về vụ tiến công tại khu chợ ở miền bắc Y-ê-men khiến ít nhất 29 trẻ em chết. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng đưa ra cảnh báo về những thiệt hại và tổn thương mà trẻ em ở Y-ê-men phải gánh chịu. Xung đột kéo dài đẩy nhiều trẻ em ở quốc gia trên bán đảo A-rập vào thảm kịch nhân đạo tồi tệ.

Hiện trường một vụ không kích ở Y-ê-men. Ảnh Tổ chức Chữ thập đỏ

Vụ tiến công nhằm vào một xe buýt chở nhiều trẻ em tại khu vực chợ Đa-hi-an, phía bắc tỉnh Xa-a-đa mới đây ở Y-ê-men khiến hàng chục đứa trẻ chết thương tâm là tiếng chuông cảnh báo về những hậu quả của xung đột đối với trẻ em. Những trẻ em này bị tiến công khi đang trên đường đến trường học. Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Y-ê-men tôn trọng các nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, nhất là các quy định cơ bản về phân biệt và thận trọng trong các cuộc tiến công. Theo số liệu của UNICEF, kể từ khi xung đột nổ ra tại Y-ê-men năm 2015, khoảng 2.500 trẻ em chết và khoảng 3.600 trẻ em chịu thương tật do bom đạn, đói khổ. UNICEF cảnh báo, hàng triệu trẻ em khác hiện phải “chịu những đau đớn về thể xác hoặc tinh thần” trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này.

Sau một chuyến thăm tới Y-ê-men, Giám đốc điều hành UNICEF, bà H.Pho nhấn mạnh, cuộc xung đột kéo dài đã đẩy quốc gia vốn bên bờ vực xuống vực sâu thăm thẳm. Bà H.Pho cho rằng, những con số thương vong của trẻ em Y-ê-men có thể xác minh được, nhưng con số thực tế thậm chí có thể còn cao hơn. Theo bà, không gì có thể biện minh cho việc sát hại trẻ em. Hàng triệu trẻ em không được đến trường, trong khi nhiều em bị buộc phải cầm súng tham chiến. Hình ảnh về những đứa trẻ đói khát, bệnh tật hay đang hấp hối có thể bắt gặp ở nhiều nơi trên khắp quốc gia Trung Đông này. Trẻ em hiện chiếm một nửa trong số gần 22 triệu người Y-ê-men cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để có thể duy trì sự sống. Người đứng đầu UNICEF cũng cảnh báo, những quan ngại của quốc tế rằng, các hệ thống giáo dục và y tế của Y-ê-men sẽ sụp đổ, về cơ bản đã thành hiện thực. Chiến tranh đã tàn phá gần 1.500 trường học trên khắp Y-ê-men, trong khi nhiều giáo viên và nhân viên ngành y tế không được nhận lương trong hơn hai năm qua.

UNICEF cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ khoảng chín triệu người Y-ê-men những khoản tiền nhỏ nhằm giúp họ mua nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc men. Kể từ khi liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu can thiệp quân sự vào Y-ê-men nhằm khôi phục chính quyền của Tổng thống M.Ha-đi hồi tháng 3-2015, đã có hơn 10 nghìn người chết. Các cuộc giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược Hô-đây-đa cũng cướp đi sinh mạng của hơn 400 người. Liên hợp quốc đánh giá cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại Y-ê-men là tồi tệ nhất thế giới, khi có tới hàng triệu người lâm vào cảnh thiếu đói nghiêm trọng.

Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết với mục đích tạo ra một khuôn khổ để hệ thống hóa việc bảo vệ, bảo đảm quyền và phúc lợi cho trẻ em tại những vùng xảy ra xung đột. Nghị quyết số 2427, được toàn thể 15 thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua, đã lên án việc các bên tham chiến tuyển mộ và sử dụng trẻ em làm binh sĩ cũng như sát hại, cưỡng hiếp và có những hành vi bạo lực tình dục khác đối với trẻ em. Nghị quyết cũng lên án những vụ tiến công nhằm vào bệnh viện, trường học và việc cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo cho trẻ em tại các vùng xung đột. Mặc dù vậy, trên thực tế, trẻ em vẫn là nạn nhân trong các cuộc giao tranh diễn ra hằng ngày ở Y-ê-men. Chưa có biện pháp nào có thể bảo vệ trẻ em khi bom đạn tiếp tục trút xuống và chưa thể đưa ra giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37691802-nan-nhan-cua-cuoc-xung-dot-o-y-e-men.html