Nạn nhân bị té không được giúp: Luật nói gì?

Theo luật sư, nếu chứng minh được người đi đường thấy nạn nhân bị ngã đến ngó lơ bỏ đi thì người đó sẽ phải bị xử lý hình sự.

Vụ việc anh P.H.P. (30 tuổi, ngụ Bình Dương) bị xe khách cán xảy ra vào khoảng 21 giờ 30 ngày 11/12 đoạn qua ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Hòa, H.Phú Giáo, Bình Dương).

Theo hình ảnh từ camera an ninh của người dân ghi lại, vào thời điểm trên, anh P. điều khiển xe máy trên đường ĐT741 hướng từ Bình Dương đi Bình Phước.

Khi đi đến đoạn thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo thì bất ngờ bị té ngã xuống đường nằm bất động. Lúc này, nhiều người chạy xe máy ngang qua phát hiện nạn nhân nằm giữa đường nhưng chỉ giảm tốc độ rồi bỏ đi...

Khoảng một phút sau, một chiếc xe khách lao tới không nhìn thấy đã cán qua người nạn nhân, kéo lê đi một đoạn khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Nhiều người qua đường nhưng không cứu giúp khiến nạn nhân bị xe cán chết

Nhiều người qua đường nhưng không cứu giúp khiến nạn nhân bị xe cán chết

Chia sẻ về gia cảnh của nạn nhân, Trưởng ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa cho biết: "Kinh tế gia đình anh P thuộc diện trung bình ở địa phương. Trước đó vợ anh P đi buôn bán, anh P làm thợ xây, hai vợ chồng họ cũng có với nhau được hai người con nhưng hiện các cháu vẫn còn nhỏ. Sau khi anh P mất đi, một mình chị Nhi (vợ anh P) sẽ phải bươn trải lo kinh tế cho gia đình, vừa phải chăm sóc con cái, cuộc sống sẽ có phần khó khăn hơn.

Vụ tai nạn xảy ra với anh P cũng gần khu vực nhà nạn nhân. Theo trích xuất từ camera ở gần đó thì anh P tự ngã, chưa đầy 10 phút thì xe khách đã lao đến rồi cán qua, có thể vì vậy nên không ai kịp để cứu nạn nhân. Người đi đường đa số là người không quen biết, đoạn khu vực đó lại không có đèn đường nên có thể đêm tối họ đi việc của họ và cũng không phát hiện ra sự việc nghiêm trọng".

Theo vị Trưởng ấp, hôm đó anh P đi uống rượu với bạn rồi trên đường về thì xảy ra sự việc.

Nhận định về sự việc trên, luật sư Đỗ Hải Bình cho rằng xét về đạo đức, việc người đi đường thấy nạn nhân bị ngã không cứu là hành vi vô cảm. Xét về mặt pháp luật, luật hình sự có nói đến hành vi thấy người khác đang trong hoàn cảnh nguy hiểm tới tính mạng mà không cứu giúp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là làm sao xác minh được những người đi đường là ai và chứng minh được việc họ thấy tai nạn rồi đến ngó lơ, sau đó bỏ đi trong khi đoạn đường đó là đường khu dân cư, đêm tối nguy hiểm.

"Nếu giờ tìm ra những người đi đường chứng kiến sự việc hôm đó, họ nói họ không nhìn thấy thì cũng không bắt họ chịu tội được. Nếu có camera ghi lại được hành vi đó hoặc nhân chứng chứng kiến thì những người vô cảm trên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự" -luật sư Bình nói.

Theo luật sư Bình, sở dĩ những người chứng kiến sự việc không giúp đỡ nạn nhân có thể họ sợ bản thân bị liên lụy, sợ bị hiểu nhầm là người gây nên tai nạn rồi bị gọi lên nhiều lần.

Thanh Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/nan-nhan-bi-te-khong-duoc-giup-luat-noi-gi-3424512/