Nạn nhân bàng hoàng kể lại giây phút thang máy rơi tự do khiến ba người thương

Trong lúc di chuyển hàng hóa, nam thanh niên được bảo vệ và bố vợ hỗ trợ vào thang máy để đưa đồ từ dưới đất lên tầng cao. Thang máy bỗng nhiên bị đứt, rơi tự do khiến một người tử vong tại chỗ, hai người trọng thương, đứt lìa cánh tay phải nhập viện cấp cứu. Vụ việc khiến dư luận hoang mang, đặt ra câu hỏi : Ai là người chịu trách nhiệm trong vụ việc này?

Rơi thang máy khi vừa bấm nút

Ngày 10/2, trao đổi với PV báo ĐS&PL, một đại diện Công an quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, đơn vị này đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ thang máy nghi đứt cáp, rơi làm 1 người chết và 2 người bị thương vừa xảy ra tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Thông tin ban đầu, tối ngày 8/2, ông Phan Chí Tâm (42 tuổi) và anh Phạm Hoàng Kha (22 tuổi, là con rể ông Tâm, cùng ngụ tỉnh Sóc Trăng, trú quận Tân Phú) di chuyển hàng hóa vào thang máy của 1 căn nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Vịnh, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú.

Lúc này, ông Ngô Văn H. (50 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, trú TPHCM) thấy vậy nên giúp ông T. và anh K. đưa hàng hóa vào thang máy. Khi thang máy đi tới tầng 4 thì bất ngờ rơi xuống dưới. Vụ tai nạn khiến cho ông H. tử vong tại chỗ. Còn anh Kha và ông Tâm bị trọng thương phải cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Vụ tai nạn khiến dư luận lo lắng, xôn xao bàn tán về rủi ro khi sử dụng thang máy, nhất là thang máy gia đình.

Ngôi nhà các nạn nhân thuê bị tai nạn đứt cáp thang máy.

Ngôi nhà các nạn nhân thuê bị tai nạn đứt cáp thang máy.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Kha cho biết, mặc dù qua cơn nguy kịch, nhưng vụ tai nạn khiến anh rất hoảng loạn. Anh cho rằng, do mệt nên anh và bố vợ được nhân viên bảo vệ ngôi nhà là ông H. cho vào đi thang máy chở đồ để vận chuyển đồ đạc từ tầng 1 lên phòng trọ ở tầng 4 của ngôi nhà. Tuy nhiên, vừa vào thang máy bấm nút lên đến lầu 4 thì cabin bất ngờ rơi tự do xuống đất. "Cú va chạm khiến mọi người đều hốt hoảng. Chú H. đã không qua khỏi, còn tôi bị đứt lìa cánh tay phải, gãy nhiều xương. Hiện đã được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật thành công, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu, tinh thần hoảng loạn", anh Kha cho biết thêm.

Còn bà Nguyễn Thị Kiều, vợ của bệnh nhân Tâm cho biết: "Hai vợ chồng tôi dưới quê mới lên phụ con dọn dẹp nhà đầu năm mới, không may chồng và con rể lại gặp nạn đầu năm. Vợ chồng Kha thuê nhà trọ ở đây được gần 2 năm, với giá 2-3 triệu đồng/tháng. Thời điểm xảy ra tai tạn, có chồng và con rể tôi, và người bảo vệ ngôi nhà. Hiện, chồng và con rể tôi đang đa chấn thương, điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ nói chồng tôi yếu quá, chưa thể phẫu thuật được, ông ấy bị gãy xương, đa chấn thương, hiện vẫn chưa tỉnh".

Cũng theo bà Kiều, vụ tai nạn bất ngờ khiến gia đình bà rất đau xót khi ông H., tử vong, giờ hai cha con cùng nằm viện cấp cứu cùng thời điểm. Nhiều ngày nay, bà con dưới quê lặn lội lên Sài Gòn để thăm hỏi, chia sẻ với gia đình. Hiện, sức khỏe của ông Tâm rất yếu, bác sĩ yêu cầu theo dõi, chưa chỉ định phẫu thuật. Còn bệnh nhân Kha sẽ phải thực hiện một cuộc đại phẫu thuật để nối cánh tay đã đứt lìa.

Ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?

Chia sẻ về vụ tai nạn, chị Lê Bắc, ngụ gần khu vực nhà trọ cho biết: “Vụ tai nạn khiến mọi người trong xóm xôn xao bàn tán. Chú H. là bảo vệ tòa nhà, rất vui vẻ, thương người, được bà con trong khu vực yêu quý. Chú H. tử vong khiến nhiều người xót xa. Lâu nay chưa thấy vụ tai nạn nào thương tâm như vụ này. Nhiều hộ sử dụng thang máy gia đình bắt đầu lo lắng hơn về chuyện bảo hành, bảo dưỡng. Bản thân tôi thường xuyên sử dụng thang máy cơ quan đi từ lầu 1 đến lầu 8 để làm việc. Mỗi lần có sự cố như cửa lâu mở ra, hay đứng một chỗ là nhân viên hoảng loạn. Sau lần này, chúng tôi sẽ đề phòng hơn khi sử dụng thang máy. Nếu thời điểm sử dụng, thang quá tải, nhất định sẽ không bước chân vào để được đi thang máy, mà chuyển qua đi bộ cho an toàn”.

Nhận định về vụ tai nạn, anh Nguyễn Sơn, chuyên viên kinh doanh thang máy tại TP.HCM cho rằng: “Nhiều khi tai nạn thang máy cũng một phần do người sử dụng không có ý thức. Có khi thang báo động quá trọng tải cho phép vận chuyển, nhưng người ta vì muốn nhanh, muốn không trễ giờ họp, giờ làm nên cố tình chen chân vào để được lên lầu. Qua vụ việc, khách hàng sử dụng thang máy cần chú ý việc cảnh báo cho người đi thang máy, cũng như việc liên quan chuyện bảo dưỡng, bảo trì đúng thời hạn. Và, đặc biệt, thang máy là phương tiện quan trọng để vận chuyển người nên cần hết sức lưu ý về nguồn gốc, xuất xứ, cũng như thương hiệu của sản phẩm. Người dùng, chủ đầu tư thang máy tuyệt đối không nên mua hàng trôi nổi, không nhãn mác, hay xuất xứ thang máy chưa rõ ràng. Việc này, các kỹ thuật viên về thang máy sẽ nắm rất rõ. Khách hàng cần phải nhờ tư vẫn kỹ thì mới mua, nhất là thang máy dùng trong các hộ gia đình riêng lẻ”.

Vụ tai nạn thang máy hi hữu khiến 1 người tử vong, 2 người trọng thương đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Vậy ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ việc này, là chủ nhà hay là đơn vị kinh doanh thang máy”?

Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM, để biết được ai là người chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vụ tai nạn thương tâm này xảy ra, thì phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ và có kết luận cuối cùng về vụ việc.

Cũng theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, vụ việc có thể được xử lý theo hướng bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường và nguyên tắc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của Điều 584, 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác thì phải bồi thường.

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có thể yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Người bị xâm phạm có thể căn cứ theo Điều 590, thiệt hại do sức khỏe bị xam phạm, Điều 591, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm để yêu cầu được bồi thường.

Nhìn nhận sự việc, luật sư Quốc Cường cho biết: “Phải xem xét nguyên nhân vì sao cabin tháng máy rơi, thang máy còn trong hạn bảo hành, bảo dưỡng nữa hay không, người sử dụng thang máy đã tuân thủ đúng quy định nhà sản xuất khuyến cáo về tải trọng chưa?... Việc công an có khởi tố hình sự vụ án hay không cũng phải xem xét có hay không yếu tố cấu thành tội phạm mới có thể khởi tố được. Nếu không, cơ quan chức năng xem xét để xử phạt hành chính, hay bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định của pháp luật”.

Nguyễn Lành

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 24

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/cuoi-tuan-nan-nhan-bang-hoang-ke-lai-giay-phut-thang-may-roi-tu-do-khien-ba-nguoi-thuong-a311604.html