Nạn kỳ thị và Covid-19 - hai mặt trận của y bác sĩ gốc Á

Những vụ kỳ thị và bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á tăng đáng kể trong đại dịch Covid-19. Ngay cả các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch cũng trở thành nạn nhân.

Cô Lucy Li cố gắng không để nỗi sợ ảnh hưởng công việc của cô trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Nhưng cô không thể quên chuyện đã xảy ra sau giờ làm khi đại dịch bắt đầu.

Một người đàn ông đi theo cô Li, bác sĩ gây mê gốc Hoa, khi cô ra khỏi bệnh viện. Người đàn ông này liên tục dùng giọng điệu phân biệt chủng tộc thô tục với cô Li khi cô đi bộ đến tàu điện ngầm. "Tại sao người Trung Quốc giết mọi người?", người đàn ông hét lên.

 Cô Lucy Li bên ngoài nhà của mình ở Boston. Ảnh: Washington Post.

Cô Lucy Li bên ngoài nhà của mình ở Boston. Ảnh: Washington Post.

Ban đầu, cô Li rất choáng váng. Nhưng sau đó, cô cảm thấy nhẹ nhõm vì ít ra cô không bị tấn công thể xác.

Cô rất buồn và tức giận vì bị đối xử như vậy trong khi làm việc ngày đêm để cứu người. Công việc của cô trở nên nguy hiểm nhiều từ khi virus corona bùng phát. Mỗi thủ thuật đều có thể giải phóng giọt bắn mang virus.

“Tôi mạo hiểm sức khỏe chính mình, để rồi bị phỉ báng chỉ vì vẻ ngoài của tôi”, cô Li, 28 tuổi, nói với Washington Post.

Cô lo lắng bệnh nhân của cô cũng có định kiến như vậy. “Tôi cố gắng không nghĩ về điều đó khi chăm sóc bệnh nhân. Nhưng suy nghĩ này vẫn luôn hiện lên trong đầu”.

Người gốc Á bị tấn công nhiều trong đại dịch

Trên khắp nước Mỹ, các nhân viên y tế người Mỹ gốc Á đã báo cáo sự gia tăng của các hành động phân biệt chủng tộc. Sự thù địch này khiến người Mỹ gốc Á, thành phần chỉ chiếm 6% dân số Mỹ nhưng chiếm đến 18% bác sĩ và 10% số y tá nước này, bị ảnh hưởng khi đứng ở tuyến đầu chống Covid-19.

Một số bệnh nhân Covid-19 từ chối được điều trị bởi họ. Và khi các nhân viên y tế rời khỏi bệnh viện, họ cũng phải đối mặt với sự quấy rối.

Số cuộc tấn công và lời nói phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ gốc Á trong đại dịch đã gia tăng nhanh chóng. FBI cảnh báo con số này có thể tiếp tục tăng khi càng nhiều người chết vì Covid-19 và biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

“Người dân lo lắng về việc truyền căn bệnh mà họ cho là có liên quan đến nước ngoài và người châu Á”, ông Grace Kao, nhà xã hội học của Đại học Yale nói. “Nhưng không gì có thể thay đổi khuôn mặt của chúng tôi”.

Vẫn chưa có số liệu nào cho thấy toàn bộ khuynh hướng kỳ thị người châu Á trong đại dịch. Ông Russell Jeung, Chủ tịch khoa nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học bang San Francisco, đã thiết lập trang web đa ngôn ngữ hợp tác với các nhóm dân quyền để ghi lại hành vi quấy rối và tấn công người châu Á.

Từ khi trang web hoạt động ngày 19/3, hơn 1.800 vụ việc đã được ghi nhận và số nạn nhân nữ gấp đôi nạn nhân nam. Các nạn nhân cho biết họ bị nhổ nước bọt, bị đâm khi đi mua sắm, bị xa lánh vì đeo khẩu trang và bị các tài xế từ chối chở.

Cô Gem Manalo, đồng nghiệp của cô Lucy Li, đã bị miệt thị trên tàu điện ngầm. Ảnh: Washington Post.

Một số chuyên gia về chủng tộc nói rằng những nhận xét về virus corona và Trung Quốc đã góp phần gia tăng nạn phân biệt chủng tộc.

Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro trong một cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 17/5 cũng đã cáo buộc Trung Quốc “gửi hàng trăm nghìn người Trung Quốc” đi “gieo rắc virus corona” khắp thế giới.

"Bọn ăn dơi"

Việc chống dịch ở tuyến đầu không giúp cô Li thoát khỏi nạn kỳ thị chủng tộc. Khi cô cảnh báo cho các đồng nghiệp trước khi họ ra về, một người đã kể lại việc bị quấy rối chỉ một tuần trước đó.

Cô Gem Manalo, bác sĩ gây mê nội trú gốc Hoa và Philippines, đang đi tàu điện ngầm đến Cambridge để tham gia lớp yoga vào đầu tháng 3 thì một người đàn ông bắt đầu la hét : “Người Trung Quốc chết tiệt! Trung Quốc khốn khiếp!”

“Tôi sợ tới nỗi không dám nhìn ông ta”, cô Manalo, 29 tuổi, chia sẻ. Một người lạ đã quay lại vụ việc và bảo đảm với Manalo rằng cô ấy sẽ bảo vệ Manalo nếu người đàn ông đó cố làm hại cô.

“Ông ấy liên tục nói những câu như: ‘Bọn ăn dơi! Hãy xem kênh YouTube của tôi tối nay và tôi sẽ kể câu chuyện có thật’”, Manalo hoảng sợ kể lại.

Cô Audrey Li, bác sĩ nội trú tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, cho biết cô đã nhiều lần bị một bệnh nhân tại một bệnh viện khác bảo “hãy quay về đất nước của bạn”.

Một bệnh nhân đã hét lên bảo cô Audrey Li "hãy quay về đất nước của cô". Ảnh: Washington Post.

Cô Li, người được sinh ra ở New Jersey và có cha mẹ là người nhập cư Trung Quốc, đã quá sốc và ngay lập tức tự hỏi liệu cô có làm gì sai không.

“Sự phân biệt chủng tộc làm bạn không bao giờ chắc chắn được đó là lỗi của bạn hay nó liên quan đến điều gì đó bất biến và to lớn hơn”, cô Li nói.

Tại hạt Los Angeles, ông Hengky Lim, y tá 44 tuổi đến từ Indonesia, cho biết đã đến gần một bệnh nhân trong phòng cấp cứu (ER) bị sốt và ho để chỉ cho anh ta cách đeo khẩu trang vào một đêm vào tháng ba.

Bệnh nhân này mắng Lim, ho vào mặt và nhổ nước bọt lên tấm khiên mặt của ông Lim. “Ông có biết virus corona đến từ đâu không? Nó đến từ người như ông! Tôi không muốn nhìn thấy ông”, bệnh nhân này la hét. Sau đó, ông ta bước ra khỏi phòng cấp cứu.

Vào tháng 4, Lim đã bị một bệnh nhân đau ngực, ho và khó thở từ chối cho xem bệnh vì người này nghĩ mình đã bị lây virus corona từ người Trung Quốc. Người đàn ông này sau đó chỉ xét nghiệm Covid-19 mà không đo điện tim hay chụp X-quang như Lim gợi ý.

Ông Hengky Lim bị bệnh nhân từ chối cho xem bệnh vì là người châu Á. Ảnh: Washington Post.

Ông Lim cho biết ông chưa bao giờ bị kỳ thị như vậy trong suốt 10 năm làm y tá. Nhưng gần đây, chuyện này xảy ra phổ biến với ông và các đồng nghiệp người châu Á tới nỗi ông nghĩ đến chuyện bỏ việc.

“Mọi người đều sợ hãi. Tôi ra đó chăm sóc cho bệnh nhân chỉ để được đối xử như vậy”, ông Lim nói. “Chúng tôi không bị bệnh. Bạn mới là người bị bệnh. Đó là lý do tại sao bạn đến bệnh viện. Bạn đang khiến những nhân viên y tế bị phơi nhiễm và chúng tôi bị đối xử như thể chúng tôi là những người có virus corona”.

Tại Nam California, cô Audrey Sue Cruz, bác sĩ nội khoa ở Loma Linda, đã bị một bệnh nhân chất vấn về bằng cấp, kinh nghiệm và sắc tộc khi thực hiện thăm bệnh qua điện thoại.

Cruz nói với bệnh nhân rằng cô là người Philippines và bệnh nhân trả lời: “Ồ. Tôi không tin những gì các bạn làm. Tôi thường không chọn bác sĩ châu Á, nhưng bạn có vẻ tốt”.

Vụ việc đã truyền cảm hứng cho Cruz tham gia cùng hơn một chục bác sĩ khác sản xuất video #tôikhôngphảilàvirus (#iamnotavirus) để chống lại làn sóng kỳ thị người châu Á.

“Chúng tôi muốn sử dụng tiếng nói của mình, với tư cách là bác sĩ, để xóa bỏ sự kỳ thị cho rằng người châu Á mang virus”, Cruz nói.

Cô đã đăng video trên lên Instagram của mình. Sau đó, một người vào bình luận: “Bọn ăn dơi”.

Không mang khẩu trang, người dân bị phạt quét rác ở Indonesia Video được quay ngày 19/5 ở Kota Padang, Indonesia. Cảnh sát kiểm tra việc đeo khẩu trang của người dân, nếu ai vi phạm thì hình phạt sẽ bị bắt quét dọn vệ sinh trên đường.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nan-ky-thi-va-covid-19-hai-mat-tran-cua-y-bac-si-goc-a-post1086697.html