Nắn kết hợp xương sên hiếm gặp

Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa thực hiện kỹ thuật mới trong lĩnh vực ngoại khoa là nắn và kết hợp xương, không cần mổ hở cho bệnh nhân.

Bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng kiểm tra vết thương ở chân cho bệnh nhân sau khi thực hiện kỹ thuật

Bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng kiểm tra vết thương ở chân cho bệnh nhân sau khi thực hiện kỹ thuật

Bệnh nhân N.T.N.N. (21 tuổi, ngụ TT.Định Quán, H.Định Quán) nhập viện trong tình trạng bị tai nạn giao thông khiến sưng nề bàn cổ chân trái, hạn chế vận động, đau đớn vùng bàn chân. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán đây là chấn thương kín khá phức tạp nên đã cho bệnh nhân làm xét nghiệm tổng thể, chụp X-quang cổ chân, bàn chân, chụp CT dựng hình vùng cổ chân, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, làm máng bột bất động giảm đau cho bệnh nhân.

Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân bị gãy xương sên rất hiếm gặp (là xương nằm ở trung tâm cổ chân, nằm giữa xương gót chân, 2 xương cẳng chân và xương hộp, xương ghe. Xương sên có rất nhiều khớp, chỉ cần bị tổn thương một mặt khớp cũng có thể khiến bệnh nhân không gấp, duỗi chân bình thường, không chịu được lực và đau khi di chuyển).

BS Ngô Đăng Hoan, một trong 2 bác sĩ trực tiếp thực hiện kỹ thuật này cho biết, với trường hợp này, trước kia khi chưa có các loại máy móc hỗ trợ hiện đại, bắt buộc bác sĩ phải mổ để sắp xếp lại các xương bị gãy. Nay, dưới sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng, bác sĩ tiến hành mổ một đường mổ rất nhỏ, khoảng 1cm, sau đó thực hiện khoan vào xương để nắn xương dưới màn hình tăng sáng. Sau khi nắn chụp xương, bác sĩ tiến hành sắp xếp xương hoàn thiện, khoan, bắt 2 vít xốp để kết hợp xương. Sau 30 phút, kỹ thuật được hoàn thành.

Với việc triển khai kỹ thuật này, khả năng bình phục của bệnh nhân rất cao, đem lại tính thẩm mỹ cao cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân cần phải tập sớm vận động cổ chân và chỉ chống chân chịu lực tăng dần sau 8-12 tuần. Sau 12 tuần khi xương lành hẳn, bệnh nhân mới đi lại bình thường được.

Tin và ảnh: Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202008/nan-ket-hop-xuong-sen-hiem-gap-3018941/