Nan giải xử lý việc bắt cướp gây chết người

Những ngày qua dư luận trái chiều đang kịch liệt tranh luận về hành động truy đuổi, khống chế kẻ cướp của tài xế Hoàng Quốc Bảo tại TP HCM. Trong vụ việc này điều 'không may' với Bảo là kẻ cướp sau khi tự tông vào tường đã bị chấn thương dẫn tới tử vong.

Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 26/4, anh Hoàng Quốc Bảo là một tài xế đưa hai người khách trên đường Xa lộ Hà Nội (TP HCM). Trong khi đang dừng xe để đi vệ sinh, thì có hai tên cướp bất ngờ vọt xe máy lên áp sát ô tô, rồi giật túi xách của khách đi xe anh Bảo rồi tăng ga bỏ chạy.

Hiện trường vụ truy đổi kẻ cướp dẫn tới tai nạn chết người tại TP HCM.

Hiện trường vụ truy đổi kẻ cướp dẫn tới tai nạn chết người tại TP HCM.

Thấy vậy, anh Bảo ngay lập tức phóng xe truy đuổi hai tên cướp với mục đích lấy lại tài sản cho khách đi xe. Chạy được một đoạn ngắn, hai tên cướp không làm chủ được tay lái nên đã tông vào một đoạn tường rào tường nên ngã lăn ra đất. Đúng lúc này anh Bảo trờ xe tới, nhảy xuống bắt được một tên. Tên còn lại đã nhanh chân chạy thoát.

Khi làm việc tại cơ quan công an, tên cướp thừa nhận hành vi phạm tội và khai nhận là Nguyễn Thế Ngọc. Sau đó Ngọc kêu đau bụng nên được công an đưa tới bệnh viện. Tại đây, Nguyễn Thế Ngọc đã tử vong, các bác sỹ xác định nguyên nhân ban đầu là bị bể bàng quang.

Hiện tại, cảnh sát điều tra đang tiếp tục xác minh nguyên nhân cái chết của đối tượng Nguyễn Thế Ngọc, tiếp tục truy bắt tòng phạm trong vụ án. Điều đáng nói ở đây là công chúng và một số luật sư đã đưa ra nhiều tranh luận gay gắt về án phạt có thể xảy ra đối với anh tài xế Hoàng Quốc Bảo.

Có ý kiến cho rằng, tài xế Hoàng Quốc Bảo dù chỉ đuổi theo hai tên cướp nhưng dẫn tới xảy ra tai nạn chết người thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngược lại, có rất nhiều người dân lại cho rằng, người lái xe có quyền truy đuổi kẻ cướp để bảo vệ tài sản của mình là hành động có tính "phòng vệ". Tuy nhiên, khi sử dụng phương tiện giao thông là ô tô để truy đuổi mà gián tiếp gây ra tai nạn khiến kẻ cướp chết thì có thể bị xử phạt hành chính vi phạm giao thông. Hoặc nếu là án hình sự, có thể ở mức thấp nhất.

Việc xử người tài xế như thế nào, đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Người viết bài này tin rằng, những người làm công vụ sẽ đủ trình độ và chuyên môn để điều tra rõ sự việc, đưa ra mức án hợp tình hợp lý.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm là nhiều năm nay nạn cướp giật trên đường phố TP HCM và nhiều địa phương khác đã đáng để báo động. Kẻ cướp thì ngày càng manh động, hung hãn, lực lượng chức năng thì mỏng, thiếu. Vậy người dân phải hành động như thế nào? Luật pháp có cần tăng mạnh hình phạt hơn nữa đối với cướp giật hay không? Và ngược lại cũng cần có quy định, hướng dẫn kỹ càng hơn về việc xử lý các hành động tự vệ tài sản cũng như tính mạng của người dân. Chỉ khi nào dân không sợ cướp thì kẻ cướp mới không còn hoành hành.

Tùng Phong

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nan-giai-xu-ly-viec-bat-cuop-gay-chet-nguoi-534803.html