Nan giải tuyển dụng giáo viên

Năm học mới 2018-2019 tại TPHCM sẽ bắt đầu trong khoảng chưa đầy một tuần lễ nữa. Thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất đã sẵn sàng, nhưng bài toán tuyển dụng giáo viên vẫn khiến nhiều quận, huyện đau đầu. Vì sao?

Giáo viên mới tại TPHCM nhận nhiệm sở

Giáo viên mới tại TPHCM nhận nhiệm sở

Nhiều nơi chỉ vừa khởi động

Tính đến trưa 9-8, mới chỉ có quận 4 và Phú Nhuận kết thúc thời gian nhận hồ sơ ứng viên tham gia dự tuyển viên chức năm học 2018-2019. Trong đó, quận 4 đã ngưng nhận hồ sơ ứng viên đăng ký mới từ ngày 1-8; còn quận Phú Nhuận đã tổ chức phỏng vấn các ứng viên vào ngày 31-7. Dự kiến kết quả sẽ được công bố vào ngày 10-8, ứng viên bắt đầu nhận nhiệm sở từ ngày 3-9.

Trong khi đó, nhiều quận, huyện khác mới tổ chức cho ứng viên đăng ký thông tin trên website phòng GD-ĐT. Cụ thể, tại quận 1, từ ngày 8-8 đến hết 30-8, mỗi ứng viên sẽ được đăng ký một lần thông tin tuyển dụng. Ngày 31-8, phòng GD-ĐT công bố danh sách ứng viên đủ điều kiện dự tuyển. Thời gian phỏng vấn kéo dài trong 2 ngày 14 và 15-9. Kết quả dự kiến công bố vào ngày 19-9 và các ứng viên bắt đầu nhận nhiệm sở từ ngày 25-9, tức trễ hơn 4 tuần sau khi năm học mới bắt đầu.

Tương tự, tại quận Thủ Đức, các ứng viên sẽ được tham gia phỏng vấn trong 2 ngày 10 và 11-8, dự kiến công bố kết quả vào ngày 20-8 và nhận nhiệm sở từ ngày 1-10.

Cá biệt, kế hoạch tuyển dụng viên chức của quận Tân Bình nêu rõ, quận này sẽ tổ chức tuyển dụng thành 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 7-2018 với tổng nhu cầu tuyển dụng là 221 giáo viên. Đợt 2 sẽ diễn ra vào tháng 12-2018 nhằm tuyển thêm số giáo viên còn thiếu ở các đơn vị do nghỉ hưu, nghỉ việc và không tuyển đủ ở đợt 1.

Theo ghi nhận, thông tin tuyển dụng giáo viên năm học 2018-2019 được các quận, huyện tổ chức không đồng đều. Trong khi một số quận, huyện cập nhật liên tục tình hình ứng viên đăng ký dự tuyển (tính đến 17 giờ 30 mỗi ngày) thì ở nhiều nơi khác như các quận 6, 9, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, ứng viên rất khó tìm thấy thông tin tuyển dụng trên website phòng GD-ĐT.

Chị Nguyễn Hà An, một ứng viên có nguyện vọng đăng ký tuyển viên chức tại quận 6, cho biết: “Tôi đã nhiều lần vào website phòng GD-ĐT nhưng không tìm được bất cứ thông tin tuyển dụng gì cho năm học mới. Văn bản mới nhất được cập nhật là kết quả trúng tuyển đợt 2 năm học 2017-2018. Do vậy, tôi phải trực tiếp lên phòng GD-ĐT để được hướng dẫn đăng ký dự tuyển”.

Tương tự, nhiều ứng viên có nguyện vọng đăng ký tuyển dụng tại quận 11 cho biết như ngồi trên lửa khi ngày 31-7, quận này mới có công văn khẩn yêu cầu các trường báo cáo tình hình tuyển dụng viên chức năm học 2017-2018, để Phòng GD-ĐT quận tổng hợp số liệu chuyển Phòng Nội vụ, trình UBND quận.

Lo nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh

Đại diện Phòng GD-ĐT quận 1 cho biết, năm nay trong tổng số 94 giáo viên cần bổ sung thêm ở các trường tiểu học, toàn quận cần tuyển thêm 24 giáo viên môn Tiếng Anh. Trong đó, một số đơn vị có nhu cầu tuyển giáo viên môn Tiếng Anh khá cao như các trường: Tiểu học Phan Văn Trị, Tiểu học Khai Minh, Tiểu học Chương Dương. Ở quận 2, trong tổng số 50 giáo viên cần bổ sung thêm ở bậc THCS, có 10 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên môn Tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 20% nhu cầu tuyển giáo viên của toàn quận).

Cô và trò Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) trong lớp học

Tại quận 5, năm học 2018-2019 cần bổ sung thêm 9 giáo viên môn Tiếng Anh ở tiểu học và 7 giáo viên môn Tiếng Anh cho bậc THCS. Thực tế “khát” giáo viên môn Tiếng Anh cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác khi năm học này, quận 7 có 9/16 trường tiểu học có nhu cầu tuyển thêm giáo viên môn Tiếng Anh, quận 10 có 8/14 trường, quận Bình Thạnh có 13/23 trường tiểu học cần bổ sung thêm giáo viên môn Tiếng Anh. Riêng đối với bậc THPT (do Sở GD-ĐT TP trực tiếp tuyển dụng), năm học này cần bổ sung thêm 70 giáo viên môn Tiếng Anh, dẫn đầu danh sách chỉ tiêu của các môn đăng ký tuyển dụng.

Chia sẻ với chúng tôi, trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TP cho biết, do mức lương chi trả hiện nay cho đội ngũ này khá thấp khiến các trường vất vả trong tuyển dụng và giữ chân giáo viên. Có một nghịch lý đang tồn tại là cùng trong một trường học, giáo viên môn Tiếng Anh người nước ngoài được nhận mức lương xấp xỉ 2.000USD/tháng, thì giáo viên người Việt Nam, cũng có bằng cấp và kinh nghiệm tương đương, chỉ được nhận lương hơn 10 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, gần đây khi Bộ GD-ĐT có quy định giáo viên môn Tiếng Anh phải hoàn thành định mức 23 tiết dạy/tuần như giáo viên dạy nhiều môn ở bậc tiểu học khiến nhiều giáo viên chán nản, sẵn sàng rời bỏ trường công khi có lời mời hấp dẫn hơn với lương cao, không bị ràng buộc định mức từ các trường tư hoặc trung tâm ngoại ngữ. Thực tế này đang đòi hỏi ngành giáo dục phải có thêm nhiều giải pháp căn cơ hơn để tuyển dụng đủ số lượng và chất lượng giáo viên môn Tiếng Anh, phục vụ cho nhu cầu giảng dạy môn học này trong các trường phổ thông.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nan-giai-tuyen-dung-giao-vien-538010.html