Nan giải thị trường lao động

Số liệu điều tra lao động và việc làm quý 2/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có gần 31 triệu người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Lao động có trình độ thấp đang gặp khó.

Lao động có trình độ thấp đang gặp khó.

Ông Nguyễn Hoàng Đức, lãnh đạo một DN ngành dệt may ở TP HCM cho biết, để ứng biến với dịch Covid-19 phía công ty đang có những thay đổi trong kế hoạch tuyển dụng để phù hợp với ngân sách của mình. Cụ thể là duy trì việc tuyển dụng, nhưng chú trọng những vị trí thuộc cấp quản lý, nhân lực có kinh nghiệm.

Giới chuyên gia cho rằng thị trường nhân lực ở các ngành sản xuất tại Việt Nam đang trở nên khắt khe hơn và dần có những sự chuyển dịch và phân hóa rõ ràng hơn ở các nhân sự có trình độ khác nhau. Điều này thể hiện rõ nhất ngay ở giai đoạn Covid-19, các nhân sự trong lĩnh vực công nghệ đa năng hơn, đáp ứng nhu cầu khắt khe hơn sẽ được trọng dụng với mức lương cao. Song song với nhu cầu tuyển dụng vị trí này cũng gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó.

Trong báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam được Tổng cục Thống kê công bố gần đây có đưa ra khuyến nghị các DN và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới sau khi xảy ra dịch Covid-19 để đào tạo, nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu lao động. Nhất là cần có chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ, mặt khác cần hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên quý II/2020 trong cả nước đã giảm so với quý trước nhưng lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong quý II/ 2020 của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Thực trạng trên chứng tỏ lao động có trình độ thấp hoặc không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao. Ngoài ra, số liệu điều tra lao động và việc làm quý 2/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có gần 31 triệu người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm trong cả nước vào quý II/2020 là gần 1,5 triệu người, tăng 363,9 nghìn người so với quý trước và tăng 726,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Gần một nửa người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong quý II/2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 48,2%.

Một chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, cần hỗ trợ nhiều hơn cho lao động trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam để giảm thiểu nguy cơ tổn thương của nhóm lao động đặc thù này. Và để ứng biến trước khó khăn của người lao động trong ngành nông nghiệp nên bổ sung kiến thức và nguồn lực cho các dự án, hướng tới gia tăng giá trị của các mặt hàng và thương hiệu cụ thể, đồng thời phân phối các sản phẩm này ra các nước trong khu vực và thị trường quốc tế.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nan-giai-thi-truong-lao-dong-503136.html