Nan giải thi công nhà máy xử lý rác - Kỳ 1: Người dân phản đối, ngăn cản thi công

Nhà máy đốt rác với công suất 240 tấn/ngày đêm vừa khởi công tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhưng đã bị người dân những ngày qua tập trung phản đối, trong khi bãi chôn lấp rác thải gần đó đã đến thời hạn đóng cửa vì rác quá đầy.

Khu vực chôn lấp rác đã quá tải cần phải xây dựng nhà máy xử lý.

Khu vực chôn lấp rác đã quá tải cần phải xây dựng nhà máy xử lý.

Công ty CP MTĐT Quảng Nam cho biết, dự án xử lý rác thải vận hành tuần hoàn, không có nước thải ra bên ngoài. Về xỉ than mỗi ngày nhà máy thải ra khoảng 7-8%, trong đó xỉ than được phân loại và xử lý theo từng loại an toàn.

Thế nhưng, hơn 1 tuần qua, hàng chục người dân thôn Đại An, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc đã liên tục tập trung phản đối dự án này. Người dân mang cả đồ ăn, thức uống, dựng lều trại, căng băng rôn dòng chữ “Phản đối xây dựng nhà máy rác”. Họ tụ tập từ sáng sớm cho tới chiều tối nhằm ngăn cản đơn vị thi công san lấp mặt bằng.

Một số người dân cho rằng, nơi đây là đầu nguồn nước, khi nhà máy đốt rác hoạt động sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho hơn 200 hộ và tưới cho hàng chục ha lúa của thôn Đại An.

Bà Nguyễn Thị Dung, người dân ở thôn Đại An nói: “Chúng tôi chỉ biết nhà máy này sẽ gây mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước nên phản đối. Khi nào Nhà nước giải quyết, dân chấp nhận thì bọn tôi sẽ rút”. Còn bà Nguyễn Thị Mai cho rằng: “Tôi nghe nói mỗi ngày nhà máy này thải ra 50m3 nước, chỗ này quá gần với nhà nên sợ bị ảnh hưởng nước sinh hoạt và nước tưới cho cánh đồng thôn Đại An. Do lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình nên tôi bỏ công ăn việc làm để tập trung phản đối”.

Một cán bộ địa phương cho biết: “Những ngày qua, không những người dân ở thôn Đại An mà những người ở thôn khác đi làm ăn xa cũng gửi tiền về để “lo” cho bà con dựng lều phản đối nhà máy đốt rác này”.

Theo lãnh đạo Công ty CP MTĐT Quảng Nam cho biết: “Nhà máy sử dụng công nghệ lò đốt RS-VINABIMA-5000 của Công ty máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn có công suất tối đa 240 tấn/ngày, giai đoạn đầu khoảng 150 tấn/ngày. Công nghệ đốt của Nhà máy đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định tại Công văn số 3016/BKHCN-ĐTG ngày 25/9/2018 và được áp dụng rất thành công về xử lý rác thải cho các tỉnh thành trong nước như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội....

Còn vị trí Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa cách nhà dân gần nhất theo đường chim bay 1.100m, cách nhà dân gần nhất thuộc xã Hòa Khương trên 4.000m (so với quy chuẩn 500m). Vị trí nhà máy này không phải là đầu nguồn của con suối nào. Trước khi khởi công dự án, chính quyền địa phương đã mời các hộ dân đi thực tế một số tỉnh phía Bắc có cùng công nghệ đốt rác như nhà máy này để cho dân hiểu”.

Ông Nguyễn Công Thanh – Bí thư huyện Đại Lộc cho biết, nhà máy đốt rác này được khởi công ngày 25/7, nhưng ngay sau đó dân tụ tập phản đối. Đến ngày 6/8, huyện tạm dừng không thi công nữa để nghe ý kiến của một số hộ dân phản ánh. Những hộ này yêu cầu chính quyền cùng doanh nghiệp có cam kết không gây ô nhiễm môi trường. Ngày 10/8, UBND huyện Đại Lộc tổ chức họp dân ở xã Đại Nghĩa để cùng cam kết giữa Sở TN-MT, doanh nghiệp, huyện Đại Lộc và cùng xã Đại Nghĩa, thế nhưng người dân không đến dự.

Bí thư huyện Đại Lộc cho hay, về sự việc diễn ra, huyện cũng chỉ đạo kiên quyết. Trong quá trình triển khai dự án, UBND huyện theo dõi, chỉ đạo kiểm tra để thi công và tổ chức thực hiện đảm bảo môi trường tốt. “Theo nguyện vọng của nhân dân thì ngay bây giờ, UBND huyện phải chỉ đạo doanh nghiệp và các ngành làm cam kết đảm bảo môi trường để nhân dân được yên tâm sinh sống. Đó là mong muốn của nhân dân cũng như của lãnh đạo huyện” -ông Nguyễn Công Thanh nói.

Như vậy với dự án Nhà máy xử lý rác thải ở xã Đại Nghĩa còn nhiều nan giải.

(Còn nữa)

Tấn Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/nan-giai-thi-cong-nha-may-xu-ly-rac-ky-1-nguoi-dan-phan-doi-ngan-can-thi-cong-tintuc444853