Nan giải 'cuộc chiến' với rác

Với việc Khu Liên hợp Xử lý chất thải Sóc Sơn mở cửa lại từ chiều 17-7 và các đơn vị vệ sinh môi trường huy động tối đa nhân lực ứng trực 24/24 giờ để điều tiết phân luồng, tiếp nhận rác, thì đến hết ngày 19-7, phần lớn các quận nội thành thủ đô Hà Nội đã dọn xong rác tồn đọng trên địa bàn.

Hà Nội đã trải qua những ngày mà báo chí gọi là "ngập rác" hay "vỡ trận" rác thải, do khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày (khoảng 5.000 tấn/ngày đêm) được chuyển đến xử lý tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Sóc Sơn (gọi là bãi rác Nam Sơn; huyện Sóc Sơn) nhưng những ngày qua, người dân ở đó chặn không cho xe rác vào, hệ lụy là ùn ứ rác ở nội đô.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên sớm được chỉ rõ là do từ các ngày 5, 6 đến 8-7, Trạm xử lý của Liên danh Phú Điền - SFC dừng vận hành xử lý nước rỉ rác của khu liên hợp này dẫn đến ứ đọng nước rỉ rác, gây ô nhiễm; rồi tiến độ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của khu liên hợp này chậm thực hiện; việc giải quyết kiến nghị của người dân về được công nhận diện tích đất ở theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp còn vướng...

Đây không phải là lần đầu bãi rác Nam Sơn "thất thủ". Cuối năm 2019, người dân ở đây cũng đã dựng lán trại để chặn xe chở rác. Mà đó là lần thứ 3 trong năm 2019, cũng là lần thứ 6 trong gần 20 năm, khu liên hợp này dừng hoạt động.

Chuyện dân phản ứng trong các việc di dời, giải tỏa, bồi thường, tái định cư… thì ở loại dự án nào cũng có thể xảy ra chứ không riêng với dự án về xử lý rác. Chỉ cần gõ từ khóa "chặn xe rác" vào công cụ tìm kiếm là Google sẽ thấy chỉ trong khoảng 0,38 giây đã có 10.100.000 kết quả, rất dễ hiểu vì chuyện này từng xảy ra dai dẳng khắp cả nước.

Nhưng nói cho cân phân thì việc "chặn xe rác" xảy ra ở các địa phương hầu hết là vì xe chở rác tới đâu thì nước hôi thối vung vãi ra đó, rồi khi xử lý vẫn chủ yếu là chôn lấp (70%, số liệu từ Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường), khá hơn thì dùng phương pháp đốt không phát điện nhưng công nghệ quá lạc hậu, thường xuyên hư hỏng. Trong khi đó, công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh được một số nơi ứng dụng (Hà Nội có cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ...) nhưng cũng chưa thực sự giải quyết thấu đáo vấn đề.

Ai từng sống cạnh các bãi chứa rác tập trung sẽ biết khốn khổ thế nào với mùi xú uế, ruồi nhặng, bệnh tật lắm thứ cũng từ đó mà ra. Cho nên, nguyên nhân chính của việc người dân ngăn cản thực hiện các dự án xử lý rác thải hay chặn xe rác hầu hết là vì sợ bị ảnh hưởng do công nghệ lạc hậu mà ra.

Những nhà máy xử lý rác hiện đại như ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội, khi trực tiếp đi khảo sát ở Đức, Pháp và Nhật Bản thấy được đặt ngay sát khu dân cư, rác đốt không gây mùi, không màu, không ảnh hưởng đến người dân, nếu ở nước ta có thì chắc người dân cũng không đến nỗi phải chặn xe rác.

Với lượng rác thải sinh hoạt ở các đô thị trên toàn quốc đang được ghi nhận là 38.000 tấn/ngày nhưng tỉ lệ thu gom, xử lý chỉ hơn 85%; ở nông thôn là 32.000 tấn/ngày và chỉ thu gom được khoảng 55% như lời của lãnh đạo Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường nói với báo chí thì đấy không chỉ là nỗi lo của một vài tỉnh, thành mà đang là vấn đề cấp bách, phức tạp của cả nước.

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nan-giai-cuoc-chien-voi-rac-2020071923194286.htm