'Nan giải' con đường kiểm soát vũ khí của Nga và Mỹ

Hai cường quốc phải làm gì để tránh được một cuộc đối đầu trực diện, thậm chí là leo thang hạt nhân trong tương lai?

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở vào thời điểm căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, Washington và Moscow có thể sẽ phải đứng trước một cuộc đối đầu trực diện, thậm chí là leo thang hạt nhân. Trong quá khứ, Liên Xô và Mỹ đã tránh được chiến tranh hạt nhân nhờ vào một loạt các hiệp định và hiệp ước chính trị, giúp kiểm soát leo thang quân sự. Đáng tiếc là, chế độ kiểm soát vũ trang này lại đang ở bên bờ vực sụp đổ hoàn toàn.

Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) - đặt ra giới hạn của hệ thống phòng thủ tên lửa và Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) - giới hạn số lượng xe tăng, xe thiết giáp, súng, phi cơ chiến đấu và trực thăng tấn công sử dụng tại châu lục này – đều đã trở nên vô hiệu. Trong khi đó, Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) – cấm các tên lửa hành trình và đạn đạo có tầm bay từ 500 – 5.500km phóng đi từ mặt đất, đang gặp rắc rối khi các bên đều tố cáo bên kia vi phạm.

Nếu Hiệp ước INF sụp đổ thì số phận của Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START), ký kết giữa Nga và Mỹ trong năm 2010, cũng khó có thể tự tồn tại. Quy định cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược xuống còn 700 thiết bị phóng và 1.500 đầu đạn hạt nhân, NEW START sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Nếu hiệp ước này không được gia hạn, hệ thống đa cực quốc tế gần như chắc chắn sẽ rơi vào khủng hoảng.

Trang Foreign Affairs nhận định, để ngăn chặn một thảm họa xung đột, Nga và Mỹ cần phải duy trì và tăng cường mạng lưới kiểm soát vũ trang an toàn. Đây là lý do tại sao việc khôi phục đối thoại Nga – Mỹ, dẫn đến các cuộc đàm phán chính thức – là hoàn toàn cần thiết. Hiện tại, chương trình nghị sự có thể ở khuôn khổ hẹp, ưu tiên ba vấn đề chính: bảo toàn INF, gia hạn NEW START và ngăn ngừa các đụng độ quân sự nguy hiểm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump có tìm ra được một giải pháp để lấy lại sự tin tưởng giữa hai quốc gia?

Gìn giữ mạng lưới kiểm soát vũ trang an toàn

Hiện tại, Hiệp ước INF đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi vì những lời cáo buộc vi phạm từ cả hai bên. Giải quyết những cáo buộc này là bước đầu tiên để đảm bảo INF tiếp tục tồn tại.

Moscow cho rằng, Washington đã 3 lần vi phạm Hiệp ước INF. Đầu tiên, Nga tố cáo Mỹ sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung bị cấm trong hiệp ước, làm mục tiêu để thử nghiệm hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa của mình. Thứ hai, Nga chỉ ra Mỹ đã sử dụng các thiết bị vũ trang không người lái trên không, nhưng lại vận hành tương tự như tên lửa hành trình phóng đi từ dưới mặt đất. Cuối cùng, theo Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ triển khai tại Romania (và sắp tới là Ba Lan) có thể phát động tấn công, sử dụng các tên lửa hành trình phóng đi từ biển (Tomahawk) và cả tên lửa phóng đi từ mặt đất. Đáp lại, Washington khăng khăng rằng, họ không lắp đặt phần mềm phóng tên lửa Tomahawk từ mặt đất, nhưng Moscow lo ngại, việc này có thể dễ dàng thực hiện trong tương lai.

Theo Foregn Affairs, vẫn có cách để giải quyết từng tranh cãi trên. Vấn đề thử nghiệm tên lửa có thể được xử lý thông qua thương lượng, cho phép cả Mỹ và Nga sử dụng số lượng hạn chế (VD, từ 5 – 10 đơn vị/năm) các vũ khí bị cấm; và chỉ triển khai tại các khu thử nghiệm. Vấn đề máy bay không người lái đòi hỏi quá trình thảo luận để có được một định nghĩa về những hệ thống này; và nó phải khác biệt với tên lửa hành trình phóng đi từ mặt đất - hiện bị cấm theo INF.

Cuối cùng, Washington nên đồng ý chỉnh sửa các thiết bị ở Romania và Ba Lan, nhằm đảm bảo Tomahawk hay bất kỳ tên lửa tấn công nào khác không thể được phóng đi từ đây. Các điều tra viên của Nga nên được phép có mặt tại các cơ sở của Mỹ để kiểm chứng động thái trên.

Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF với các hoạt động thử nghiệm, chế tạo và triển khai một loại tên lửa hành trình mới phóng đi từ mặt đất và có tầm ngắm bị cấm. Tháng 12/2017, Chính phủ Mỹ đã trừng phạt hai công ty của Nga, vì cho rằng họ có liên quan tới quá trình phát triển tên lửa này. Cùng lúc, Lầu Năm góc nhận được nguồn tiền, để bắt đầu nghiên cứu và phát triển một mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung mới, có khả năng di động và phóng đi từ mặt đất.

Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẵn sàng chấm dứt hoạt động nghiên cứu và phát triển nếu Moscow “quay trở lại tuân theo đầy đủ và được xác nhận những nghĩ vụ tại Hiệp ước INF”.

Vấn đề trên có thể được xóa bỏ nếu Nga đồng ý mời các thanh tra viên Mỹ đến xác nhận rằng, loại tên lửa mà Washington đề cập đến, không nằm trong phân loại phóng đi từ mặt đất bị cấm ở INF; thay vào đó, nó chỉ là một tên lửa tấn công mặt đất phóng đi từ tàu và tàu ngầm. Nên nhớ, Hiệp ước INF cho phép việc thử nghiệm tên lửa hành trình phóng đi từ biển tại các khu vực trên mặt đất.

Moscow và Washington cũng nên thống nhất khôi phục lại chế độ điều tra và giám sát Hiệp ước INF – đã bị xóa bỏ vào năm 2001. Họ cũng có thể kêu gọi các quốc gia sở hữu hạt nhân khác tham gia vào thỏa thuận này.

Nếu INF được bảo toàn thành công thì Nga và Mỹ có thể nhanh chóng bắt đầu thương lượng chính thức về gia hạn NEW START. Hiện đang không có một cuộc đàm phán trực tiếp nào liên quan tới việc cắt giảm sâu vũ khí hạt nhân chiến lược. Điều này có nghĩa, nếu NEW START thực sự hết hạn vào năm 2021, lần đầu tiên kể từ năm 1972, kho vũ khí hạt nhân thế giới sẽ được “thả lỏng” .

Cuối cùng cả hai nước cần phải không ngừng nỗ lực để phòng tránh những đụng độ quân sự nguy hiểm có thể nhanh chóng dẫn đến leo thang xung đột. Mỹ và Liên Xô từng ký kết các hiệp định ngăn cản đụng độ trên biển (1972), ngăn cản chiến tranh hạt nhân (1973), và ngăn cản các hoạt động quân sự nguy hiểm (1989)… Cùng với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, các hiệp định trên đã thành công góp phần ổn định quan hệ đối thủ giữa hai cường quốc, và dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh lạnh. Còn bây giờ, Moscow và Washington nên khôi phục các mối liên lạc thường xuyên, nhằm tái xem xét các hiệp định, hiện đại hóa chúng và cải biến chúng phù hợp với hoàn cảnh mới.

Ngoài ra, từng bên có thể thực hiện một số biện pháp khác để cải thiện hơn nữa tình hình hiện tại, như một hiệp định riêng giữa Nga và NATO về ngăn chặn các đụng độ quân sự tình cờ giữa hai bên…

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/nan-giai-con-duong-kiem-soat-vu-khi-cua-nga-va-my-340951.html