Nan giải 'bài toán' chỗ gửi con cho nữ công nhân

Vấn đề trường mầm non, nhà trẻ cho con công nhân nhập cư luôn là vấn đề nóng suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay bài toán trên vẫn chưa có lời giải.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa đưa ra một con số thống kê khiến nhiều người không khỏi lo ngại: Trong số khoảng 52,6% lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM có con nhỏ dưới 6 tuổi, có nhu cầu gửi trẻ, nhưng chỉ khoảng 19% được gửi con ở cơ sở mầm non công lập, còn lại phải gửi ở các nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục.

Ảnh mang tính minh họa

Ảnh mang tính minh họa

Một thời gian, dư luận "sôi sục" trước hiện tượng một số nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục liên tục vi phạm về chuyên môn, trong đó nổi cộm hai vấn đề là vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho các bé. Một số giáo viên, bảo mẫu có hành vi xâm hại thân thể đối với trẻ, thậm chí gây thương tích nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân là không ít trường tư sử dụng một số giáo viên, bảo mẫu không qua đào tạo nghiệp vụ, không có tình yêu trẻ… Tuyển dụng giáo viên, bảo mẫu theo kiểu "vơ bèo gạt tép" để tiết giảm chi phí khiến cho môi trường lẽ ra phải tuyệt đối an toàn, lại trở nên "đáng sợ" đối với trẻ.

Điều đáng nói là số liệu nói trên được ghi nhận tại TP.HCM - một trong những địa phương đã từng đề ra không ít chính sách hỗ trợ đời sống công nhân nhập cư, trong đó có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường mầm non cho con công nhân. Mặc dù chủ trương này đã được thực hiện từ khoảng 5 - 7 năm trước, nhưng cho đến giờ số trường của doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ đã đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố chỉ đếm trên đầu ngón tay, với số trẻ được "thu nạp" hết sức ít ỏi.

Tính đến cuối năm 2019, TP.HCM có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp với 1.326 dự án đang hoạt động. Lao động nữ là hơn 176.000 người (60%). Hằng năm, TP có dân số cơ học tăng bình quân từ 45.000 - 50.000 học sinh, trong đó trẻ mầm non tăng gần 10.000. Cuối năm học 2019 - 2020, toàn TP có 1.352 trường mầm non (trong đó: công lập: 467; dân lập, tư thục: 885) và 1.739 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, riêng 10 quận, huyện ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất có 1.127 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Nhìn rộng ra các địa phương có đông lao động nhập cư như Đồng Nai, Bình Dương, tỷ lệ con công nhân được gửi tại các trường công lập, trường đạt chuẩn do doanh nghiệp đầu tư có lẽ còn thấp hơn nhiều so với mức 19% ở TP.HCM.

Vấn đề trường mầm non, nhà trẻ cho con công nhân nhập cư luôn là vấn đề nóng suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển hệ thống trường mầm non, nhà trẻ trực thuộc các doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài vấn đề quỹ đất, nguồn tài chính, một trong những vướng mắc lớn nhất là đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và chấp nhận làm việc trong môi trường doanh nghiệp, với nhiều chế độ, chính sách không hoàn toàn giống như giáo viên ở các trường công lập…

Đây cũng là "bài toán" đặt ra bấy lâu nay nhưng vẫn chưa tìm được lời giải.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nan-giai-bai-toan-cho-gui-con-cho-nu-cong-nhan-20201113173338888.htm