Nan đề cho người mới
Cho dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris trở thành chủ nhân của Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (sẽ diễn ra vào tháng 11 tới), thì ngoài các vấn đề nội tại, những biến chuyển chóng mặt tại các điểm nóng địa chính trị thế giới cũng sẽ đặt ra cho họ các bài toán hóc búa. Trong đó, việc thiết kế một đường lối ngoại giao mới phù hợp hơn với lợi ích của nước Mỹ tại Trung Đông, chắc chắn sẽ là thách thức hàng đầu.
Tuy nhiên, nếu như ông Donald Trump đã có sẵn một “bộ khung” ý tưởng từng được ông thực hiện dang dở (nhưng khá thành công) ở nhiệm kỳ trước của mình, thì có vẻ đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ phải “lao tâm khổ tứ” gấp bội, để định hình một hướng đi với những dấu ấn riêng.
Đòi hỏi từ thời cuộc
Trung Đông có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng hàng đầu đối với Mỹ, trong tổng thể mục tiêu toàn cầu. Kể từ sau Thế chiến 2, nước Mỹ ngày càng can dự sâu hơn vào khu vực này, nhằm phục vụ các mục tiêu chính: Đối đầu với Liên Xô (trước đây) trong trật tự thế giới lưỡng cực; bảo đảm lợi ích của nước Mỹ đối với nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ quanh Vùng Vịnh; thúc đẩy việc truyền bá các “giá trị Mỹ” trong khu vực. Và, cuối cùng, có một mục đích nữa không thể không nhắc đến: Bảo vệ đồng minh thân thiết Israel - “quê cha đất tổ” của không ít nhà tài phiệt Mỹ.
Chiến tranh Lạnh kết thúc với việc Liên Xô tan rã, chính sách đối ngoại của Mỹ dành cho Trung Đông được điều chỉnh theo các mục tiêu mới: Củng cố và duy trì vị thế bá chủ của Mỹ trong trật tự thế giới mới đơn cực; xâm nhập sâu hơn vào vùng ảnh hưởng truyền thống hậu Xôviết; ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng như những nguy cơ an ninh khác, đặc biệt là sau sự kiện 11/9/2001; mở rộng quy mô chiến lược, tác động sâu sắc hơn đến thế giới Arab Hồi giáo ở Trung Đông - Bắc Phi, thậm chí sẵn sàng can dự để truất phế những nhà lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo không “biết điều” (thí dụ như Tổng thống Libya Gaddafi).
Tuy nhiên, theo thời gian, hệ thống chính sách này bắt đầu bộc lộ những lỗ hổng không thể vá. Nước Mỹ sa lầy ở Afghanistan và Iraq, trong những cuộc chiến xuyên thập kỷ, với các khoản chi phí quân sự khổng lồ. Trong khi đó, vì nhiều lý do, đặc biệt là mâu thuẫn văn hóa - tín ngưỡng, những đợt sóng “bài Mỹ” nối nhau dâng lên, khiến môi trường an ninh khu vực trở nên tồi tệ và khó kiểm soát. Vấn đề Palestine - Israel mãi ở thế bế tắc cũng dày thêm áp lực từ dư luận thế giới.
Đến thời Tổng thống Barack Obama, với chiến lược Xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, cách tiếp cận của Nhà Trắng đối với Trung Đông tiếp tục được điều chỉnh, theo hướng dịch chuyển dần trọng tâm chiến lược khỏi khu vực. Quan điểm tìm kiếm các thỏa thuận đa phương nhằm giải quyết các vấn đề được đẩy lên cao hơn. Dù vậy, những hệ lụy từ sự đảo lộn các cấu trúc kinh tế - xã hội mà chuỗi biến động “Mùa xuân Arab” gây nên, cũng như sự trỗi dậy kinh hoàng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến nước Mỹ vẫn phải tiếp tục can dự, như một bên tham gia, vào tất cả các vấn đề: Xung đột, nội chiến, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố quốc tế...
Những gánh nặng này chỉ thực sự được giảm nhẹ, qua các đổi thay quyết liệt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện trong nhiệm kỳ của ông. Hiện tại, đương kim Tổng thống Joe Biden áp dụng một chính sách ngoại giao hướng đến sự cân bằng (vừa theo đuổi lý tưởng dân chủ kiểu Mỹ, vừa thúc đẩy các lợi ích thiết yếu của Mỹ; vừa ủng hộ cải cách chính trị dân chủ, vừa bảo hộ chế độ quân chủ của các đồng minh thân cận).
Tuy vậy, cuộc xung đột đẫm máu giữa quân đội Israel với Phong trào Hamas trên Dải Gaza, những loạt hỏa tiễn mà lực lượng Hezbollah phóng đi từ lãnh thổ Lebanon về phía Israel, những đoàn tàu hàng bị lực lượng Houthi tấn công trên Biển Đỏ, những không phận bị đóng lại do lo ngại xung đột Israel - Iran bùng nổ... đang khiến chính sách ngoại giao ấy của ông Biden bị chỉ trích gay gắt.
Vậy thì, trong cương lĩnh của mình, chính sách đối ngoại dự kiến của những người kế nhiệm tương lai sẽ gồm những điểm gì mới, để thích ứng với thời cuộc và thuyết phục cử tri?
Lợi ích trên hết
Cho dù đến lúc này, cựu Tổng thống Donald Trump mới chỉ có thể đưa ra những tuyên bố chung chung, thí dụ như kêu gọi Israel nhanh chóng kết thúc chiến dịch quân sự nhằm tránh gây tổn hại đến hình ảnh quốc tế của mình, hay cảnh báo rằng xung đột có thể kéo nước Mỹ vào kịch bản Thế chiến 3, thì không thể phủ nhận: Ông vẫn có nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn, khi từng trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan đến “lò lửa nghìn năm” Trung Đông.
Minh chứng điển hình, không gì khác, chính là quá trình thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab láng giềng, thông qua Hiệp định Abraham năm 2020 (mà đến nay đã có Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất/U.A.E, Bahrain, Sudan và Morocco ký kết). Hiệp định này được xây dựng trên căn bản là sự hấp dẫn của những tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế, với vai trò trung gian của Mỹ, cùng sự hy sinh những quyền lợi chính đáng và hợp pháp mà người Palestine đòi hỏi.
Sau vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hồi tháng 10/2023, Hiệp định Abraham đã bị nhà phân tích chính trị người Nga Timur Fomenko xem là “quả bom hẹn giờ phát nổ”, khi chỉ hướng đến sự xoa dịu một chiều, bất công, nâng đỡ Israel, cô lập Iran... nhằm củng cố bá quyền của Mỹ. Nhưng, đặt dưới góc độ “Nước Mỹ trên hết”, quyết sách này lại hoàn toàn phù hợp, khi có thể giúp nước Mỹ giảm hiện diện quân sự mà vẫn duy trì được tầm mức ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, những ngày “chấp chính”, không những không tham gia cuộc chiến mới nào, ông Donald Trump còn thúc đẩy đàm phán và ký kết thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban ở Afghanistan, từ đó mở đường chấm dứt 20 năm sa lầy và tốn kém.
Sau ông, cho đến lúc này, một trong những dấu ấn đối ngoại bị bỏ lỡ đáng tiếc nhất của đương kim Tổng thống Joe Biden là việc không còn đủ thời gian cũng như cơ hội để nỗ lực đưa Saudi Arabia và Israel bình thường hóa quan hệ. Đây cũng có thể xem là một “khoản thừa kế” mà ông Biden để lại cho bà Kamala Harris, nếu bà đắc cử.
Với nhân vật đang hướng đến ngưỡng cửa lịch sử trong vai trò là nữ tổng thống (da màu, gốc Á) đầu tiên của nước Mỹ, chiến lược ngoại giao dành cho Trung Đông đang được thể hiện khá mơ hồ. Ngày 26/7, hội kiến Thủ tướng Israel Netanyahu - cuộc gặp mà bà mô tả là “thẳng thắn và mang tính xây dựng", bà Harris thúc giục nhà lãnh đạo Israel mau chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Dải Gaza, đồng thời thể hiện những mối lo ngại sâu sắc về tình trạng bất ổn ở khu vực này. Gần đây, bà đánh giá tình hình ở Gaza là "thảm khốc" và lưu ý rằng "Israel có quyền tự vệ, nhưng cách thức thực hiện tự vệ mới là điều quan trọng".
Hãng tin Reuters, cũng như không ít nhà phân tích, cho rằng nếu đắc cử, đường lối ngoại giao của bà Harris sẽ “gai góc” và cứng rắn hơn người tiền nhiệm Joe Biden. Vấn đề là, trong khi chưa ai hình dung được sự “cứng rắn” ấy sẽ được hiện thực hóa như thế nào, thì ngày 12/8, Cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris, ông Phil Gordon, đã viết trên nền tảng xã hội X rằng Phó Tổng thống không ủng hộ lệnh cấm vận vũ khí và "vẫn còn quá sớm" để nói chính sách của bà Harris sẽ thay đổi như thế nào so với thời ông Biden.
Đối với giới quan sát, có những yếu tố không thể bỏ qua: Áp lực từ lý tưởng nhân đạo; sức ép từ nhóm cử tri nhập cư gốc Arab Hồi giáo (là những người chống Israel mãnh liệt, nhưng cũng sở hữu số lượng phiếu bầu không thể xem nhẹ); nhưng cuối cùng và đáng chú ý nhất, là vai trò đối địch càng lúc càng trở nên đậm nét của Iran. Vai trò ấy khiến những biểu hiện căng thẳng với Tel Aviv của bà Harris rất dễ “rơi vào thế việt vị”.
Có lẽ, cũng vì vậy mà một phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của bà đã trao đổi với tờ The Hill: “Kể từ 7/10/2023, Phó Tổng thống đã ưu tiên tham gia vào cộng đồng người Arab, Hồi giáo và Palestine cùng những tổ chức khác liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Phó Tổng thống tái khẳng định rằng chiến dịch của bà sẽ tiếp tục những nỗ lực đó, đảm bảo Israel có thể tự vệ trước Iran và các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn”. Thực tế, lập trường này dường như mô phỏng hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề của người tiền nhiệm Joe Biden.
Dù sao, như đòi hỏi từ các chuyên gia, rằng: “Chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải xác định rõ mục tiêu chiến lược của mình tại Trung Đông, thay vì chỉ phản ứng trước các cuộc khủng hoảng liên tiếp”, cả ông Donald Trump lẫn bà Kamala Harris có lẽ đều không có nhiều lựa chọn. Như cựu quan chức tình báo Mỹ Norman Roule nhấn mạnh: “Một chính sách đối ngoại hiệu quả của Washington ở Trung Đông cần phải có sự nhất quán, sự tham gia lưỡng đảng và sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực. Nước Mỹ phải làm rõ chính sách của mình sẽ mang lại lợi ích gì cho cả bản thân và các đối tác, đồng thời duy trì khả năng răn đe đối với các đối thủ trong khu vực”, lợi ích quốc gia sẽ vẫn là mục tiêu tối thượng.
Vì thế, hai ứng viên đã gặp nhau ở một điểm: Đề cao vai trò của Saudi Arabia (theo tờ Arab News), như một đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, định vị ở trung tâm chính sách đối ngoại dành cho Trung Đông.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nan-de-cho-nguoi-moi-i743433/