Namor trong bom tấn 'Black Panther 2' là phản diện hay phản anh hùng?

Nhân vật nhận được sự chú ý nhất của 'Black Panther 2' - Namor - gây nhiều tranh cãi khi đứng giữa lằn ranh của phản diện và một anh hùng.

Namor the Sub-Mariner là một nhân vật kinh điển được sáng tạo bởi họa sĩ Bill Everett. Anh được biết tới là dị nhân đầu tiên của Marvel, lai giữa loài người và chủng tộc Atlantean. Theo nguyên tác truyện tranh, Namor được sinh ra nhờ mối tình giữa Leonard McKenzie, thuyền trưởng con tàu khai quật Vibranium tại Nam Cực và công chúa Fen của vương quốc Atlantis.

Xuyên suốt hành trình từ truyện tranh lên màn ảnh, nhân vật này gây không ít tranh cãi bởi hành động hay những nét tính cách phức tạp mà anh thể hiện. Khán giả vẫn luôn tự đặt câu hỏi liệu rằng Namor là gã ác nhân phản diện hay thực chất là một phản anh hùng.

Thay đổi từ truyện tranh lên màn ảnh

Namor the Sub-Mariner xuất hiện lần đầu trong Marvel Comics #1 của Timely Comics, phát hành tháng 8/1939. Hai năm trước khi Aquaman của DC ra mắt, anh được nhắc tới là vị vua cai trị thủy quốc Atlantis dưới đáy đại dương.

Ngay từ khi còn nhỏ, Namor đã được xây dựng là một nhân vật ngạo mạn, hiếu chiến. Thuở thiếu thời, anh từng phải lòng một cô gái mang tên Sandy. Nhưng chẳng được bao lâu, cặp đôi đường ai nấy đi vì Namor không tin tưởng loài người. Mặc dù cùng chiến đấu và kết bạn với đồng đội từ các nước xã hội chủ nghĩa, song tư tưởng của Namor lại đi theo hướng quân phiệt độc tài. Điều này đã biến anh trở thành một kẻ sẵn sàng gây hấn bất cứ ai để đạt được mục đích cá nhân. Cũng vì lẽ đó mà Namor đã có nhiều lần xung đột với các vị vua, siêu anh hùng và các dân tộc khác, điển hình là Wakanda cùng Black Panther.

 Namor được xây dựng theo xu hướng đa chiều trong truyện tranh. Ảnh: Marvel Comics.

Namor được xây dựng theo xu hướng đa chiều trong truyện tranh. Ảnh: Marvel Comics.

Tính khí nóng nảy và kiêu ngạo có xu hướng biến anh trở thành một kẻ phản diện, người không ngại tiêu diệt bất cứ thứ gì dám cản đường. Đơn cử, ngay trong lần xuất hiện đầu tiên, vị vua Atlantis đã giết chết hai thợ lặn vô tội chỉ vì vô tình tới gần lãnh thổ của mình. Hay từng có thời điểm, Namor đe dọa trả thù thế giới vì đã phá hủy một phần Atlantis bằng một vụ thử hạt nhân. Xuyên suốt hơn tám thập kỷ đồng hành cùng Marvel, anh vẫn giữ nguyên bản chất đó.

Trên phim ảnh, tiểu sử của Namor so với nguyên tác được thay đổi khá nhiều. Xuất hiện trong MCU lần đầu tiên qua bom tấn Black Panther: Wakanda Forever, anh trở thành đức vua trị vì vương quốc Talocan, người đem lại “mặt trời” cho quốc gia sống dưới lòng đại dương này. Đây là một nền văn minh được kết hợp giữa thần thoại Nam Mỹ và Atlantis, lấy cảm hứng từ tín ngưỡng cổ của người Aztec.

Xuyên suốt bộ phim, Namor tạo được nhiều thiện cảm bởi nét tính cách thú vị cùng động cơ đấu tranh hợp lý. Dẫu vậy, có không ít tình tiết đẩy nhân vật này đến lằn ranh giữa kẻ xấu và một siêu anh hùng.

Nhân vật phức tạp bậc nhất Marvel

Namor the Sub-mariner sở hữu nhiều điểm tương đồng với Aquaman của nhà đối thủ DC. Dẫu vậy, tính cách của nhân vật này tỏ ra phức tạp và khó đoán hơn rất nhiều. Anh từng là siêu một anh hùng khi gia nhập Avengers, nhóm X-Men, là thủ lĩnh sáng lập Defenders hay thậm chí sát cánh cùng Captain America trong Thế chiến II để chống lại mối đe dọa mà Đức quốc xã gây ra cho toàn nhân loại.

Thế nhưng, Namor lại không phải là nhân vật thích làm việc thiện thuần túy như Cap bởi bàn tay anh đã nhuốm máu của quá nhiều người. Tệ hơn nữa, vị vua Atlantis từng thành lập nhóm The Cabal với Thanos, Dr. Doom, Maximus The Mad và những ác nhân khác. Trong cuộc chiến sinh tồn bảo vệ Vũ trụ 616 khỏi bạo loạn và sự sụp đổ của đa vũ trụ, Namor cùng đồng đội mạnh tay tàn sát vô số người.

Namor từng chiến đấu cùng phe thiện, nhưng cũng không ít lần nhúng tay vào việc ác. Ảnh: Marvel Studios.

Không thể phủ nhận, Namor ưa thích bạo lực, hiếu chiến và nuôi dưỡng một niềm oán hận rất lớn với thế giới trên cạn. Điều này xuất phát từ những cảm xúc và kỷ niệm đen tối mà nhân vật đã phải trải qua trong quá khứ. Dẫu vậy, dù là một kẻ giết người, nhưng Namor chưa hẳn là một gã ác nhân máu lạnh (Villain).

Trong thế giới comics, anh nhiều khi được xây dựng là một phản anh hùng (Anti-hero) hoặc chính xác hơn là phản diện (Antagonist). Thậm chí, Namor còn được coi là một trong số những phản anh hùng/phản diện đầu tiên trong lịch sử truyện tranh. Khác với định nghĩa ác nhân, thường chỉ tuyến nhân vật có suy nghĩ và hành động xấu xa thuần túy, “antagonist” dù đối đầu với phe chính diện nhưng mục tiêu và động cơ hành động ít nhiều có thể cảm thông. Chính vì vậy, khi Marvel Studios quyết định thay đổi tiểu sử của anh trên màn ảnh, họ vẫn quyết định giữ lại nét đặc trưng tính cách thú vị này.

Trong mini-series Atlantis Attacks (2020), Namor chiến đấu với Amadeus Cho, Silk và Agents of Atlas để trả đũa cho việc một thần dân Atlantean bị bắt giữ. Nhân vật Cho từng đặt câu hỏi liệu rằng Namor có phải là một người hùng không, hay đơn thuần chỉ là một con quái vật. Câu trả lời thú vị “Tôi là một vị vua” của anh đã thể hiện rằng, ngay cả anh cũng chẳng thể định nghĩa được chính bản thân mình.

Ác nhân, phản diện hay phản anh hùng

Namor the Sub-Mariner cuối cùng cũng góp mặt trong MCU qua bom tấn Black Panther: Wakanda Forever. Theo tiết lộ của đạo diễn, dự án này mất tới gần hai thập kỷ ấp ủ . Vậy nên ngay từ khi công bố trailer, câu hỏi “Namor rốt cuộc là gì” đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía khán giả.

Xuyên suốt hành trình thể hiện trên phim, những nét tính cách thú vị và đặc trưng của anh được giữ nguyên theo comics. Có chăng, thắc mắc về vai trò nhân vật bắt nguồn từ việc Namor quyết định đối đầu với Wakanda hay ý định “chinh phạt” loài người.

Thực tế, Namor và Black Panther cùng con người đã có mối thâm thù từ lâu theo nguyên tác. Việc vị vua Talocan nhạy cảm trước các thế lực xâm phạm hoàn toàn tương tự việc người dân Wakanda có xu hướng cảnh giác với người ngoài. Vậy nên, định nghĩa “phản diện” (antagonist) dành cho Namor trong trường hợp này có thể coi là chính xác. Bởi trong nhiều trường hợp, những nhân vật đối đầu với phe chính diện chưa hẳn đã là kẻ xấu, đơn cử như Iron Man và Captain America trong Civil War (2016). Ngay cả đạo diễn phim Ryan Coogler cũng đã khẳng định điều này.

Không phải ác nhân, Namor là một phản diện/phản anh hùng. Ảnh: Marvel Studios.

Tuy là “phản diện” nhưng Tenoch Huerta được xây dựng một câu chuyện quá khứ dễ cảm thông và mục tiêu hành động cụ thể. Giống như Kilmonger, sự nhạy cảm của Namor xuất phát từ việc từng chứng kiến người dân trở thành nô lệ dưới tay những kẻ xâm lược. Đó là lý do khiến nhiều khán giả và người hâm mộ lại thích định nghĩa nhân vật này theo một cách khác.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Empire, Tenoch Huerta, tài tử thủ vai Namor trong phim cho rằng nhân vật của anh phải là một phản anh hùng (Anti-hero). Đó là vì những điều anh làm không hoàn toàn ích kỷ mà xuất phát từ việc muốn giữ gìn bình an cho đất nước. Điều này được thể hiện rõ trong trận chiến cuối cùng khi anh chấp nhận đầu hàng Báo Đen để nhận được sự bảo trợ từ quốc gia Wakanda.

Tuy vậy, nhiều tình tiết hay lời thoại trong phim đôi khi đã đẩy nhân vật này bước qua lằn ranh của một phản anh hùng. Đó là khi Namor bộc lộ bản chất hiếu chiến và gửi tối hậu thư cho Shuri yêu cầu giúp đỡ để trả đũa loài người. Xuất phát từ động cơ chưa đủ chín muồi, quyết định đó dường như bao hàm một phần dã tâm và cả những thâm thù cá nhân. Chưa kể, việc đoạt mạng hoàng hậu Ramonda hay ý đồ thủ tiêu Ironheart dường như cũng đã đi quá xa khỏi giới hạn.

Nhìn chung, với những nét tính cách đặc biệt, Namor the Sub-Mariner được xây dựng trên hình tượng không phải một siêu anh hùng hay ác nhân thuần túy. Thay vào đó, vị vua của vương quốc dưới lòng đại dương có xu hướng là một phản diện, hoặc cũng có thể coi là một phản anh hùng.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/namor-trong-bom-tan-black-panther-2-la-phan-dien-hay-phan-anh-hung-post1376220.html