Namibia - đến thăm thung lũng chết, thành phố ma và điều không tưởng

Tôi gọi Namibia là đất nước của những điều không tưởng vì mỗi ngày trôi qua ở đây đều mê hoặc như một bức tranh, hay bộ phim về hành trình xa xôi ngoài Trái Đất.

Điều ngoạn mục nhất ở thung lũng chết

“Nhanh hơn nữa đi!” Tôi nhủ thầm trong lúc chiếc xe 4x4 bẻ lái trên quãng đường mười hai cây số đầy cát nhấp nhô cuối cùng trước khi đến Deadvlei.

Sau một đêm lạnh cóng ngủ lều dưới trời sao, tôi đã gần như kiệt sức khi Mặt Trời chuẩn bị ló rạng phía sau những đồi cát xa xa. Nhưng đến Sossusvlei mà để lỡ mất khoảnh khắc bình minh trên Deadvlei thì coi như đã đánh mất một trong những điều ngoạn mục nhất có thể được thấy trong đời.

Không thể nhanh hơn được. Tôi gắng sức leo lên đồi cát cuối cùng trước khi đổ xuống Deadvlei và Mặt Trời đã lên khỏi dải đồi cát uốn lượn như một dải lụa phía xa. Không, vẫn còn kịp, đồi cát tôi đang leo sẽ chắn ánh nắng đổ xuống Deadvlei trong một vài phút. Nhưng tôi sẽ phải nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Bộ gear máy ảnh đeo trên lưng càng ngày càng nặng hơn khi tôi ráng sức bước nhanh hơn trên cát.

Rồi thì tôi cũng đứng đó, trước lòng chảo chết Deadvlei. Phía bên trái vẫn đang chìm trong những phút cuối cùng của giấc ngủ đêm, và phía bên kia, ánh Mặt Trời đang liếm rất vội xuống từ trên đỉnh đồi cát.

Trác tuyệt! Ngoạn mục! Không thể nào thở được! Đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến vào giây phút ấy, ngoài việc lặp đi lặp lại: “Đẹp quá! Đẹp quá!”.

Tôi đứng giữa lòng chảo chết, hít một hơi thật sâu để tận hưởng cảm giác choáng ngợp đến khoan khoái khi chạm đến một giấc mơ đã mơ nhiều năm trời. Đã bao lâu từ lần đầu tiên tôi nhìn thấy khung cảnh những cành cây khô chết vươn mình trên nền màu cam óng ả? Chắc hẳn là lâu lắm rồi. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là một bức tranh vẽ cho đến khi xem một bộ phim tài liệu, nơi một nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp hình Deadvlei. Và tôi đã ồ lên kinh ngạc, rồi khi phát hiện ra mình đang ở rất gần thung lũng chết, tôi đã không thể ngăn nổi mình đến đây.

Thiên nhiên thật nhiệm màu. Mắc kẹt giữa những đợt khô hạn ngăn dòng chảy của nước vào thung lũng. Xác chết của những cái cây ở Deadvlei vẫn đứng hiên ngang hàng trăm năm qua. Và đẹp đến tuyệt mỹ làm sao, khi những nhánh cây vẫn vươn lên trời cao, và gió vẫn thổi qua Deavlei chừng ấy năm trời.

Dưới chân tôi là những dải đất bùn trắng cứng như đá, trên đầu là bầu trời xanh ngắt, và xung quanh tôi là những đồi cát đang chuyển mình trong dải nắng sáng diệu kỳ. Khi vàng cam óng ả, lúc nâu xám lạnh lùng, khi lại đổ một vệt bóng cắt chéo dải lụa cát…

Và những cái cây nữa chứ! Chỉ trong năm tiếng đồng hồ từ khi Mặt Trời lên, tôi đã đi loanh quanh lòng chảo Deadvlei và ở mỗi góc, những cái cây lại hiện lên như trong một bức tranh hoàn toàn khác nhau. Chết, khô, nhưng đẹp đến rợn người.

Tất cả những người tôi gặp ở thung lũng đều chỉ có thể thốt lên: "Ngoạn mục quá, phải không?". Tôi mỉm cười trả lời: "Một trong những điều ngoạn mục nhất tôi từng thấy trong đời!".

“Hạnh phúc không phải là đích đến, mà chính trên từng chặng đường đi”, câu nói này chính xác nếu nói đến Sossusvlei.

Mặc dù ai đến Namibia cũng muốn đón ánh Mặt Trời đầu tiên ở Deadvlei, song con đường băng qua Sossusvlei để đến Deadvlei cũng ngoạn mục không kém.

“Không thể tin được!”, đó là điều tôi đã phải thốt lên rất nhiều lần khi ngồi trên xe băng qua 60 cây số bao xung quanh là những đồi cát đỏ rực thuộc hàng cao nhất nhì thế giới. Những khoảng trời hoàng hôn bỗng dưng đổ một luồng ánh sáng rực rỡ đỏ cam hồng tím xuống dãy núi khô cằn trước mặt, rồi cả những bạn linh dương đang giương đôi mắt ngơ ngác nhìn chiếc xe 4x4 chở khách du lịch lướt qua trên cát…

Và nếu bạn dừng lại một giây để biết, từng hạt cát đang tạo thành những đồi cát cao đến 325 m trước mặt đã có tuổi thọ ước tính đến năm triệu năm, tôi cá bạn sẽ vỡ òa sửng sốt không thể tin vào điều mình vừa nghe. Tôi đã nói Namibia là vùng đất của những điều không tưởng mà.

Thành phố ma và những xác nhà trơ trọi trên cát

Tôi đặt bước chân đầu tiên lên những dải đồi cát đang lăn tròn theo một cơn gió lốc xuyên qua thành phố ma Kolmanskop. Còn gần nửa tiếng nữa Mặt Trời mới lên khỏi dải núi phía xa, và Kolmanskop nằm im lặng đầy chết chóc trên những dải đồi. Không có bất cứ một sự sống nào ở thành phố này suốt nhiều thập kỷ qua. Cả thành phố một thời hưng thịnh đã bị bỏ hoang không thương tiếc.

Lạ kỳ thay những căn nhà vẫn đứng vững trên cát, bên dưới nắng trời Namibia gắt gỏng và cát không ngừng tràn vào ngập những cầu thang, cửa sổ và lối đi.

Thoạt nhìn Kolmanskop chẳng có gì đặc biệt, chỉ là thành phố xây theo lối kiến trúc Đức đậm nét với các xác nhà nằm trên đồi. Nhưng điều bí mật nằm đằng sau những cánh cửa khi bạn bắt đầu hành trình khám phá Kolmanskop.

Bất chấp sức tàn phá của thời gian, gió và cát, rất nhiều ngôi nhà ở Kolmanskop ngày nay vẫn làm người ta sửng sốt về những bản lề cửa không hề bị lung lay, những cột nhà vẫn đứng vững và những khung cửa sổ kiếng vẫn vẹn nguyên như khi mới được lắp.

Hành trình khám phá từng ngôi nhà ở Kolmanskop rất thú vị, vì bạn sẽ không bao giờ biết bạn sẽ tìm thấy gì bên trong đó. Một dãy nhà có thể rất khác khi bạn đi từ trái sang phải, rồi lộn lại từ phải sang trái. Đó là lý do vì sao tôi đã đến đây từ trước bình minh, và chỉ rời đi sau sáu tiếng lang thang, khi nắng trời Namibia trở nên thiêu đốt trên đầu.

Thật khó để tin rằng nơi tôi đang đứng đã từng là một thành phố cực kỳ giàu có, nơi mà tất cả những thú vui xa xỉ nhất của giới nhà giàu châu Âu đều được đáp ứng. Cơn sốt đào kim cương đã giúp xây dựng một thành phố với casino, trường học, bệnh viện, thậm chí một khu mua sắm riêng.

Và để cho người ta thấy kim cương có sức mạnh như thế nào, thành phố có hẳn một đường ray xe lửa chỉ để chở nước ngọt từ cách đó 120 km cung cấp cho người dân. Mỗi ngày trong cái nóng cháy da cháy thịt của sa mạc, một nhà máy nhỏ ở Kolmanskop sản xuất các thanh nước đá mát lạnh, rồi được mang đến tận nhà cho từng hộ dân, dĩ nhiên là hoàn toàn miễn phí.

Nhưng Kolmanskop không “sống” được lâu khi nhu cầu kim cương của thế giới giảm mạnh sau thế chiến I. Đòn chí tử giáng xuống thành phố khi mỏ kim cương lớn nhất được phát hiện cách Kolmaskop đến 270 km về phía Nam. Và một lần nữa, những thợ đào kim cương lũ lượt rời bỏ thành phố, để lại những xác nhà trơ trọi trên cát.

Rất nhiều người khi chụp Kolmanskop thường cố gắng để phô ra sự chết chóc, ma ám, tịch liêu của thành phố. Nhưng với riêng tôi, tôi lại chụp Kolmanskop như một nơi vẫn đầy sự sống khi những tia nắng rực rỡ đầu tiên của ngày chạm đến thành phố.

Tôi không hề sợ hãi khi leo qua cửa sổ, bước lên cát để khám phá những dãy hành lang dài hun hút, hay luồn lách qua những căn phòng đầy cát bụi của Kolmanskop. Tôi chỉ thấy ngưỡng mộ người Đức, hơn một trăm năm mà những căn nhà vẫn đứng đó, sống động và đầy màu sắc, dù bị người đời gán cho biệt danh “Thành phố ma”.

Nơi đồi cát trùng điệp gặp đại dương mênh mông

Namibia là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới nơi bạn có thể chứng kiến cảnh tượng vô cùng ngoạn mục: Sóng biển ầm ào vỗ dưới chân những đồi cát sa mạc cao ngút. Cách thành phố Swakopmund chỉ 40 km là Walvis Bay, nơi tôi có thể nhảy lên chiếc xe 4x4 để đi safari trên sa mạc mênh mông đến Sandwich Harbour, nơi đồi cát trùng điệp gặp đại dương rộng lớn.

Trời nắng kinh khủng dù đó là một sáng mùa đông. Sự chênh lệch nhiệt độ ở Namibia nhiều lần làm tôi chao đảo khi giữa trưa, nhiệt độ có thể đạt tới 29 độ C rồi tụt thẳng xuống 8 độ C khi màn đêm buông xuống. Trước mắt tôi, ánh nắng gay gắt càng làm sáng rực lên những đồi cát trải dài miên man đến tận trời.

Trong tiếng gió, vị mằn mặn của biển khơi xanh thẳm bị hất tung vào không khí qua những làn bụi nước khổng lồ. Không có những tán dừa xanh mướt, không có những resort ven biển sang trọng, càng không có những tấm lưng thảnh thơi tắm nắng, khung cảnh của Sandwich Harbour thực sự như không thuộc về thế giới này.

Và những cú bẻ lái của tài xế chiếc xe 4x4 cũng hoành tráng không thua gì khung cảnh mà tôi đang chứng kiến. Tôi bay lên đỉnh đồi cát cao ngút, lao xuống những dốc cát thẳng đứng đến rợn người, uống champagne giữa biển cát mênh mông, trong lúc biển khơi trước mặt không ngừng vỗ sóng. Thỉnh thoảng trong lúc chiếc xe đang “lặn sâu” vào sa mạc khổng lồ, và để lại những vệt bánh xe hằn lên trên cát, tôi tưởng tim mình như rớt ra ngoài vì phấn khích.

Đoạn đường để đến Sandwich Harbour không chỉ có những dải đồi cát khô cằn của sa mạc, thỉnh thoảng qua cửa xe, tôi bắt gặp một đàn chó rừng, một con nai đi thong dong trên vùng cây bụi, và dĩ nhiên là những con hải cẩu đang nô đùa trên bãi cát.

Nhưng điều bất ngờ nhất là những con hồng hạc đẹp như trong chuyện cổ tích. Ngay giữa thành phố Walvis Bay nhộn nhịp, chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần vài bước đến vụng biển trước mặt, bạn sẽ bất ngờ trước cảnh tượng hàng ngàn con hồng hạc đang kiếm ăn trên mặt nước. Dân vùng vịnh bảo rằng, mấy năm trước, đàn hồng hạc lũ lượt kéo nhau đến vụng biển này rồi ở mãi đây không chịu rời đi.

Nhiều năm qua, thỉnh thoảng vì hạn hán hay mưa nhiều, hồng hạc quyết định vào đất liền, đến công viên quốc gia Etosha hay sang Botswana để đẻ trứng. Tuy vậy, có những thời điểm trong năm, đàn hồng hạc ở Walvis Bay và Sandwich Harbour có thể lên đến 10.000 con. Dân Walvis Bay thích thú vì bỗng dưng con đường biển của thành phố cảng trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng.

Cũng dọc theo bờ biển Skeleton, cách Walvis Bay hơn 160 km đường bộ là khu bảo tồn hải cẩu Cape Cross, nơi sinh sống lớn nhất thế giới của loài hải cẩu lông nâu Nam Phi. Vào mùa cao điểm, người ta ước tính một vùng biển rộng lớn có thể đón tới 210.000 con hải cẩu lông nâu. Dân Namibia hay đùa rằng, nếu hải cẩu mà là người và khu bảo tồn Cape Cross là một thành phố, thì nơi này chỉ đứng thứ hai ở Nambia về độ đông đúc của “cư dân”, sau mỗi thủ đô Windhoek.

(Trong trường hợp bạn không biết, Namibia là một đất nước rộng lớn nhưng dân số chỉ ở mức chưa tới ba triệu người. Đây là một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất hành tinh. Hãy tưởng tượng rằng trên mỗi km2, chỉ có duy nhất 3,13 người Namibia sinh sống, bạn có thể dễ dàng hình dung ra sự thưa thớt này).

Cảnh tượng mỗi ngày ở khu bảo tồn hải cẩu Cape Cross đều khiến người ta choáng ngợp. Bên bờ biển sóng vỗ dạt dào, mấy trăm nghìn con hải cẩu lớn bé ken lên nhau nằm ườn trên mỏm đá, bò thoăn thoắt trên cát bằng phần thân béo múp, hung hãn đánh nhau chảy máu để giành lãnh thổ, tất cả hòa trong tiếng kêu chói tai vọng lên cùng lúc từ mọi hướng.

Trong chuyến đi châu Phi kéo dài hai tháng, tôi không hề dự định đến Namibia. Nhưng buổi trưa hôm ấy, lúc đứng trước hàng nghìn con hải cẩu ở Cape Cross, tôi thấy may mắn làm sao vì đã đổi ý vào phút chót và tìm mọi cách để đến đất nước này.

Đó là vùng đất của ngày nóng đến cháy da và đêm lạnh thấu xương. Đó là vùng đất mà mọi màu sắc rực rỡ nhất trên thế gian này đều được dùng để vẽ. Đó cũng là vùng đất châu Phi khiến tôi choáng ngợp và để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất.

Đó đơn giản là Namibia, trên chuyến road trip mà tôi sẽ khó để mà quên cả đời về sau.

Những điều nên biết về Namibia để khỏi shock

Namibia là nước nghèo ở châu Phi, nhưng chi phí du lịch như ăn ở đi lại thuộc hàng khá cao, các lựa chọn đôi khi còn cao hơn nước Nam Phi giàu có bên cạnh. Lý do thì nhiều: Khách du lịch ở Namibia chủ yếu là dân da trắng từ châu Âu sang, phần lớn các cơ sở lưu trú hay nhà hàng là do dân da trắng làm chủ, cơ sở hạ tầng du lịch khá hạn chế nên giá cao.

Tuy vậy, giá vào cửa của nhiều khu du lịch, nhất là các công viên quốc gia lại thấp bất ngờ, đặc biệt khi bạn cắm trại trong các khu cắm trại do nhà nước quản lý.

Dù là nước nghèo, ý thức giữ gìn cảnh quan du lịch của người Namibia cực tốt. Người ta thà cho khách cực khổ thức khuya dậy sớm, đi bộ leo đồi cát mệt nhoài chứ nhất định không cho xe lại quá gần các điểm tham quan. Khách bắt buộc phải đi bộ.

Nghèo thì nghèo chứ Namibia trật tự và sạch sẽ. Nếu bạn so sánh với các nước châu Phi khác như Kenya hay Tanzania, đúng là một trời một vực.

Bình minh và hoàng hôn ở Namibia thuộc hàng rực rỡ và đẹp nhất thế giới. Bầu trời cũng quang và mỗi đêm, dải ngân hà rực rỡ khiến việc chụp trời đêm trở nên rất dễ dàng. Từ đó sinh ra một thứ gọi là “photo permit.” Thay vì mua vé như các khách du lịch bình thường khác, permit này cho phép bạn vào nơi tham quan sớm hơn giờ mở cửa, và ở lại lâu hơn giờ đóng cửa, thường sẽ là đến trước bình minh và ở lại sau hoàng hôn một chút. Dĩ nhiên, giá của photo permit cũng sẽ cao hơn vé bình thường nhưng rất đáng tiền.

Ở Namibia, phương tiện công cộng là nỗi ám ảnh cho những ai không có xe riêng. Xe hoạt động như kiểu xe dù ở Việt Nam hồi chục năm về trước, mà cũng chỉ kết nối các thành phố chính với nhau. Giá của chuyến đi phụ thuộc vào khả năng trả giá của bạn.

Do đó, đi du lịch ở Namibia chỉ có hai cách chính: Một là thuê xe tự lái và nếu thuê thì nên chọn loại xe 4x4 vì địa hình của Namibia thì đủ loại đủ cấp độ từ đẹp đến xấu và rất xấu. Xe thuê cũng nên đặt trước. Hai là đi tour và lưu ý rằng các tour thường khá cao, chưa kể các tour đều xuất phát từ thủ đô Windhoek vào các ngày cố định. Do đó tôi khuyến khích bạn lên kế hoạch chuyến đi của mình từ trước.

Visa Namibia phải xin tại một nước thứ ba, vì Namibia không có đại sứ quán tại Việt Nam. Bạn được khuyên nên xin tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong trường hợp của tôi, tôi xin tại Cape Town, Nam Phi, khi đang du lịch tại đây. Hồ sơ khá dễ dàng, thời gian làm việc trong ba ngày.

Namibia hợp với ai?

- Đam mê chụp ảnh. Namibia được mệnh danh là đất nước của các nhiếp ảnh gia vì những khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nỗi người ta không thể tin là cảnh thật mà là một bức tranh vẽ nào đó. Namibia cũng cực kỳ nổi tiếng với các photo tour (tour hướng dẫn chụp ảnh).

- Thích lái xe, thích đi road trip. Bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm đủ mọi loại địa hình và đủ mọi loại cảnh quan trên đường đi.

- Thích thiên nhiên hoang dã, hoang dại, kỳ vĩ, lớn lao, trác tuyệt.

- Thích cắm trại, thích sống giữa thiên nhiên, thích những nơi không quá ồn ào, đông đúc.

- Thích safari và game drive. Công viên quốc gia Etosha ở Nambia không thể so sánh với Maasai Mara ở Kenya nhưng đổi lại yên tĩnh vì ít khách du lịch hơn. Ngoài ra, rất nhiều lodge có dịch vụ game drive, một kiểu mini safari có thể chở bạn đi vòng vòng khu vực xung quanh để ngắm thú.

- Thích sa mạc, đồi cát, đại dương, núi đá, đại vực, thích hoàng hôn và bình minh rực rỡ, thích trời sao choáng ngợp với dải ngân hà rực sáng.

- Thích một nơi không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới này.

Bí quyết chạy đua với bình minh ở Sossusvlei và Deadvlei

Sossusvlei là địa điểm du lịch đông đúc, nổi tiếng nhất Namibia. Đến Namibia mà không đến Sossusvlei, coi như bạn chưa đến đất nước này. Đến Sossusvlei và Deadvlei gần như là một cuộc chạy đua, nhất là khi bạn tới đây vào mùa cao điểm.

Ánh sáng ở thung lũng chết Deadvlei thay đổi rất nhanh chỉ trong vòng một tiếng bình minh. Do đó, nếu bạn tham gia được một nhóm photo tour có thể đưa bạn tới đây lúc trời còn đêm là tốt nhất. Còn không thì vào lúc bình minh, bạn nên tập trung chụp về hướng đồi cát đang sáng. Sau khi Mặt Trời lên khỏi đỉnh đồi cát, khung cảnh thay đổi thì bạn nên dành thời gian chụp các góc chụp khác với cây. Đến tầm 10 giờ, mọi thứ xong xuôi rồi và bạn cũng không thể chụp thêm gì nữa. Trời lúc đó quá nóng và bạn cũng nên về nghỉ ngơi rồi quay trở lại vào lúc hoàng hôn.

Điều khó hiểu ở Sossusvlei chính là sự hiện diện của hai cổng vào khác nhau. Từ ngoài đường lộ, bạn sẽ phải đi qua cổng số 1 để vào công viên, nơi tọa lạc một campsite và một lodge. Ở đây cũng có nhà hàng. Tuy nhiên, campsite này vẫn cách các đồi cát và đặc biệt là Deadvlei đến 60 km. Do đó, tiếp tục có sự hiện diện của cánh cổng số 2 ngăn khu vực campsite với đường dẫn vào Deadvlei. Ở đoạn cuối đường vào Deadvlei, nếu có xe 4x4, bạn có thể lái thẳng vào, còn nếu không thì bạn sẽ phải mua thêm vé để công viên chở bạn vào Deadvlei.

Vấn đề như sau, cánh cổng số 2 thay đổi giờ mở cửa liên tục, thường là một tiếng trước bình minh và một tiếng sau hoàng hôn. Vì vậy, nếu săn bình minh ở Deadvlei, bạn bắt buộc phải chọn ở campsite hoặc lodge bên trong công viên (nếu ở ngoài công viên thì bạn phải chờ đến sáng, cổng số 1 mới mở và dĩ nhiên là bạn đã lỡ khoảnh khắc bình minh).

Sau khi trải qua đoạn đường 60 km để đến Deadvlei, ải sau chót là phải có xe 4x4 để băng qua đoạn đường cát cuối cùng. Nếu bạn không có xe 4x4 và phải sử dụng xe công viên, lưu ý nhân viên ở đây thường xuyên đi làm trễ.

Khu cắm trại Sesriem Campsite ở công viên Sossusvlei nhìn có vẻ dã chiến, nhưng mỗi khu vực cắm trại đều ở bên cạnh một cái cây, có đèn chiếu sáng mỗi đêm và ổ cắm điện đàng hoàng. Nhà tắm và vệ sinh sẽ được sử dụng chung. Về mặt lý thuyết, họ có tắm nước nóng. Nhưng trên thực tế thì nước tôi sử dụng đều là nước lạnh, do đó bạn nên tắm vào ban ngày khi trời nắng. Nếu túi tiền rủng rỉnh hơn một chút, bạn có thể ở Sossus Dune Lodge.

Đinh Hằng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/namibia-den-tham-thung-lung-chet-thanh-pho-ma-va-dieu-khong-tuong-post897538.html