Nằm võng, xem Jrai ở Pompidou

Uống cà phê Tây Nguyên chính hiệu, nằm võng và xem phim về người Jrai là những trải nghiệm dành cho khách tham quan Trung tâm nghệ thuật đương đại Pompidou (Paris, Pháp) trong hai tháng cuối năm này.

Mỗi du khách nghệ thuật ở Pompidou cảm nhận Jrai theo cách của mình.

Mỗi du khách nghệ thuật ở Pompidou cảm nhận Jrai theo cách của mình.

Cà phê võng, Giọt sương Jrai” là dự án được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Art Labor (Lao động nghệ thuật)với mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống nhưng theo một cách khác.

“Cà phê võng-Giọt sương Jrai” được đánh giá là một trong sự kiện nghệ thuật đáng lưu ý của tháng 10 năm nay ở Pompidou.

Ý tưởng dự án nảy ra khi nghệ sĩ thị giác Trương Công Tùng, một trong ba thành viên Art Labor rủ cả nhóm về thăm nhà anh tại Chư Sê, Gia Lai. Nửa thế kỷ trước gia đình Tùng di cư từ miền Trung lên Tây Nguyên. Sau nhiều năm sống chung và chứng kiến những đổi thay trong đời sống chính trị, kinh tế, môi trường của cộng đồng nơi đây, các gia đình người Kinh tuy sống hòa thuận nhưng vẫn chưa thực sự hiểu đời sống tinh thần của bà con dân tộc thiểu số cùng buôn làng. Tây Nguyên và cộng đồng Jrai là lý do để Art Labor khởi động dự án “Giọt sương Jrai”. Trong hai năm hoạt động, Art Labor trông vào kinh phí của Quỹ Hoàng tử?Claus (Hà Lan), mặc dù chi tiêu vô cùng tiết kiệm tới đúng lúc này tiền đã cạn, nhóm đang tìm cách tự kinh doanh để nuôi dự án tiếp tục, giám tuyển Arlette Quỳnh Anh cho biết.

Không cổ xúy kiểu du lịch

Tên gọi “Giọt sương Jrai” lấy cảm hứng từ niềm tin của người Jrai đối với con người và vũ trụ. Theo triết lý của họ thì sau khi chết con người sẽ đi qua nhiều giai đoạn để trở về cội nguồn. Ở giai đoạn cuối cùng, linh hồn và thể xác sẽ biến thành giọt sương, rồi bốc hơi vào không khí – trạng thái của hư vô này chính là cái khởi đầu cho sự sống mới.

Trong hai năm thực hiện dự án, Cà phê võng diễn ra song song với một số lần triển lãm Điêu khắc gỗ (tác phẩm của nghệ sĩ Jrai Chư Sê do nhóm tuyển chọn), phim ảnh phản ánh suy ngẫm của Art Labor về những thay đổi ở Tây Nguyên.

Cà phê võng ngoài đời là điểm dừng chân nghỉ ngơi quen thuộc cho lữ khách dọc đường quốc lộ và đường liên tỉnh của miền Nam trung bộ vào TP Hồ Chí Minh. Cà phê võng trong không gian của Art Labor cũng có trạng thái thư giãn, đu đưa liên tục của người ngồi võng, hương vị cà phê đậm đà nhưng từ đây người ta được dẫn dắt tới câu chuyện sâu xa hơn. Nhóm dự án mong muốn đem đến cái nhìn phản biện về văn hóa nghệ thuật Jrai trong vòng xoáy giao thoa giữa công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa và thế giới tự nhiên đang bao bọc vùng đất này.

Chuỗi triển lãm (TL)“Cà phê võng Giọt sương Jrai” từng có mặt ở nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Ba Lan… nhưng khách chỉ mới được ngắm Jrai qua ảnh trưng bày. Lần này Cà phê võng sang tham dự Triển lãm Cosmopolis #1 tại Trung tâm Pompidou mang theo bộ phim “Sương lặn”. Khách tham quan có thể vừa nằm võng, uống cà phê phin thương hiệu “Art Labor” vừa xem phim, ảnh hoặc đơn giản là lang thang thư giãn trong không gian Jrai.

Theo giám tuyển, thành viên nhóm- Arlette Quỳnh Anh, dự án không định hoạt động theo mô hình mang tượng, cùng cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ sĩ đến các bảo tàng hay điểm du lịch để thu hút khách. Art Labor cũng không làm công việc của các nhà nghiên cứu nhân học, họ chỉ định kể lại câu chuyện của người Jrai theo cách của từng thành viên tham gia dự án.

Đứng ngoài, dõi vào “miền hoang dã”

Bộ phim “Sương lặn” được thiết kế theo đơn đặt hàng của giám tuyểnTL Cosmopolis #1 (Trung tâm Pompidou) Kathryn Weir. “Sương lặn” bao gồm sáu bộ phim ngắn về sáu hóa thân (cùng tên của phim ngắn) của của người Jrai sau khi chết: “Xương”; “Quạ”; “Châu chấu”;”Than” “Cái chết” “Giọt sương”.

Khách chiêm ngưỡng sắp đặt điêu khắc của nghệ sĩ Jrai tại “Cà phê võng” Varsava, Ba Lan năm 2016.

Nhóm thành viên có hai năm tìm đọc tư liệu, đi điền dã và nhiều lần xin tư vấn trợ giúp của nhà văn Nguyên Ngọc để hiểu hơn về tộc người Jrai bí ẩn, huyền thoại. Art Labor xây dựng kịch bản, rồi đặt hàng hai nhà làm phim (NLP) trẻ Trương Quế Chi và Đỗ Văn Hoàng làm chùm sáu phim ngắn. Bản quay của chùm phim này được gom lại để NLP Tạ Minh Đức kể lại theo cách của anh với tên phim là “Sương lặn”.

“Tất cả chúng tôi đều nghiền ngẫm cuốn “Rừng, đàn bà, điên loạn” của nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dounes viết về “miền mơ tưởng Jrai” cách đây nửa thế kỷ để lấy cảm hứng làm phim, Arlette Quỳnh Anh chia sẻ.

Trương Quế Chi kể, khi cô và Đỗ Văn Hoàng đặt chân đến Chư Sê, họ bị choáng ngợp trước vùng đất này. “Đặt máy quay ở góc độ nào cũng sẽ có khuôn ảnh đẹp và vô cùng điện ảnh”. Nhưng cảnh quay “bắt mắt kiểu du lịch” là thứ “chúng tôi luôn cố tránh”. Ekip muốn truyền đạt hiện thực cuộc sống mà họ khá chới với để nắm bắt. Dù đã cố gắng tiếp xúc , làm thân nhưng hai nhà làm phim trẻ vẫn cảm thấy xa lạ và không thể nhập cuộc với người dân nơi đây. Trong lúc Chi hoang mang bấn loạn thì Hoàng đưa ra đề nghị khiến Chi “như trút được gánh nặng”: “Chúng mình không nên cố vào vai thấu hiểu họ, hãy cứ kể về họ như người ngoài cuộc”.

Rất nhiều cảm xúc hỗn độn ở những nơi hai NLP đi qua. Chư Sê với họ là biệt lập, hoang dã, náo động, dễ thương, bí hiểm, bạo lực… Một em bé 13 tuổi hôm nay còn nhí nhảnh, sinh động đi theo ekip làm phim, ngày mai em đã tự tử sau cuộc cãi cọ với cha mẹ. Sự kích động và trầm lắng khó đoán có thể ập đến bất cứ lúc nào. Khán giả cũng nhận được điều đó trong phim “Xương”(hóa thân thứ nhất sau cái chết của người Jrai). Trong bóng tối hàng chục thanh niên lượn xe máy nhiều vòng trước một cánh rừng tiêu. Đèn pha rọi nhức mắt, tiếng rú ga xé màn đêm. “Ấn tượng bạo lực này liên quan gì đến “Xương””? Thành viên của Art Labor cho biết: Ngay sau không gian hung hãn đó là những hàng cây tiêu vươn cao đầy sức sống. Người xem sẽ nhận ra sự tương phản giữa màu xanh và khói xăng lẫn tiếng động cơ”. Nhóm làm phim không định đi sâu vào huyền thoại mà chỉ kết nối từng hóa thân với hiện tại theo cảm nhận của mình.

Art Labor thành lập năm 2015, gồm ba thành viên chính: nghệ sĩ thị giác Trương Công Tùng, Phan Thảo Nguyên và giám tuyển/ cây viết Arlette Quỳnh-Anh Trần.

Triển lãm “Cà phê võng, Giọt sương Jrai” mở cửa từ 18/10 đến 18/12/2017 tại Pompidou-Trung tâm nghệ thuật đương đại lớn nhất nước Pháp. Nhờ phản hồi tốt từ người xem, triển lãm đã nhận được lời mời cho năm 2018 tham dự tại một số nước như Banladesh, Hồng Kông, Myanmar, Ba Lan...

Hoàng Hoa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nam-vong-xem-jrai-o-pompidou-1211980.tpo