Năm Tý bàn về bức tranh 'Đám cưới chuột'

Tranh dân gian Việt Nam gồm hai loại: tranh Tết và tranh thờ, được giữ gìn và phát triển qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay các dòng tranh này vẫn hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt, nhất là vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Tranh Tết hay tranh thờ đều mang đậm bản sắc riêng, được hun đúc qua hàng trăm năm, không trộn lẫn với bất kỳ dòng tranh nào.

Các dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam được biết đến, như: tranh Đông Hồ (Đông Hồ là một làng nhỏ nằm ven bờ sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh, thuộc Kinh Bắc xưa), tranh Hàng Trống (một dòng tranh phát triển ở phố Hàng Trống, Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội), tranh làng Sình (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)…

Việt Nam với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nên cùng với tranh Tết thì tranh thờ cũng xuất hiện rất sớm, trở thành nhu cầu, nếp sống văn hóa cổ truyền của dân tộc, thể hiện sâu sắc giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn.

Nói về tranh dân gian Việt Nam thì hầu như ai cũng biết đến dòng tranh Đông Hồ. Dòng tranh này đã nguồn cảm hứng sáng tác của không ít văn nghệ sỹ nổi tiếng:

"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

Bức tranh “Đám cưới chuột” thuộc thể loại châm biếm, đả kích của dòng tranh Đông Hồ với cảnh các nhân vật chuột tay cầm chim, cá đi trước "hối lộ" cho nhân vật mèo béo tốt, mặt nghiêm nghị tỏ vẻ khó chịu nhưng tay vẫn chìa ra để nhận "hối lộ" rồi đến “ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau”. Chuột Trạng hoặc chú rể được che lọng tía tượng trưng cho vinh quang, danh vọng lớn. Chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cống có nhiều hoa văn trang trí. Bốn chú chuột hầu hạ, ghé vai khiêng. Đám rước còn có lọng che, biển đỏ, dàn nhạc, hai chú chuột thổi kèn...

Tranh dân gian Đông Hồ "Đám cưới chuột".

Tranh dân gian Đông Hồ "Đám cưới chuột".

Những hình vẽ sinh động của bức tranh đem lại cho người xem cảm giác được trải nghiệm một đám cưới chuột ở đời thực và rồi suy ngẫm về bao ẩn ý sâu xa đằng sau. Màu sắc chủ đạo: đỏ, xanh, vàng đã mở ra khung cảnh đám cưới rực rỡ, nhộn nhịp... Nhìn vào tranh, người xem nhận thấy, dù bản tính của chuột có tinh nhanh đến đâu thì vẫn sợ sệt, khúm núm khi gặp mèo. Mặt khác, dù chuột là kẻ thù “không đội trời chung” song mèo vẫn tỏ vẻ hài lòng, tán đồng ngày lễ lớn của đôi bạn trẻ vì đã nhận món quà "hối lộ"...

Sự tinh tế của các họa sỹ dân gian là đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa loài chuột để chúng mang dáng dấp con người. Bức tranh châm biếm ở chỗ, chú rể chuột kia muốn đón dâu phải mang chim, cá cống cho mèo, đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột trong chế độ phong kiến trước đây. Những chú chuột chính là hình ảnh ẩn dụ của người nông dân lam lũ thật thà, chất phác. Bức tranh “Đám cưới chuột” ra đời nhằm đả kích, châm biến sâu sắc về chế độ xưa bất công, cổ hủ, luôn chèn ép những người dân hiền lành, vất vả…

Điểm đặc biệt của bức tranh “Đám cưới chuột” là bố cục theo tuyến tính tròn (hoặc tuyến tính hình chữ u nằm ngang). Nó vừa như một câu chuyện có tính nối tiếp, vừa thể hiện vòng tuần hoàn của cuộc sống, một tuyến tính cho thấy sự yên tĩnh, ngay ngắn nêu lên được ý tưởng của tác giả dân gian khi thể hiện tác phẩm. Bức tranh sống động về màu sắc, hài hước về nhân vật, rộn lên vẻ giễu cợt trào lộng.

Dưới hình ảnh loài vật, tác giả dân gian chỉ rõ cho người xem thấy, trong xã hội xưa, với thân phận thấp hèn thì việc cầu thân giai cấp thống trị là chuyện khó xảy ra. Mèo không thể nào thân với chuột, vì bản chất của nó là loài ăn thịt chuột… Hiện nay, dù không còn chế độ phong kiến, song tình trạng đút lót, hối lộ vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi. Vì vậy, bức tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột” vẫn là một trong những bức họa nhắc nhở, răn đe mọi người sống sao cho đáng sống: lấy nhân, nghĩa làm đầu, để lại phúc đức cho thế hệ mai sau.

Tranh dân gian Việt Nam nói chung, bức tranh “Đám cưới chuột” của dòng tranh Đông Hồ nói riêng là sự biểu lộ bột phát của tình cảm nhân dân lao động đối với đời sống xã hội. Trong thời phong kiến, nhân dân lao động không được lên tiếng, không được kêu ca khi bị áp bức, có sự uất ức trong lòng. Vì vậy, cùng với ca dao, dân ca, tranh dân gian đã trở thành một nhu cầu thể hiện cảm xúc của người dân trong xã hội xưa. Và ngày nay, tranh dân gian là một vật trang trí được nhiều người ưa chuộng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Hiệp Vân

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/goc-thu-gian/202001/nam-ty-ban-ve-buc-tranh-dam-cuoi-chuot-2173933/