Nam Tư đã hạ bệ huyền thoại 'Đại bàng đêm' F-117A như thế nào?

Nhân dịp 20 năm diễn ra sự kiện NATO không kích Liên bang Nam Tư, nhiều thông tin liên quan tới hoạt động quân sự này được công khai. Trong đó, có một thông tin đáng chú ý là việc Quân đội Nam Tư với tổ hợp tên lửa phòng không thuộc thập niên 1960 của Liên Xô đã hạ bệ máy bay tàng hình F-117A Nighthawk của Mỹ.

Chiếc máy bay trị giá tới gần 50 triệu đô la Mỹ ở thời điểm đó được trang bị những công nghệ được quảng cáo là vô hình trước hệ thống ra-đa của đối phương. Tuy nhiên, người Nam Tư đã có phương pháp của riêng mình để tạo ra kỳ tích trong chiến chống lại Mỹ và phương Tây này.

Chiếc F-117A Nighthawk bị bắn rơi chỉ 3 ngày sau khi chiến dịch không kích nhằm vào Liên bang Nam Tư bắt đầu (ngày 27-3-1999). Nó bị bắn hạ gần làng Budanovci và phương tiện bay tàng hình tối tân duy nhất của NATO được xác nhận bị bắn hạ trong đợt không kích.

“Nighthawk” bị bắn hạ nhờ sự nỗ lực và sáng tạo của người Nam Tư

Kể lại về sự kiện này, Đại tá Zoltán Dani, Chỉ huy Lữ đoàn tên lửa phòng không số 250, đơn vị bắn hạ chiếc F-117A, cho biết, đơn vị đã sử dụng sóng ra-đa băng tần mét để phát hiện và theo dõi mục tiêu. Đây được coi là yếu tố quan trọng giúp bắn hạ máy bay tàng hình của Mỹ.

“Các hệ thống ra-đa cảnh giới tầm xa sử dụng băng tần mét giúp phát hiện máy bay tàng hình dễ dàng hơn. Nhờ vậy, chúng tôi đã kịp thời phát hiện ra chiếc F-117A khi nó bay vào khu vực chiến đấu của đơn vị. Tôi đã chờ đợi nó đến thật gần rồi mới ra lệnh cho xạ thủ Senad Muminovich nhấn nút phóng đạn”, Đại tá Zoltán Dani nói.

 Máy bay F-117A Nighthawk từng được coi là biểu tượng sức mạnh của Mỹ và NATO.

Máy bay F-117A Nighthawk từng được coi là biểu tượng sức mạnh của Mỹ và NATO.

Trước cuộc tập kích đường không vào Nam Tư, các máy bay F-117 đã được sử dụng trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Với những công nghệ vượt trội ở thời điểm đó, không một hệ thống ra-đa nào của Iraq phát hiện ra nó và F-117 nhanh chóng trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ. Tuy nhiên, biểu tượng này đã bị hạ gục ở Nam Tư.

Đại tá Zoltán Dani cho biết, đơn vị của ông đã sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Neva được chế tạo từ những năm 1960 và được chuyển giao cho Nam Tư trong những năm 1980 để bắn hạ máy bay F-117A.

“Điều quan trọng là chúng tôi luôn đảm bảo khí tài hoạt động ở trạng thái tốt nhất và ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Kết quả mang lại thật đáng kinh ngạc với việc hạ gục máy bay F-117”, ông Zoltán Dani nhấn mạnh.

Theo lời ông Zoltán Dani, kíp trắc thủ của Tiểu đoàn số 3, Lữ đoàn 250 đã rất may mắn trong đêm chiếc F-117 bị bắn rơi. Sau khi khai hỏa, đơn vị này nhanh chóng thu hồi thiết bị và thoát ly để tránh đòn phản công của NATO và không hề biết mục tiêu bị hạ là máy bay tàng hình của Mỹ.

“Sau khi xác nhận mục tiêu bị hạ, chúng tôi đã chúc mừng lẫn nhau. Mọi người đều rất phấn chấn với chiến công vừa lập được. Tới sáng hôm sau, một sĩ quan cao cấp từ Bộ chỉ huy tối cao tới và chúc mừng hỏi chúng tôi có biết đã bắn hạ được máy bay gì không. Tôi trả lời: Không rõ, nhưng chắc chắn mục tiêu đã bị bắn hạ. Người sĩ quan sau đó đã nói cho chúng tôi biết rằng máy bay bị bắn rơi là một chiếc F-117”, Đại tá Zoltán Dani kể lại.

Đối với Nam Tư, đây là động lực để quân đội và người dân đoàn kết chống lại hành động không kích của NATO. Người dân làng Budanovci đã nhảy múa bên xác chiếc F-117A và trêu đùa: Xin lỗi! Tôi không biết nó là máy bay tàng hình.

Đại tá Zoltán Dani cho rằng, chiến công hạ máy bay F-117 không phải là điều kỳ diệu, mà là kết quả của sự đoàn kết và nỗ lực chiến đấu của đơn vị: “Điều quan trọng là tất cả mọi người đều đoàn kết trong một tập thể. Việc có niềm tin với nhau và tuân thủ mệnh lệnh đã giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, tinh thần và lòng yêu nước cũng là yếu tố quan trọng. Người dân luôn giúp đỡ chúng tôi ở nơi đơn vị triển khai trận địa. Tôi nhớ rằng, đơn vị từng triển khai trận địa ở khu vực khó khăn là Ogar. Người dân địa phương đã mang bữa tối và những giỏ hoa quả tươi tới tặng cho cho chúng tôi. Đó là điều thật tuyệt vời!”.

Cựu chỉ huy Lữ đoàn 250 khẳng định, tinh thần chiến đấu của đơn vị luôn rất cao. Khi đợt không kích kéo dài tới ngày thứ 78, không ai trong đơn vị nao núng hay thoái chí: “Ban đầu, chiến dịch không kích tưởng như sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày. Tuy nhiên, tới tận 50 ngày sau đó, chiến dịch của NATO mới bắt đầu xuống thang. Mọi việc diễn ra vượt xa mọi sự hình dung của giới chức NATO. Cuối cùng chỉ còn phi công Mỹ và Anh tham chiến. Theo tôi, nếu chiến dịch còn tiếp diễn, nó sẽ khiến NATO sụp đổ. Nhiều thành viên NATO đã đưa ra câu hỏi tạo sao phải tiến hành can thiệp quân sự khi không thể đạt được các mục đề ra”.

Tôi nghĩ rằng họ đã lừa dối chúng tôi!

Sau sự kiện máy bay F-117 bị bắn rơi, NATO đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại khu vực phía Tây Syrmia, gồm cả làng Budanovci từ ngày 27-3 tới 1-5-1999 để cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến chiếc máy bay tàng hình bị bắn hạ và xác máy bay.

“Việc tìm thấy xác máy bay là không thể. Tất cả máy bay và phi công chiến đấu NATO đều có định vị vệ tinh GPS giúp lực lượng tìm kiếm và cứu nạn sớm dễ dàng phát hiện ra. Tuy nhiên, F-117 là chiếc máy bay đặc biệt. Nó không được trang bị những thứ đó”, Đại tá Zoltán Dani nói.

Phi công lái chiếc F-117 bị bắn hạ được xác định là Dale Zelko. Để tìm kiếm viên phi công người Mỹ này, NATO đã phải mở chiến dịch cứu hộ quy mô lớn và may mắn là Dale Zelko đã được cứu. Tới năm 2011, phi công Dale Zelko đã gặp Đại tá Zoltán Dani trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Zeljko Mirkovic. Cả hai đã bỏ qua quá khứ và chào đón nhau.

Hoạt động không kích của NATO đã khiến hơn 2.000 người dân Nam Tư thiệt mạng.

“Dale Zelko kể với tôi rằng, 6 tháng trước khi chiến dịch không kích diễn ra, họ đã tập trung tại căn cứ ở New Mexico và được “tẩy não” rằng tình hình ở Nam Tư đang rất tồi tệ và can thiệp quân sự là phương án duy nhất. Anh ta và nhiều người khác nghĩ rằng họ đang mang lại tự do tới Nam Tư. Tuy nhiên, khi tới Nam Tư, Dale Zelko đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình. Anh ta nói: Tôi nghĩ rằng họ đã lừa dối chúng tôi!”, Đại tá Zoltán Dani kể về cuộc gặp gỡ với cựu phi công Dale Zelko.

Cả Dale Zelko và Zoltán Dani hiện đã nghỉ hưu. Cựu chỉ huy Lữ đoàn 250 vẫn còn giữ một mảnh vỡ của chiếc F-117 bị bắn hạ. Đã từng có người trả giá rất cao với mong muốn ông Zoltán Dani bán lại kỷ vật đó, nhưng ông không bao giờ bán nó. Phần lớn những mảnh vỡ còn lại của chiếc F-117 bị bắn rơi hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không ở sân bay Nikola Tesla, Thủ đô Belgrade.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/nam-tu-da-ha-be-huyen-thoai-dai-bang-dem-f-117a-nhu-the-nao-570425