Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng khô, đề phòng nguy cơ cháy rừng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ hôm nay đến 20-3, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng khô với nhiệt độ phổ biến cao nhất trong ngày từ 29 - 35oC, có nơi có nắng nóng, độ ẩm trong không khí thấp.

Diễn tập chữa cháy rừng năm 2021 tại khu đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu. Ảnh: HẢI LINH

Diễn tập chữa cháy rừng năm 2021 tại khu đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu. Ảnh: HẢI LINH

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ hôm nay đến 20-3, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng khô với nhiệt độ phổ biến cao nhất trong ngày từ 29 - 35oC, có nơi có nắng nóng, độ ẩm trong không khí thấp.

Cục Kiểm lâm khuyến cáo, người dân nên nắm rõ quy trình xử lý thực bì ở nương rẫy, trước khi đốt phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy; phải báo cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại thời gian, địa điểm phát, đốt rẫy; chỉ được đốt rẫy vào sáng sớm hoặc chiều tối khi có gió nhẹ và phải đốt ngược hướng gió… để phòng tránh cháy rừng.

* Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, hiện đang bước vào mùa nắng nóng nên đơn vị đã cử lực lượng tuần tra, lập chốt tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng như các tiểu khu 198, 199, 200, 201, 202, 203, 204 (xã Ea Chà Rang), tiểu khu 218, 219, 220, 224 (xã Suối Trai) nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện đám cháy trong thời gian sớm nhất để triển khai ứng phó.

* Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương yêu cầu các hạt kiểm lâm và các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác để phát hiện sớm lửa rừng, nhằm kịp thời huy động lực lượng dập tắt đám cháy. Được biết, Bình Dương có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 10.687 ha, chiếm khoảng 3,97% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó rừng phòng hộ chiếm 34,17%, diện tích còn lại là rừng trồng.

* Theo Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), mức cảnh báo cháy rừng ở Vườn chim Bạc Liêu đã được đặt lên cấp 4 (cấp nguy hiểm) và dự báo sẽ chuyển sang cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Trước tình hình này, Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu vừa phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực tập chữa cháy rừng tại khu đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu với sự tham gia khoảng 100 người.

* Ngày 18-3, UBND tỉnh An Giang cho biết, theo kế hoạch từ năm 2021 đến 2025, toàn tỉnh sẽ trồng 18 triệu cây xanh nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, duy trì tốt tỷ lệ che phủ rừng và trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan, môi trường đô thị.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt dự toán kinh phí và danh mục sửa chữa, bảo trì, cải tạo công trình đê năm 2021, tổng đầu tư gần 4,2 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ thay mới, thay dạm cánh thép một số cống dưới đê tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và thị xã Kinh Môn. Tu sửa kè Bến Triều (Kinh Môn), Thanh Lang (Thanh Hà). Đắp vun luống, trồng tre chắn sóng các tuyến đê dưới cấp III tại một số vị trí thuộc đê tả Kinh Môn (Kinh Môn), tả Thái Bình (Thanh Hà)…

* Tỉnh Thái Bình vừa thực hiện phân loại các trọng điểm xung yếu tuyến đê, kè, cống. Qua rà soát, tỉnh hiện có ba trọng điểm xung yếu 1, gồm: Đê Nhật Tảo (trên tuyến đê Hồng Hà 1), cống Hải Thịnh (trên địa bàn huyện Tiền Hải thuộc tuyến đê biển số 5), cống Tám Cửa (thuộc huyện Tiền Hải, tuyến đê biển số 6). Ngoài ra, còn có khoảng 40 trọng điểm xung yếu 2 tại các tuyến đê, kè, cống khác. Tỉnh yêu cầu các đơn vị chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng khi có sự cố xảy ra, xử lý kịp thời.

* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sắp xếp dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai tại huyện Lang Chánh. Được biết, công trình nhằm ổn định đời sống và sản xuất của 62 hộ dân tại xã Tam Văn, huyện Lang Chánh bị ảnh hưởng của thiên tai do sạt lở đất và lũ quét. Nguồn vốn được trích từ ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện không quá ba năm.

* UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, các trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Sau thiên tai, huyện đã khẩn trương di dời khẩn cấp những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở núi đến nơi ở mới an toàn. Cụ thể, UBND huyện phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các xã Húc, Hướng Sơn, Hướng Lập, di dời tổng cộng 88 hộ dân, đến nay đã xây dựng xong nhà ở cho người dân.

* Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vừa công bố chủ trương thu hồi đất, di dời, tái định cư các hộ tại khu vực chân đèo Cả (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh). Theo đó, 32 trường hợp bị thu hồi đất với tổng diện tích 6.505 m2. Dự kiến trong quý III, quý IV - 2021, huyện sẽ di dời và bố trí tái định cư cho các hộ tại Khu tái định cư Đại Lãnh. Được biết, nhiều năm qua, các hộ sinh sống ở chân đèo Cả nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nhất là vào mùa mưa bão.

* Sở NN và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang đà phục hồi sau dịch bệnh. Tính đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh hiện có khoảng 415.000 con, tăng 5,9%; tổng đàn gia cầm 5,9 triệu con, tăng 10,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, hơn ba tháng trở lại đây, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

* Sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 14 đến 16-3 trên sông Mã đoạn qua thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước xảy ra hiện tượng cá lồng nuôi trong 27 lồng của 18 hộ bị chết (hơn 1,2 tấn).

Ngoài lấy mẫu nước, mẫu cá gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân cá chết, Sở NN và PTNT tỉnh phối hợp UBND huyện Bá Thước tiếp tục kiểm tra, rà soát các hộ nuôi cá lồng; hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật bảo đảm cho sự sinh trưởng của cá. Ngày 18-3, tại cuộc họp UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị Công an tỉnh vào cuộc điều tra rõ các hành vi xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất giấy vùng thượng lưu sông Mã.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nam-trung-bo-tay-nguyen-va-nam-bo-tiep-tuc-nang-kho-de-phong-nguy-co-chay-rung-638966/