Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên có thể chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 21-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) ở vào khoảng 10,5 độ vĩ bắc; 121,8 độ kinh đông, trên khu vực miền trung Philippines.

Các chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 305 (Quân khu 5) giúp người dân tại xã Phước Ðồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa, dọn dẹp sau mưa lũ. Ảnh: DUY QUAN

ATNÐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào Biển Ðông và có khả năng mạnh lên thành bão. Ðến chiều 22-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,8 độ vĩ bắc; 116,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía đông đông nam. Từ sáng sớm 22-11, vùng biển đông nam Biển Ðông có mưa, gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 13 giờ ngày 23-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ vĩ bắc; 112,0 độ kinh đông, cách bờ biển Nam Trung Bộ khoảng 300 km về phía đông.

Theo dự báo, nhiều khả năng các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9. Trong đó, khu vực từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 23-11 sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng ven biển các tỉnh nơi tâm bão đi vào sẽ có gió bão mạnh cấp 8 đến 9, giật cấp 11 đến 12. Hoàn lưu bão và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to suốt dọc các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và phía bắc Ðông Nam Bộ.

Sáng 21-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp giao ban về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Nam Trung Bộ, ứng phó diễn biến áp thấp nhiệt đới gần Biển Ðông. Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương ven biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên cần tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT về ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNÐ, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão mạnh, lũ lớn, tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, đêm 21-11, bộ phận không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh phía Ðông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở các tỉnh Bắc Bộ, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16 đến 190C, vùng núi có nơi 13 đến 150C. Từ ngày 22-11, các tỉnh từ Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và mưa đá.

Ðại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa trao tiền hỗ trợ gia đình có người chết do mưa lũ tại xã Phước Ðồng, TP Nha Trang. Ảnh: VĂN GIANG

Ngày 21-11, lãnh đạo Quân khu 5 cùng các đơn vị chức năng tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ vừa qua và chuẩn bị ứng phó cơn bão số 9 tại tỉnh Khánh Hòa. Ðoàn công tác đã thăm hiện trường các khu vực bị sạt lở đất do đợt mưa lũ vừa qua ở xã Phước Ðồng, các phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường (TP Nha Trang) để chỉ đạo, động viên lực lượng quân đội đang nỗ lực giúp nhân dân. Từ sáng 18-11 đến nay, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị của Quân khu 5 trên địa bàn đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ và hơn 1.000 dân quân tự vệ giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tại Khánh Hòa, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho 10 gia đình có người chết do sạt lở núi tại xã Phước Ðồng, phường Vĩnh Trường và phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) với mức hai triệu đồng/người chết. Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (TP Hồ Chí Minh) đến chia buồn và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ với tổng số tiền 750 triệu đồng.

Ngày 21-11, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 435/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền trung. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục có các đề án, dự án nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp tổng thể chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, bồi lấp cửa sông. Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2018 cho các địa phương khu vực miền trung (từ Nghệ An đến Bình Thuận) xử lý các điểm sạt lở bờ biển; đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ địa phương có thêm nguồn lực khắc phục sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm.

Thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng

Trong hai ngày 20 và 21-11, tại tỉnh Quảng Bình, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 1.075 vụ vi phạm; 29 vụ cháy rừng, thiệt hại 31 ha. Hiện có 61 trong số 164 khu rừng đặc dụng có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, đón hơn 1,86 triệu lượt khách. Các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đã hỗ trợ 1.101 lượt thôn/bản thuộc vùng đệm xây dựng cơ sở hạ tầng và giống cây trồng, vật nuôi... Tại hội nghị, Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị triển khai Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; hoạt động nghiên cứu khoa học; thu hút khách du lịch và hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên.

PV

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38317102-nam-trung-bo-nam-bo-va-tay-nguyen-co-the-chiu-anh-huong-cua-con-bao-so-9.html