Đất rắn chắc, trời sáng sau mưa

'Các bạn có câu 'sau mưa, đất rắn chắc lại', còn chúng tôi có câu 'sau mưa trời lại sáng'. Chúng ta có sự đồng cảm, thấu hiểu thì những thử thách khắc nghiệt như đại dịch Covid-19 càng làm chúng ta gắn bó, tin tưởng nhau' - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói với các 'đại bàng' Hàn Quốc.

Đất lành chim đậu

Triết lý “đất lành chim đậu” đặc biệt đúng với Việt Nam - dải đất xinh đẹp hình chữ S, nơi có sức hấp dẫn khó cưỡng để các “đại bàng” Hàn Quốc đến làm tổ. Trong khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam có mặt tất cả những Tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 59/63 địa phương trong cả nước. Bất chấp đại dịch Covid-19, đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-Seug chứng kiến lễ trao giấy phép đầu tư tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, ngày 13/12/2021.

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất với 74 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Năm 2021, FDI Hàn Quốc vào Việt Nam dự kiến đạt trên 5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2020.

Việt Nam hiện là đối tác trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới tăng cường của Chính phủ Hàn Quốc. Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, hiện 30% số đầu tư Hàn Quốc vào ASEAN hướng vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tương đương 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.

3 ngày thăm chính thức Hàn Quốc từ 12 đến 15/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành rất nhiều thời gian để chủ trì Hội nghị bàn tròn, đối thoại và tiếp lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc như Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Samsung Electronic Han Jong-hee; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SK Choi Tae-won; Tổng Giám đốc điều hành Lotte Shopping và Lotte Mart Kang Sung-hyun, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hanwha Energy Jung In Sub, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Deawoo E&C Hyung Kim và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) Lee Dong Gull… Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp đều cam kết sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến việc ký và trao 27 giấy chứng nhận, các thỏa thuận đầu tư giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước với giá trị gần 10 tỷ USD, hứa hẹn sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho hoạt động đầu tư, giao thương giữa hai nước trong bối cảnh mới.

Câu chuyện “thông gia”

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, kêu gọi các “đại bàng” Hàn Quốc tiếp tục đến xây tổ và gắn bó lâu dài với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến hai từ “thông gia”. Theo ông, đã có rất nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc chọn Việt Nam như một điểm đến, một quê hương thứ hai vì hai đất nước, hai dân tộc vốn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược trong hợp tác song phương cũng như hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

“Nhiều người nói Việt Nam và Hàn Quốc là thông gia, thành người trong một nhà rồi” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ - “Chúng ta đã có 30 năm rất tốt đẹp và ngày càng tốt đẹp, phấn đấu trước mắt 30 năm tới và nhiều thập niên tới sẽ gắn bó hơn nữa, như người Việt Nam chúng tôi hay nói về các cuộc hôn nhân bền vững là “hạnh phúc trăm năm”, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân hai nước”.

Không quốc gia nào sánh được

Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug, Chủ tịch Quốc hội Park Byeong Seug khẳng định trên bình diện kinh tế và giao lưu con người, hai nước đã đạt được những tiến triển mà không quốc gia nào có thể sánh được. Còn tại cuộc hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Thủ tướng Nội các Hàn Quốc Kim Boo Kyum, Thủ tướng Kim Boo Kyum cảm ơn Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Thủ tướng Kim Boo Kyum cũng khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc.

Ông nói thêm: “Tuy dịch bệnh hiện nay rất khó khăn nhưng Việt Nam có câu “sau cơn mưa trời lại sáng”. Còn Hàn Quốc có câu “sau cơn mưa đất sẽ rắn chắc hơn”. Trong lúc khó khăn, đã là thông gia, càng đến với nhau hơn và thực tế đã chứng minh đúng là như vậy. Dù hoàn cảnh thế nào, dù thế giới biến động nhanh chóng, nhiều yếu tố khó lường, bất định khó lường thế nào thì quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc luôn luôn không thay đổi”. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội Việt Nam khẳng định ủng hộ nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, phấn đấu đến năm 2023 riêng về thương mại sẽ đạt mốc 100 tỷ USD theo hướng ngày càng cân bằng và đến năm 2030 phấn đấu đạt mục tiêu 150 tỷ USD.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) Huh Chang Soo bày tỏ rằng: “Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian gần đây trên phạm vi toàn cầu khiến kinh tế Việt Nam, Hàn Quốc và doanh nghiệp hai nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, như câu tục ngữ về tình bạn của người Việt Nam “suốt đời gắn bó keo sơn, cùng chung chí hướng, cùng nhau kết tình”, khi Việt Nam và Hàn Quốc gắn kết với nhau, hai nước có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách”. Chủ tịch FKI tin cũng như Hàn Quốc tạo nên Kỳ tích sông Hàn, Việt Nam cũng sẽ làm nên kỳ tích sông Hồng trong thế kỷ thứ XXI.

Nhân duyên hơn 2.000 năm

Từ ngày 12 đến 19/12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Đại Hàn Dân Quốc và Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Đại Hàn Dân Quốc Park Byeong Seug và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu.

Hàn Quốc và Ấn Độ đều là những điểm sáng đầy tiềm năng trong hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư với Việt Nam. Cùng với các “đại bàng” Hàn Quốc, đang có một làn sóng các tỷ phú, đại gia của Ấn Độ muốn tràn đến Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng như cảng biển, cảng hàng không đến năng lượng, khai thác dầu và chế biến hóa dầu. Tỉ phú Prakash Hinduja - chủ Tập đoàn Hinduja đã chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam đối với cả xe thương mại và xe phục vụ quốc phòng. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, ô tô, công nghệ thông tin, điện, năng lượng tái tạo, an ninh mạng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập đoàn ngay lập tức thành lập văn phòng đại diện để chuẩn bị cho những dự án đầu tiên tại Việt Nam.

Còn Giám đốc điều hành Tập đoàn Bharat Biotech - bà Suchitra Ella, đã trao tặng 200.000 liều vắc-xin Covaxin phòng Covid-19 cho trẻ em Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. Bharat Biotech là Tập đoàn công nghệ sinh học chuyên sản xuất, phát triển và phân phối vắc-xin, liệu pháp sinh học trên phạm vi toàn cầu với hơn 50 bằng sáng chế. Bharat Biotech đã cung cấp hơn 4 tỷ liều vắc-xin cho hơn 125 quốc gia…

Việt Nam và Ấn Độ đã có mối quan hệ hữu hảo duy trì trong hơn 2.000 năm qua. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ "trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây". Năm 2016, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong 5 năm qua, Ấn Độ là một trong những nước Việt Nam có tần suất trao đổi đoàn cấp cao nhiều nhất. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được kỳ vọng tạo cú huých đặc biệt cho quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, từ chính trị, quốc phòng - an ninh tới kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dat-ran-chac-troi-sang-sau-mua-97483.html