Năm tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến du lịch hấp dẫn

5 tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh đã liên kết làm du lịch. Mỗi tỉnh có những sản phẩm du lịch đặc thù riêng: Long An có thế mạnh về du lịch vui chơi, giải trí hiện đại; Tiền Giang là du lịch sông nước; Bến Tre có nhiều lợi thế về du lịch sinh thái miệt vườn; Vĩnh Long rất thành công trong du lịch homestay; Trà Vinh có tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh gắn với khám phá các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Du khách thưởng ngoạn trên sông Tiền. Ảnh: Phương Nghi

Qua 3 năm liên kết, với thông điệp quảng bá, xúc tiến du lịch "Năm địa phương - Một điểm đến", cụm du lịch phía Đông ĐBSCL đã có nhiều hoạt động phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù; đa dạng hóa các loại hình và dịch vụ du lịch ở mỗi địa phương; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; xây dựng gian hàng chung tại các hội chợ du lịch trong và ngoài nước... Trong đó, lấy du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa và các giá trị di sản văn hóa làm điểm nhấn để thu hút du khách đã đạt được những kết quả tích cực, số lượng khách, doanh thu du lịch tăng.

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, khách du lịch quốc tế đến cụm chiếm tới 69,2% toàn vùng, trong khi lượng khách du lịch nội địa chỉ chiếm 28% toàn vùng. Năm 2015, du lịch ĐBSCL đón 7.730.197 lượt khách (tăng 15,7%); khách nội địa đạt 7 triệu lượt (tăng 16,6 %); khách quốc tế đạt 731.716 lượt (tăng 7,7%); doanh thu đạt 8.635 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2014); thì cụm du lịch duyên hải phía Đông ĐBSCL có nhiều khởi sắc và chuyển biến tích cực đón 4.755.129 lượt khách, doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, phần lớn khách du lịch quốc tế đến ĐBSCL tập trung tại cụm duyên hải phía Đông.

Cụm du lịch duyên hải phía Đông ĐBSCL có nhiều địa điểm tham quan tiêu biểu như: Cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy (Bến Tre), cồn Thới Sơn (Tiền Giang) hay cù lao Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long); chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long); ruộng lúa nước của người Khmer Trà Vinh... đã và đang được khai thác phục vụ du lịch tương đối hiệu quả. Không chỉ có sông nước, miệt vườn, phía Đông ĐBSCL còn có hệ sinh thái tự nhiên tương đối đa dạng và đặc sắc: Khu bảo tồn tự nhiên Láng Sen (Long An), sân chim Vàm Hồ (Ba Tri, Bến Tre), rừng ngập mặn Thạnh Phú (Bến Tre). Đây còn là một trong những vựa cá nước ngọt cũng như phát triển nuôi trồng thủy hải sản lớn tại khu vực Nam bộ.

Văn hóa truyền thống của người dân, nét sinh hoạt, sản xuất thích hợp với các điều kiện tự nhiên của vùng được xác định là giá trị tài nguyên du lịch nhân văn cốt lõi của vùng. "Năm địa phương - Một điểm đến" còn nổi tiếng là một vùng đất anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử với nhiều địa danh, chiến trường nổi tiếng như: Phong trào Đồng Khởi - Bến Tre, Di tích lịch sử đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), thị xã Duyên Hải (Trà Vinh); chiến thắng Ấp Bắc, chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút (Tiền Giang); chiến thắng tại Vàm Nhật Tảo của Nguyễn Trung Trực (Long An)...

Bên cạnh đó, nhiều khu lưu niệm, đền thờ được xây dựng để tôn vinh sự nghiệp và ghi nhớ công lao của các vị anh hùng như: Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (Giồng Trôm, Bến Tre), khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Hùng (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long). Cụm du lịch duyên hải phía Đông ĐBSCL có nhiều hoạt động lễ hội lịch sử, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian đặc sắc: Oóc-om-boóc (người Khmer Trà Vinh), lễ hội Nghinh Ông tại các tỉnh ven biển, lễ hội trái cây ngon an toàn Chợ Lách (Bến Tre). Đặc biệt là đờn ca tài tử Nam bộ, vọng cổ, cải lương, hò đối đáp trên sông nước Cửu Long.

Tiềm năng cụm du lịch duyên hải phía Đông ĐBSCL là rất lớn và còn khả năng phát triển đa dạng, phong phú hơn nữa. Nhà nước và các nhà làm du lịch của 5 tỉnh đang tiếp tục quy hoạch, liên kết để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết tour, tuyến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của Cụm du lịch duyên hải phía Đông ĐBSCL. Theo định hướng phát triển du lịch ĐBSCL, cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL được xác định là cửa ngõ đường bộ miền Tây đón du khách. Dự báo đến năm 2020, nơi đây sẽ đón 29% lượng khách nội địa và 56% lượng khách quốc tế của toàn vùng ĐBSCL. Điều đó cho thấy cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL đang hấp dẫn du khách nước ngoài.

Ông Lưu Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long nói: "Để du lịch cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL hấp dẫn và phát triển bền vững, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các tỉnh trong cụm, tránh trùng lắp, đơn điệu sản phẩm, tránh tình trạng giẫm chân, sao chép tour, cạnh tranh không lành mạnh. Để có được sản phẩm phong phú độc đáo, đặc sắc hấp dẫn tại cụm này, thì việc xây dựng sản phẩm phải mang được chất tinh túy, hồn cốt của đời sống cư dân vùng hạ lưu sông Mê Kông, tôn vinh giá trị tinh thần, những di sản văn hóa phi vật thể, nhằm tạo nên sự khác biệt, độc đáo của các chương trình tour giữa các địa phương".

Để liên kết cụm du lịch phía Đông ĐBSCL phát triển bền vững, cụm cũng cần có cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nhằm xây dựng, phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Việc hợp tác giữa các tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch cũng là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về phát triển du lịch ở địa phương; đồng thời nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến du lịch của cụm trong tình hình mới.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nam-tinh-dong-bang-song-cuu-long-mot-diem-den-du-lich-hap-dan/