Nam thanh niên bị điện giật tưởng đã chết được cứu sống nhờ 'ngủ đông'

Sau khi bị điện giật, nam thanh niên ngưng tim, ngưng thở tưởng chừng đã chết lại bất ngờ được các bác sĩ cứu sống nhờ cho 'ngủ đông'.

Trong lúc đang sửa điện, nam thanh niên N.H.T. (26 tuổi, tạm trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) bất ngờ bị điện giật, té xuống đất và ngưng tim, ngưng thở.

Nhiều người dân hốt hoảng liền tiến hành hô hấp nhân tạo, nhưng tình trạng trên vẫn không cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM). Các bác sĩ ở đây tiến hành hồi sức ngưng tim, ngưng thở nhưng bệnh nhân tiếp tục hôn mê sâu, tiên lượng sống rất thấp. Bệnh nhân được chuyển ngay đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

cứu sống - Ảnh: PV

">

Nam thanh niên N.H.T. (26 tuổi, tạm trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được cứu sống. Ảnh: PV

Nam thanh niên N.H.T. (26 tuổi, tạm trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được cứu sống. Ảnh: PV

TS.BS Hoàng Văn Sỹ - Trưởng Khoa nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khi chuyển đến bệnh viện bệnh nhân T. bị hôn mê sâu, không đáp ứng với kích thích đau.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt để điều trị. Đây là kỹ thuật cho bệnh nhân “ngủ đông” nhằm giúp bệnh nhân giảm thiểu những tổn thương lên não, lên tim để giảm quá trình chuyển hóa não, giúp tế bào não chịu đựng tốt hơn.

“Sau một ngày áp dụng kỹ thuật “ngủ đông”, bệnh nhân đã dần hồi tỉnh và sau hày ngày, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn tri giác, đến sáng nay (4.11) bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh, nói chuyện bình thường và chuẩn bị được xuất viện”, bác sĩ Sỹ cho hay.

Chia sẻ sau khi con trai được khỏe mạnh, ông H. (cha của T.) tỏ ra rất vui mừng và không ngờ con mình đã được cứu sống. “Cháu nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy bốn ngày trong tình trạng bất động, ngưng tim, ngưng thở, tôi nghĩ chắc cháu không thể qua khỏi, mà giờ đây đã được khỏe mạnh như là một chuyện cổ tích. Tôi cảm ơn những bác sĩ ở đây”, ông H. xúc động nói.

Theo BS.CK 2 Đặng Quý Đức – Phó Khoa nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là kỹ thuật mà bệnh viện đã sử dụng nhiều bệnh nhân và đem lại hiệu quả tốt. Hiện nay trên thế giới kỹ thuật này được thực hiện bằng hai phương pháp là hạ thân nhiệt ngoại biên (dùng miếng dán để dán hạ thân nhiệt) và dùng catheter đặt vào lòng mạch máu để hạ thân nhiệt. Cả hai phương pháp hạ thân nhiệt này đều được bệnh viện thực hiện để cứu bệnh nhân.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Quý khuyến cáo, khi phát hiện bệnh nhân đột ngột ngưng tim, ngưng thở, người nhà cần sơ cứu để bảo tồn lưu lượng máu nuôi não, nuôi tim và các cơ quan nội tạng khác. Ngay sau đó, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đây nếu không thực hiện được kỹ thuật hạ thân nhiệt thì phải tiến hành hồi sức ngưng tim, ngưng thở và chuyển đến những bệnh viện có thể thực hiện được kỹ thuật hạ thân nhiệt, hoặc những kỹ thuật cao hơn nhằm giúp bệnh nhân lấy lại tri giác và trở lại sinh hoạt bình thường.

Hồ Quang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nam-thanh-nien-bi-dien-giat-tuong-da-chet-duoc-cuu-song-nho-ngu-dong-26115.html