Năm Tân Sửu, xem những bức ảnh về trâu ở miền Tây Nam bộ

Trong những chuyến tác nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên đã ghi nhận được những con trâu, đàn trâu tìm thức ăn, kéo cày… Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu xin giới thiệu cùng bạn đọc hình ảnh về loài linh vật của năm.

Từ thời mở đất, những chuyện nặng nhọc như kéo cày, kéo lúa mà sức người không kham nổi, đều phải cậy nhờ trâu làm.

Từ thời mở đất, những chuyện nặng nhọc như kéo cày, kéo lúa mà sức người không kham nổi, đều phải cậy nhờ trâu làm.

Người chủ đeo cộ vào con trâu để kéo lúa.

Cách nay khoảng 6 năm, trong lần tác nghiệp ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, phóng viên ghi nhận được cảnh nông dân thuê trâu kéo lúa sau khi thu hoạch, bởi cánh đồng mênh mông nước, máy móc không thể làm

Mỗi con trâu có thể kéo hơn 1-2 công lúa cắt sau khi thu hoạch được bó lại gọn gàng.

Trâu dốc sức kéo đống lúa bó nặng hàng tấn vào bờ để người dân chất xuống ghe chở về nhà

Tới mùa nước ngập, người nông dân không nỡ nhìn con vật trung thành chết đói vì thiếu cỏ ăn, nên phải lùa qua nhiều cánh đồng nước lêu bêu, đi tìm vùng những thảm cỏ xanh cho trâu trú ngụ suốt 3 tháng đợi nước rút. Đó được gọi là mùa len trâu.

Trong lần đến xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, phóng viên gặp được cảnh hàng trăm con trâu đang len qua mùa nước nổi.

Theo ông Năm Sàng, nghề len trâu không thể muốn là làm được và không phải bỗng dưng một người đàn ông bé nhỏ có thể thuần phục cả một đàn trâu to khỏe mà không để lạc mất con nào. Len trâu được cha truyền con nối từ đời này qua đời khác và đặc biệt là phải yêu trâu. Thêm nữa là phải có kỹ năng, kinh nghiệm, chịu khó và cần cù…

Ông Hai Lực (người có thâm niên len trâu hơn 40 năm) ngồi trên lưng con trâu mộng đầu đàn, phát tay cho 9 thanh niên phía sau len đàn trâu tăng tốc. Cả cánh đồng nước bị một trận càn quét dữ dội của đội quân trâu. Hai Lực thúc đôi chân thình thịch vào hông con đực đầu đàn, nó róng to, lao mình chẻ nước như ra lệnh, thì cả bọn trâu phía sau cũng đồng loạt róng theo rồi tiến lên phía trước. Tiếng chân trâu đạp nước, đạp bùn sình sồn sộn và dồn dập như đánh trận trời chiến.

Mùa len trâu bây giờ đã khác xưa, cuộc sống người dân có phần ổn định và dễ chịu hơn với các loại máy móc hiện đại. Một số nơi len trâu đã không còn tồn tại, thế nhưng đâu đó tận cùng những vùng sâu trên mảnh đất Đồng Tháp Mười này cẫn còn giữ những mùa len đã từng đi vào trang sách, khiến không ít người đau đáu nhớ thương mỗi lần nhắc đến.

Người dân dẫn trâu đi ăn cỏ tại xã cù lao thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Đàn trâu hơn chục con ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp được thả trong ao sen cạnh ruộng lúa đã thu hoạch chờ mùa nước nổi.

Đàn trâu được thả dọc theo biên giới huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tạo thành bức tranh quê vô cùng hữu tình.

Những con trâu được chăn thả được ghi nhận ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Những con trâu được chở đến bán ở chợ bò Tà Ngáo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Chiếc tù và được làm bằng sừng trâu của bà Năm Thiền (xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/phong-su-anh/nam-tan-suu-xem-nhung-buc-anh-moc-mac-o-mien-tay-nam-bo_107370.html