Nam sinh được chú ý khi làm thầy đồ ở sân trường

Hình ảnh thầy đồ trẻ điển trai mặc áo dài, đầu đội khăn xếp, ngồi viết thư pháp thu hút sự chú ý của nhiều người.

Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1999, Thái Nguyên) là một trong những người tặng chữ trẻ tuổi nhất ở Lễ hội Ông Đồ tại sân trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Hình ảnh thầy đồ trẻ mặc áo dài, đầu đội khăn xếp, ngồi viết thư pháp thu hút sự tò mò của nhiều người ở sự kiện.

Chia sẻ với Zing, Hiếu cho biết đây là lần đầu tiên cậu làm thầy đồ cho chữ ở một sự kiện lớn. Từ sáng, chàng trai bận rộn viết chữ tặng nhiều bạn trẻ ghé qua lễ hội.

“Mọi người thường xin chữ Xuân, Phúc, Lộc hoặc An - những chữ tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng đầu năm”, thầy đồ 22 tuổi nói.

 Hiếu là một trong những người tặng chữ trẻ tuổi nhất ở Lễ hội Ông Đồ tại sân trường Đại học Ngoại ngữ.

Hiếu là một trong những người tặng chữ trẻ tuổi nhất ở Lễ hội Ông Đồ tại sân trường Đại học Ngoại ngữ.

Hiếu hiện là sinh viên năm 4 khoa tiếng Trung, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Chàng trai thừa nhận nét chữ của bản thân chưa đẹp, trau chuốt nhưng được thầy Minh - giáo viên dạy thư pháp cho cậu từ năm nhất đại học - khuyến khích tham gia lễ hội để có cơ hội giao lưu, luyện tập nhiều hơn.

“Nói về nét chữ, mình không thể viết đẹp, ngay ngắn và đứng nét như các thầy cô có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Thế nên, đối với mình, cơ hội được đứng đây và tặng chữ cho các bạn trẻ là một niềm vinh dự lớn”.

Hiếu bắt đầu luyện thư pháp từ năm nhất đại học. Đến cuối năm 2, do bận học và làm thêm, cậu ngừng luyện viết. Đến gần đây, chàng trai mới trở lại với bộ môn này.

“Thư pháp thực sự là một bộ môn khó. Thời gian đầu, mình còn viết không thành chữ, từng muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, được sự ủng hộ của thầy giáo, mình luyện tập mỗi ngày. Sau khoảng 6 tháng luyện tập, mình nắm được các nét và cách cầm bút", Hiếu cho hay.

Hiếu luyện thư pháp từ năm nhất đại học.

Nhờ học tiếng Trung, Hiếu nắm được thứ tự các nét, ý nghĩa và cách đọc. Cậu chỉ cần phải tập trung luyện chữ sao cho đẹp.

Đối với chàng trai 22 tuổi, thư pháp giống như môn thể thao giúp cậu bớt căng thẳng. Khi luyện chữ, Hiếu phải tập trung từ trí óc đến tay chân cho từng nét bút, nét mực.

Nói về cơ duyên theo học ngành tiếng Trung, nam sinh chia sẻ rằng cậu yêu thích ngoại ngữ này từ lâu. Chần chừ mãi đến cuối năm lớp 12, cậu mới quyết định đăng ký nguyện vọng vào khoa tiếng Trung của Đại học Ngoại ngữ.

Do đến với tiếng Trung khá muộn, trong thời gian đầu, Hiếu khá tự ti vì hầu hết bạn cùng lớp đều biết ngoại ngữ từ trước. Nam sinh phải học lại từ bảng chữ cái đến phát âm, phải cố gắng nhiều để theo kịp bạn bè.

Chia sẻ về chuyện tình cảm, Hiếu tiết lộ vẫn độc thân. Chàng trai chưa nghĩ đến mẫu bạn gái lý tưởng. Sau khi tốt nghiệp, cậu mong muốn làm việc cho công ty nước ngoài để trau dồi kinh nghiệm, đồng thời dành thời gian rảnh mỗi ngày để luyện thêm thư pháp.

"Ông đồ trẻ" Nguyễn Văn Hiếu và thầy Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sáng 26/1, Lễ hội Ông Đồ diễn ra tại sân trường Đại học Ngoại ngữ với sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên trong và ngoài trường.

Chia sẻ với Zing, thầy Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết sự kiện này là hoạt động ý nghĩa cho cả thầy và trò nhà trường để đón một cái Tết trọn vẹn.

Thông qua lễ hội, các bạn trẻ sẽ được hiểu thêm về tục cho chữ - một nét văn hóa mang nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt.

Những thầy đồ xuất hiện ở chương trình phần lớn là các nhà thư pháp tài hoa đến từ Câu lạc bộ thư họa UNESCO Hà Nội. Một số khác có những bạn sinh viên tiêu biểu ở khoa tiếng Trung, Đại học Ngoại ngữ.

Thầy Minh cho hay để có thể cho chữ, thầy đồ cần phải qua quá trình luyện tập, rèn luyện cùng với tình yêu và niềm đam mê.

Nam sinh 22 tuổi nổi tiếng khi đóng vai thầy đồ cho chữ Hình ảnh "ông đồ trẻ" điển trai mặc áo dài, đội khăn xếp của Hiếu được nhiều bạn trẻ thích thú chụp lại và đăng tải trên mạng xã hội.

Hồng Chang - Kiều Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-sinh-duoc-chu-y-khi-lam-thay-do-o-san-truong-post1177356.html