Nam sinh đoạt huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Âu và bí quyết để yêu môn học

GDVN- Em Trần Thanh Long học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên đã giành được huy chương bạc trong cuộc thi Olympic Vật lý Châu Âu.

Cuộc thi Olympic Vật lý Châu Âu (EuphO) diễn ra từ ngày 20/7 đến 26/7 vừa qua, Việt Nam có 4 thí sinh tham dự và giành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương đồng.

Em Trần Thanh Long học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất sắc giành được huy chương Bạc.

Long từng đạt giải Nhì kì thi Học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý và hiện em đang là Phó chủ nhiệm Cộng đồng Vật lý Việt Nam.

Em Trần Thanh Long giành huy chương Bạc trong cuộc thi Olympic Vật lý Châu Âu. Ảnh: NVCC

Em Trần Thanh Long giành huy chương Bạc trong cuộc thi Olympic Vật lý Châu Âu. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về về cảm xúc của mình sau khi giành huy chương Bạc, Long vui vẻ cho hay: “Từ những ngày tháng đầu tiên bước chân vào Trường Chuyên Khoa Học Tự Nhiên, em đã bắt đầu rèn luyện, đặt niềm tin vào bản thân và cứ thế theo đuổi chuyên môn.

Trải qua 2 năm gắn bó với Vật lý Trung học phổ thông, em được học hỏi từ hơn 30 thầy giáo đứng trên bục giảng, dẫn dắt các học sinh khám phá thế giới khoa học mà nhân loại đã rất cố gắng khai sáng trong vài thế kỉ qua”.

Với niềm đam mê môn Vật lý từ khi còn học Trung học cơ sở, Long dành khá nhiều thời gian cho môn học này.

Đối với em, “Vật lý là một môn khoa học khác biệt, không chỉ đòi hỏi logic như Toán hay Tin, khả năng ghi nhớ như Hóa hay Sinh, mà còn yêu cầu khả năng tưởng tượng cao; trực giác, sự phán đoán tốt; cùng với khả năng ước lượng thực tế.

Một khi ta hiểu cách những nguyên lí, định luật phối hợp với nhau, tạo nên các hiện tượng khó tin, ta sẽ bị hút hồn bởi vẻ đẹp kì lạ của nó”.

Vật lý là một môn khoa học tự nhiên được cho là “khoai” với nhiều bạn học sinh, nhưng lại trở thành niềm đam mê của nhiều bạn, trong đó có Long.

Theo Long, cách tốt nhất để cảm nhận được vẻ đẹp của môn học là thay đổi phong cách học sang trao đổi với nhiều người, tìm kiếm những ý tưởng linh hoạt, hay nhất để xử lí một bài toán.

Muốn học giỏi môn lý ngoài việc làm tất cả các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập cần tìm tòi, mở rộng kiến thức trong sách nâng cao và có những thí nghiệm có thể áp vào thực tế.

Tìm hiểu về Vật lý là niềm đam mê của Trần Thanh Long và nhiều bạn. Ảnh: NVCC

Cũng như tất cả các môn học khác, các bạn cần nắm bắt nhanh bài ở lớp cũng như các bài học trước đó. Muốn làm được điều này, cần phải chuẩn bị bài thật kĩ trước khi đến lớp.

Muốn vậy, các bạn cũng phải học đều tất cả các môn, đặc biệt là môn Toán – vì đây là môn học giúp ta có được tư duy logic và tính toán chính xác, rất cần trong việc giải các bài tập Vật lý.

Long gợi ý, Cộng đồng Vật lý Việt Nam là một nơi rất phù hợp, em đã tận mắt thấy được trí não con người đa dạng tới đâu khi làm việc và sinh hoạt ở đây.

Long cũng chia sẻ về vai trò Phó chủ nhiệm Cộng đồng Vật lý Việt Nam mà bạn đang đảm nhiệm.

“Khi đã có một nền tảng chuyên môn tương đối vững chắc, em quyết định sẽ sử dụng chúng để giúp đỡ nhiều bạn có chung niềm yêu thích môn Vật lý, song song với việc tiếp tục rèn luyện, theo đuổi.

Khi nhận thấy chuyên môn, đam mê của bản thân có thể giúp ích, em mới thấy nhiều thứ thật ý nghĩa, có mục đích rõ ràng. Cộng đồng Vật lý dành cho bất kì ai có bất kì công việc, niềm đam mê theo đuổi liên quan tới Vật lý.

Vậy nên ở đây, em được gặp nhiều người cũng có đam mê như em, được mở rộng tầm mắt và có thêm nhiều thời gian vui cùng mọi người”.

Nói về ước mơ của mình, Trần Thanh Long mong muốn trở thành một chuyên gia khoa học của một trường đại học nổi tiếng thế giới để có thể vừa nghiên cứu Vật lý, vừa chia sẻ đam mê cho mọi người.

"Đam mê được thỏa mãn, đồng thời có thể được tôn trọng với tư cách là một người đóng góp cho nền khoa học, cho xã hội, thì không còn gì tuyệt vời hơn", Long chia sẻ.

Diệp Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nam-sinh-doat-huy-chuong-bac-olympic-vat-ly-chau-au-va-bi-quyet-de-yeu-mon-hoc-post211171.gd