Nam sinh đi xin việc nhưng nói trống không và màn đáp trả cực gắt của nhà tuyển dụng

Đi xin việc mà thái độ thiếu lịch sự như nam sinh dưới đây thì bất kì nhà tuyển dụng nào cũng sẽ không chấp nhận.

Một trong những công việc làm thêm sinh viên hay lựa chọn là xin vào các quán cà phê hoặc đồ ăn nhanh. Những công việc này có mức lương từ 15.000 - 20.000 đồng/giờ. Với những ai chăm chỉ có thể kiếm được khoảng 5-7 triệu/tháng, thậm chí có thể lên chức quản lý với mức lương từ 8-12 triệu/tháng.

Do tính chất công việc chủ yếu là dọn dẹp và bưng đồ nên có một bộ phận sinh viên có thái độ xin việc rất thiếu trách nhiệm, thậm chí gửi CV cho có rồi bùng lịch làm việc.

Mới đây, anh Nguyễn Hoàng Nam là founder của một loạt các quán cafe nổi tiếng tại Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện thái độ xin việc đầy ngao ngán của một nam sinh trên trang cá nhân của mình.

(Ảnh: NVCC)

(Ảnh: NVCC)

Ban đầu, anh Nam nhắn tin rất lịch sự mời cậu sinh viên này đến làm việc: "Chào X, anh là Nam. Nếu em còn nhu cầu ứng tuyển, sáng mai em có thể qua để mình nói chuyện một chút chứ? Bọn anh sẽ gặp nhiều bạn trong cùng một ngày, mỗi bạn 15 phút. Hiện tại các khoảng thời gian trống là 9h - 9h15, 10h15 - 10h45 - 11h - 11h15 và 11h30. Em hãy chọn một và nhắn lại nhé".

Thế nhưng đáp lại lời mời phỏng vấn lịch sự là câu trả lời cụt lủn, không xưng luôn họ tên hay để ý vai vế của bạn nam sinh: "10h15 đến 10h45".

Với thái độ đó, anh Nam thấy thiếu lịch sự nên từ chối vội ứng viên này: "Xin lỗi X, anh không có thiện cảm với những tin nhắn cụt lủn như vậy. Cảm ơn em và chúc em may mắn ở những thương hiệu khác nhé".

Một 1 dòng tin nhắn khác mà sinh viên ăn nói trống không khiến bên tuyển dụng phải lắc đầu ngao ngán.

Trong câu chuyện trên có thể thấy bên tuyển dụng rất thiện chí, nhưng đáp lại là sự thiếu lịch sự bằng dòng tin nhắn cụt lủn không đầu không cuối của ứng viên. Anh Nam tâm sự thêm là từng gặp rất nhiều trường hợp như thế này, thậm chí từng bị đến 7 ứng viên bùng hẹn vì hôm đó trời mưa nhưng không ai nhắn tin lại cho bên cửa hàng.

"Chỉ cần người có hành động nhỏ li ti là đánh giá được người hợp với mình hay không. Đi xin việc kiểu thượng đẳng gây ức chế nhất với bên tuyển dụng là đây", bạn L.A bình luận.

"Ăn nói trống không chẳng có chút tôn trọng người đối diện. Chưa nói đến trình độ và năng lực thế nào nhưng riêng phép lịch sự của bạn này thì tuyển vào để làm gì chứ", bạn H.T chia sẻ.

Có thể nói, đối với bất kỳ ngành nghề nào thì thái độ luôn đặt trên trình độ và đó cũng là thứ mà nhà tuyển dụng đánh giá đầu tiên khi ứng viên bước vào vòng phỏng vấn hay nhắn tin xin việc. Chưa bàn đến năng lực bởi nếu thiếu kiến thức thì bạn có thể được đào tạo qua những khóa traning định kỳ. Nhưng thiếu thái độ, bạn coi như bị loại và để lại hình ảnh xấu trong mắt bên tuyển dụng.

Thanh Mến(T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/cong-dong-mang/nam-sinh-di-xin-viec-nhung-noi-trong-khong-va-man-dap-tra-cuc-gat-cua-nha-tuyen-dung-a338515.html