Nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa để tận dụng cơ hội trong CPTPP

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP có một số điểm mới đòi hỏi doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về CPTPP để tận dụng được cơ hội trong bối cảnh hội nhập.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn cập nhật thông tin về chính sách mới, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong điều kiện hội nhập quốc tế, ngày 12/3, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương tổ chức Tập huấn “Phổ biến Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP".

Tập huấn nâng cao kiến thức của doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa trong CPTTP.

Tập huấn nâng cao kiến thức của doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa trong CPTTP.

Buổi tập huấn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, các Hiệp hội, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được phê chuẩn và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Với tinh thần khẩn trương thực hiện các cam kết tại Hiệp định, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP, có hiệu lực từ ngày 8/3/2019.

Cũng với tinh thần khẩn trương thực hiện Hiệp định CPTPP, Hà Nội đã ngay lập tức tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP, giúp doanh nghiệp nắm rõ quy định xuất xứ hàng hóa để tận dụng cơ hội trong CPTPP.

Tại buổi tập huấn, lãnh đạo phòng Xuất xứ hàng hóa- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã thông tin tới các DN về những điểm mới trong thực hiện Hiệp định CPTPP so với các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký và tham gia trước đây. Có thể kể đến như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC (là hàm lượng giá trị khu vực FTA, là một ngưỡng (tính theo tỷ lệ phần trăm) mà hàng hóa phải đạt được đủ để coi là có xuất xứ); danh mục PSR (quy tắc cụ thể mặt hàng) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể...

Khác với các hiệp định thương mại tự do khác, doanh nghiệp muốn được hưởng thuế quan ưu đãi, phải đảm bảo nguyên liệu đầu vào 100% sản xuất từ nước xuất khẩu, thì quy tắc trong CPTPP linh hoạt hơn, cho phép nguyên liệu đầu vào được quyền nhập khẩu từ các thành viên của khối.

Quy tắc cộng gộp trong CPTPP cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, nguyên phụ liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong khối, dù chỉ 1% sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm để được cấp ưu đãi C/O.

CPTPP cũng đưa ra quy định "De Minimis" - đây là điều khoản cho phép linh hoạt 10% nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng thành phẩm vẫn được coi là có xuất xứ, các ngành khác có thể linh hoạt 10% theo trị giá.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh các nước nhập khẩu đưa ra rất nhiều hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước, việc xác minh xuất xứ hàng hóa là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần phải hiểu thông tin từng ngành hàng và thực hiện tuân thủ chặt chẽ. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được lợi ích từ Hiệp định CPTPP.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP đạt 74,478 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên trong Hiệp định đạt 37,6 tỷ USD.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nam-ro-quy-tac-xuat-xu-hang-hoa-de-tan-dung-co-hoi-trong-cptpp-d156019.html