Nắm quân bài 'chốt' trong đàm phán hạt nhân, Trung Quốc sẽ đẩy quan hệ Mỹ-Iran thêm căng thẳng?

Bắc Kinh nắm trong tay quân bài 'chốt' trong cuộc đàm phán hạt nhân Iran, và Washington không biết Bắc Kinh có thể chơi quân bài nào?

Thỏa thuận đầu tư song phương trị giá 400 tỷ USD giữa Trung Quốc và Iran sẽ giúp giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt từ Washington. (Nguồn: Press TV)

Thỏa thuận đầu tư song phương trị giá 400 tỷ USD giữa Trung Quốc và Iran sẽ giúp giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt từ Washington. (Nguồn: Press TV)

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, tuần này, các nhà ngoại giao Mỹ và Iran sẽ bắt đầu đàm phán tại Vienna (Áo) về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, sau cuộc họp ngày 2/4 với sự tham dự của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh.

Phía Mỹ sẽ không gặp trực tiếp phía Iran, nhưng sẽ tham gia các nỗ lực khôi phục JCPOA nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump từng đơn phương rút khỏi.

Bình luận về cuộc họp hôm 2/4, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif viết trên trang cá nhân Twitter: “Mục tiêu: Nhanh chóng thực hiện các biện pháp dỡ bỏ trừng phạt và hạt nhân để tiến tới việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt, sau đó Iran ngừng các hoạt động hạt nhân. Không có cuộc gặp Iran-Mỹ. Không cần thiết”.

Khi Mỹ "đấm" thì Trung Quốc "xoa"

Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran là phương tiện gây áp lực chính của Washington, nhưng thỏa thuận đầu tư song phương trị giá 400 tỷ USD giữa Trung Quốc và Iran - được ký hồi tuần trước - sẽ giúp giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt này.

Giới chuyên gia Trung Quốc nói với truyền thông nhà nước rằng, Trung Quốc có thể vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách sử dụng đồng tiền của chính nước này (đồng Nhân dân tệ) để giao dịch với Iran và các quốc gia Trung Á khác.

Quy mô của nền kinh tế Trung Quốc và khoản đầu tư lớn vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ở Trung Á đồng nghĩa với việc Mỹ không thể "bóp nghẹt" nền kinh tế của Iran trừ khi Trung Quốc đứng về phía Mỹ.

Đó là chính sách khả thi của Trung Quốc, nhưng không phải là chính sách duy nhất.

Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản ứng trước "hành động đã rồi" của Trung Quốc bằng cách ca ngợi vai trò của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong một cuộc họp báo ngày 1/4: “Trung Quốc là một thành viên ban đầu của P5+1. Tất nhiên, Bắc Kinh không hứng thú khi thấy Iran phát triển vũ khí hạt nhân và những tác động gây bất ổn sâu sắc mà thực tế này sẽ gây ra đối với một khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc”.

Trước đây, Washington từng cáo buộc Trung Quốc cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Iran, bao gồm hệ thống dẫn đường và nhiên liệu rắn, cũng như hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.

Theo tác giả Bruce E Bechtol trên tờ The National Interest, năm 2020, Trung Quốc bị cáo buộc đã môi giới thỏa thuận bán tên lửa đẩy ICBM Hwasong-12 của Triều Tiên cho Iran.

Một số nhà phân tích suy đoán rằng, độ chính xác cao của tên lửa Iran - đã phá hủy các nhà treo máy bay tại các căn cứ của Mỹ ở al-Asad và Erbil (Iraq) - cho thấy chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Hiện không rõ Trung Quốc đã hỗ trợ Iran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc cung cấp các loại vũ khí này cho tên lửa ở mức độ nào nhưng thực tế là Trung Quốc có khả năng làm như vậy và điều đó mang lại cho Bắc Kinh vị thế đáng kể đối với Washington.

Đâu là "quân bài chốt"?

Chuyên gia về Trung Quốc người Italy Francesco Sisci, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tuần trước rằng Trung Quốc có thể sử dụng Iran như một cách để chống lại những nỗ lực của Mỹ trong việc "chống lưng" cho Đài Loan.

Bắc Kinh nắm trong tay quân bài "chốt" trong cuộc đàm phán này, và Washington không biết Bắc Kinh có thể chơi quân bài nào. Điều đó giải thích tại sao Bộ Ngoại giao Mỹ không ngay lập tức chỉ trích thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-Iran.

Trong cuộc họp báo ngày 1/4, người phát ngôn Ned Price được hỏi: "Liệu thỏa thuận (Trung Quốc-Iran) có làm thay đổi cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến hạt nhân Iran và đối với toàn khu vực không?".

Ông Ned Price trả lời: “Không. Không, chính xác là vì những gì tôi đã nói trước đó... Bắc Kinh không quan tâm đến việc Iran có vũ khí hạt nhân hoặc có khả năng có được vũ khí hạt nhân.

Đó chính là lý do tại sao Trung Quốc là thành viên của P5+1. Đó chính xác là lý do tại sao chúng tôi có sự phù hợp về lợi ích này mà chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi khi chúng tôi tìm cách để cả hai cùng quay trở lại việc tuân thủ JCPOA”.

Đó là kết quả lạc quan về các sự kiện trong 2 tuần qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần trước trong các cuộc thảo luận nhằm "thay thế đồng USD" vốn được coi một công cụ thương mại ở Trung Á, né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cho đến nửa cuối năm 2020, Trung Quốc đã hợp tác với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, giảm nhập khẩu dầu từ Iran xuống gần như bằng 0. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Iran đã giảm xuống còn rất ít so với mức trước khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2016.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Trung Quốc được cho là đã tăng nhập khẩu không chính thức từ Iran, chuyển hướng dầu Iran qua Malaysia và các nơi khác.

Quyết định của Trung Quốc tái can dự với Iran có lẽ phản ánh niềm tin của Bắc Kinh rằng các cuộc đàm phán sẽ không thuyết phục được Washington từ bỏ áp lực kinh tế đối với Trung Quốc và nếu quốc gia châu Á tỏ ra cứng rắn hơn, điều đó sẽ có lợi cho Bắc Kinh.

(theo Asia Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-quan-bai-chot-trong-dam-phan-hat-nhan-trung-quoc-se-day-quan-he-my-iran-them-cang-thang-141416.html