Nam Phi trước vai trò dẫn dắt châu Phi

Tại phiên họp lần thứ 32 của Liên minh châu Phi (AU) vừa qua, Nam Phi được bầu làm chủ tịch năm 2020 của tổ chức, đánh dấu sự trở lại của nước này với vai trò điều hành tổ chức lớn nhất châu lục.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây có bài phân tích về triển vọng của Liên minh châu Phi (AU) và tương lai châu lục với việc Nam Phi được bầu làm Chủ tịch Liên minh năm 2020 và đảm nhận vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020.
Sau một số nhiệm kỳ vị trí Chủ tịch AU do các nền kinh tế nhỏ hơn đảm nhận như CH Chad (2016), Guinea (2017) và Rwanda (2018), trong 2 năm tới các nước có tiếng nói quan trọng sẽ giữ trọng trách này với Chủ tịch đương nhiệm 2019 Ai Cập và nếu đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng Năm tới thì Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ tiếp nhận vị trí Chủ tịch AU năm 2020.
Lần cuối cùng Nam Phi đảm nhận vai trò Chủ tịch AU vào năm 2002. Quốc gia miền Nam châu Phi này sẽ thiết lập chương trình nghị sự 2020 của AU và được kỳ vọng sẽ đưa ra những sáng kiến mới thúc đẩy sự phát triển của "lục địa Đen".
Trong những năm vừa qua, Ủy ban AU tại Addis Ababa, Ethiopia đã phải vật lộn với sự cạnh tranh giành vị trí đứng đầu ủy ban giữa 55 quốc gia thành viên, tình trạng thiếu nguồn nhân lực, năng lực điều hành và cũng như một định hướng rõ ràng.
Cựu Chủ tịch Ủy ban AU Nkosazana Dlamini Zuma - người Nam Phi - dù đã cố gắng tăng cường hiệu quả hoạt động cho tổ chức này, nhưng giới hạn nhiệm kỳ khiến bà không thể tạo sự chuyển biến thực sự đối với AU.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, với kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Rwanda Paul Kagame, cũng như sự hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat, tình hình đang dần thay đổi. AU hiện đang tiến tới tự chủ về tài chính cho các hoạt động riêng thay vì dựa vào Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khác.
Kể từ năm 2021, Ủy ban AU sẽ cắt giảm các bộ phận trực thuộc và từ năm 2019 sẽ chỉ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thường niên với tất cả các nhà lãnh đạo châu Phi để tiết kiệm chi phí. Do những đóng góp tích cực của Đại sứ Nam Phi tại Ủy ban AU Ndumiso Nts Breatha, tổ chức này hiện có các hệ thống tài chính tốt hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, kể từ khi bà Dlamini Zuma kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban AU năm 2017, Nam Phi không đảm nhận bất kỳ vị trí chủ chốt nào trong tổ chức này. Quan chức cấp cao nhất của Nam Phi tại AU hiện nay là Sivuyile Bam với vị trí đứng đầu bộ phận hoạt động hỗ trợ hòa bình của AU. Ngoài ra còn có Tiến sĩ Eddy Maloka đứng đầu Cơ chế đánh giá đối đẳng châu Phi.
Trong giai đoạn hiện nay, dường như Nam Phi đang dành ưu tiên hàng đầu cho vấn đề hội nhập kinh tế lục địa thông qua Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA). Tại hội nghị thượng đỉnh AU vừa qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã trình lên Chủ tịch Ủy ban AU hồ sơ phê chuẩn AfCFTA của nước này và khẳng định hiệp định sẽ “mở ra cơ hội phát triển cho toàn bộ châu Phi”.
Triển vọng AfCFTA sớm có hiệu lực là rất sáng sủa khi 18 nước đã phê chuẩn hiệp định này, so với mức yêu cầu 22 nước. Các nước đang kỳ vọng trước hội nghị thượng đỉnh bất thường tháng Bảy tới về AfCFTA, AU sẽ vận động được ít nhất 22 thành viên thông qua hiệp định này.
Nam Phi được trông đợi sẽ đóng góp tích cực hơn trong một số lĩnh vực còn hạn chế của AU như quản trị và dân chủ hóa. Ít nhất, với kinh nghiệm đã có, cường quốc khu vực này cần đảm bảo thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do, công bằng, cũng như quyền tự do ngôn luận.
Từ cuối những năm 1990, Ủy ban bầu cử Nam Phi đã gặt hái rất nhiều thành công trong xây dựng năng lực bầu cử trên khắp lục địa. Tuy nhiên, những hỗ trợ của Nam Phi chủ yếu là ở cấp độ kỹ thuật. Nam Phi cần trách nhiệm hơn trước các cuộc bầu cử được đánh giá là không tự do và công bằng, chẳng hạn như cuộc bầu cử gần đây tại CHDC Congo.
AU cần thể hiện lập trường mạnh mẽ, phản đối các chính phủ đột ngột cắt nguồn cung dịch vụ Internet và quyền tiếp cận phương tiện truyền thông xã hội. Với cương vị Chủ tịch AU năm 2020, Nam Phi có thể đưa nội dung này vào chương trình nghị sự.
Chính phủ CHDC Congo đã ngừng cung cấp dịch vụ Internet ngay khi quá trình kiểm phiếu bắt đầu nhằm ngăn cản người dân bình luận trực tiếp kết quả bầu cử. Điều tương tự cũng xảy ra ở Zimbabwe khi người dân biểu tình phản đối Chính phủ áp giá nhiên liệu cao nhất thế giới.
Ở CH Chad, người dùng không thể truy cập vào các mạng truyền thông xã hội và ở các khu vực Tây Nam, Tây Bắc của Cameroon (tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức), trong nhiều tháng, người dân không được cung cấp dịch vụ Internet. Điều đáng lưu ý là tại nhiều nơi trong các địa điểm nêu trên, các công ty Vodacom và MTN của Nam Phi nằm trong số các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất.
Tháng 1/2018, AU thông qua Nghị định thư về quyền tự do đi lại của người dân châu Phi, nhưng việc thực thi văn kiện này đang rất chậm chạp, không đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Với quy định của AfCFTA, hàng hóa sẽ được tự do lưu thông trên toàn châu lục, không có lý do gì để những công dân của châu Phi không được hưởng quyền này. Đây là thách thức không nhỏ đối với Nam Phi, bởi vấn đề bài ngoại và nhập cư đang là chủ đề nóng tại nước này.
Một nhiệm vụ quan trọng khác đặt ra đối với vị trí Chủ tịch AU của Nam Phi là mục tiêu “Chấm dứt tiếng súng vào năm 2020” của AU. Với vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020, Nam Phi đã cho thấy thiết lập hòa bình trên lục địa sẽ là một trong những ưu tiên chính của nước này.
Việc đồng thời đảm nhiệm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch AU là cơ hội vô cùng hiếm hoi để Nam Phi thực hiện các sáng kiến. Với lợi thế đó, Nam Phi có điều kiện dành được sự ủng hộ lớn của cộng đồng quốc tế đối với mục tiêu “Chấm dứt tiếng súng vào năm 2020”, cũng như nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa Liên hợp quốc và AU.
Nam Phi đang đảm nhận vị trí chủ tịch nhóm công tác đặc biệt của Hội đồng Bảo an về phòng chống và giải quyết xung đột ở châu Phi. Nam Phi đã đóng góp quan trọng cho hòa bình ở CHDC Congo và Burundi vào cuối những năm 1990, cũng như đầu những năm 2000 và nước này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong vấn đề liên quan.
Cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đóng vai trò trung gian hòa giải ở Zimbabwe trong nhiều năm và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện vai trò này ở Madagascar với những kết quả hết sức tích cực. Nam Phi đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trên khắp lục địa và hiện đang tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại CHDC Congo.
Đảm nhận vị trí Chủ tịch AU năm 2020 sẽ mang đến cho Nam Phi những cơ hội quan trọng và nước này cần chuẩn bị ngay từ lúc này để có thể dẫn dắt AU phục vụ lợi ích của châu lục và người dân châu Phi hiệu quả hơn so với các nước tiền nhiệm./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nam-phi-truoc-vai-tro-dan-dat-chau-phi/113963.html