Nam Phi tái khởi động chương trình hạt nhân dân sự

Nam Phi đã tham gia các cuộc thảo luận với ngành công nghiệp hạt nhân dân sự nhằm xây dựng một chương trình hạt nhân có công suất 2.500 MW để giải quyết vấn đề thiếu điện trong nước, Bộ Năng lượng nước này cho biết ngày 14/6.

Nhà máy điện hạt nhân Koeberg của Nam Phi

Nhà máy điện hạt nhân Koeberg của Nam Phi

Nguồn điện chính ở Nam Phi, cường quốc công nghiệp hàng đầu châu Phi, là than đá. Nhưng các nhà máy than của nước này đang già đi và được bảo trì kém, gây ra sự cố mất điện liên tục trong 2 năm qua, tàn phá nghiêm trọng hoạt động kinh tế của đất nước.

Trong bối cảnh này, chính phủ đã quyết định thu thập thông tin về "chi phí" và "tính bền vững" của chương trình hạt nhân với công suất 2.500 MW, theo thông cáo báo chí Bộ Năng lượng Nam Phi công bố ngày 14/6.

Các đối tác quan tâm được kêu gọi thông tin cho chính quyền Nam Phi về những yêu cầu trên.

"Trong sản xuất điện hạt nhân, việc lập kế hoạch thượng nguồn là cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của Nam Phi”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng cho biết thêm.

Nam Phi là quốc gia duy nhất trên lục địa châu Phi có năng lượng hạt nhân dân sự. Hai lò phản ứng của nước này tại nhà máy điện Koeberg (phía tây nam), đã hoạt động được hơn 30 năm, sản xuất 1.860 MW, tương đương khoảng 4% tổng năng lượng của đất nước.

Cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, từ chức năm 2018, đã đưa ra một dự án khổng lồ gồm 6 đến 8 lò phản ứng mới với tổng công suất 9.600 MW. Nhưng chi phí đầu tư ước tính hơn 1.000 tỷ rand, tương đương khoảng 52 tỷ euro, đã gây tranh cãi ở một đất nước có nền kinh tế mong manh từ một thập kỷ qua. Do đó, tham vọng này đã bị hoãn lại cho đến nay.

Một số quốc gia, bao gồm Nga, Pháp, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, đã từng có ý định hợp tác đầu tư vào điện hạt nhân Nam Phi vào thời điểm đó.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nam-phi-tai-khoi-dong-chuong-trinh-hat-nhan-dan-su-572548.html