Nam Phi - Đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại châu Phi

Năm 2018 đánh dấu chặng đường phát triển 25 năm kể từ ngày Việt Nam và Nam Phi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1993- 22/12/2018). Báo Thế giới và Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng nhân dịp này.

Tương đồng lịch sử

Hội nghị Bandung năm 1955 chính là nơi gieo hạt giống của quan hệ đoàn kết giữa hai phong trào giải phóng, nơi lần đầu tiên đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp xúc với đoàn đại biểu Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC). Hai bên đã bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân.

Tình hữu nghị cao cả, sự ngưỡng mộ lẫn nhau là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và là nguồn cổ vũ cho cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của cuộc chiến tranh chống đế quốc vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam cũng như cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, vì một đất nước dân chủ và tự do của nhân dân Nam Phi anh em.

Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2007. (Nguồn: Getty Images)

Người dân Việt Nam, những người đã chiến thắng các thế lực thực dân và đế quốc hùng mạnh nhất để giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đã trở thành nguồn cảm hứng và nguồn khích lệ cho người dân Nam Phi trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do.

Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki từng phát biểu khi ông đến thăm Việt Nam: “Trong suốt cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, tinh thần của một số người trong chúng tôi có lúc xuống thấp, khi họ cho rằng cuộc đấu tranh quá khó khăn và kẻ áp bức quá mạnh không thể bị đánh bại. Khi ấy, chúng tôi đã hướng mắt nhìn về phía Đông để lấy lại sức mạnh và lòng can đảm từ sự kiên cường của người dân đất nước này”.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Thabo Mbeki trong chuyến thăm chính thức tới Nam Phi tháng 11/2004. (Nguồn: Getty Images)

Khi còn trẻ, chính Tổng thống Thabo Mbeki đã từng lãnh đạo phong trào tuổi trẻ Nam Phi chống chiến tranh Việt Nam tại Anh quốc. Trong cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ tại Quảng trường Grosvenor (London) vào ngày 17/3/1968, ông đã bị cảnh sát Anh đánh gãy một chiếc răng cửa hàm trên và ông vẫn để như vậy cho đến ngày nay.

Năm 1978, cựu Chủ tịch Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) Oliver Reginald Tambo đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao đến thăm Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Tambo đã viết nên Báo cáo của Ủy ban Chiến lược Chính trị - Quân sự cho Ban chấp hành Trung ương ANC vào tháng 8/1979, còn được gọi là Sách Xanh ANC năm 1979, một cẩm nang chiến lược góp phần vào cuộc đấu tranh của ANC để giải phóng Nam Phi thoát khỏi hệ thống phân biệt chủng tộc vào năm 1994.

Tháng 12/1993, với niềm tin mãnh liệt vào thành công của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do đảng ANC lãnh đạo, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Phi ngay từ buổi bình minh của Nhà nước dân chủ.

Tháng 11/2004, theo lời mời của Tổng thống Thabo Mbeki, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã có chuyến thăm chính thức tới Nam Phi. Chuyến thăm đánh dấu một bước ngoặt khi các Nhà lãnh đạo thiết lập Quan hệ đối tác hợp tác và phát triển để thúc đẩy quan hệ hai nước. Tổng thống Thabo Mbeki sau đó đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào năm 2007, trong đó hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ.

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2016. (Nguồn: TTXVN)

Tháng 10/2016, Phó Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, nay là Tổng thống Nam Phi đã có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Ông đã được cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp; hội đàm với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC), coi đó là nền tảng cho việc đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao và hợp tác giữa các Bộ, ngành trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại...

Nam Phi chia sẻ quan điểm của Việt Nam về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phó Tổng thống Nam Phi bày tỏ mong muốn hai bên đa dạng hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại để tăng kim ngạch thương mại và tạo sự cân bằng thương mại trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Hai bên bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi hàng nông sản, hợp tác kinh tế biển như đóng tàu, chăn nuôi thủy hải sản, đánh bắt cá… Hai bên cũng trao đổi sâu sắc các biện pháp định hướng hợp tác hai nước trên các lĩnh vực viễn thông, đào tạo, hợp tác phòng chống tội phạm...

Đối tác thương mại số 1

Về chính trị - ngoại giao, ngoài việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao, các bộ ban ngành, địa phương, hai bên đã cố gắng để tăng cường khuôn khổ pháp lý cho mối quan hệ hợp tác toàn diện. Diễn đàn đối tác giữa hai nước đã họp 3 phiên và sắp tới sẽ triển khai phiên thứ 4 để rà soát và định hướng phát triển quan hệ trong thời gian tới.

Một số thỏa thuận hợp tác đã được ký kết và hàng chục Hiệp định, Bản ghi nhớ (MOU) đang được đàm phán trong các lĩnh vực khác nhau như bảo vệ và xúc tiến đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tài nguyên khoáng sản, giáo dục đào tạo, lâm nghiệp…

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng. (Nguồn: VOV.VN)

Cùng là các nước đang phát triển và là thành viên phong trào Không liên kết, Việt Nam và Nam Phi luôn tích cực hỗ trợ lẫn nhau trên trường quốc tế vì hòa bình và phát triển. Hai nước đã ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2007-2008 và 2019-2020 của Nam Phi và nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021 của Việt Nam.

Về kinh tế - thương mại, Nam Phi là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi. Trong 10 năm qua, khối lượng thương mại song phương đã tăng gấp năm lần, từ 189 triệu USD năm 2007 lên 920 triệu USD năm 2013 và lên 1 tỷ USD năm 2017. Hai bên phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong 5 năm tới.

Về an ninh - quốc phòng, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và trên cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng thường niên, cả hai bên đã khám phá nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, bao gồm hậu cần, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và công nghiệp quốc phòng.

Các lĩnh vực môi trường - khoa học - công nghệ - du lịch - giáo dục cũng đang có những tiến bộ thực sự, đặc biệt là sau khi hai bên ký Thỏa thuận hợp tác du lịch (2010), MOU về hợp tác về tài nguyên nước (2010), MOU và Kế hoạch hành động về bảo vệ động vật hoang dã...

Hiện tại, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 4.000 du khách từ Nam Phi và ngược lại. Con số này tiếp tục gia tăng, góp phần phát triển kinh tế và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Diễn đàn Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Nam - Nam Phi ngày 22/6/2016. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Nam Phi)

Năm 2018 cũng có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm ngày sinh của Tổng thống Nelson Mandela. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nelson Mandela đều là những người cha vĩ đại của hai dân tộc, đấu tranh vì mục tiêu tự do, bình đẳng, dân chủ và tiến bộ cho nhân dân mình và cho cả nhân loại.

Dù cách xa nhau về địa lý, chính sự tương đồng về lịch sử và sự ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc đã tạo nên chất keo gắn kết mối quan hệ đối tác Việt Nam – Nam Phi ngày càng sâu sắc và toàn diện.

Cùng với thời gian, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nam Phi tiếp tục nở rộ và gặt hái được nhiều thành tựu, kết quả. Hai nước đã thực sự bước vào một giai đoạn quan hệ mới được đánh dấu bằng sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, tình bạn lâu dài và ổn định.

Chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nam Phi, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, sẽ phát triển hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới vì lợi ích chung và vì hòa bình và phát triển ở các khu vực và trên thế giới.

Vũ Văn Dũng

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/trang-moi-trong-quan-he-viet-nam-nam-phi-84040.html