Nam phạm nhân với nhiều sáng kiến làm đẹp cảnh quan trại giam

Đang là sinh viên, nhưng vì quẫn bách, túng thiếu, Trần Xuân Trường đã rủ em trai đi cướp tiệm vàng. Mang súng theo người để thực hiện hành vi, nhưng màn kịch vụng về của anh em Trường đã bị nhân viên tiệm vàng chống trả quyết liệt. Bị kết án 17 năm tù, nhưng giờ đây nỗi ân hận lớn nhất của Trường đó là kéo theo người em trai cũng là sinh viên vướng vòng lao lý...

Làm liều...

Gần chục năm vướng vào lao lý về hành vi cướp tài sản, phạm nhân Trần Xuân Trường đang cải tại ở trại giam Nam Hà (Bộ Công an). Trường bảo rằng giờ đây sau nhiều năm cải tạo, anh ta đã nhận ra lỗi lầm và chấp nhận cải tạo, sống những ngày tháng trong tù nhưng có ích, để chuộc lại lỗi lầm của mình. Vì thế, càng ân hận, phạm nhân Trần Xuân Trường lại biến nỗi buồn thành hành động.

Thế nên, khi được cán bộ giao cho vẽ một số khẩu hiệu trong trại giam, Trường đã hoàn thành một cách xuất sắc. Nhưng trong thâm tâm, Trần Xuân Trường, SN 1980, có HKTT ở quận Bình Thạnh, TP HCM vẫn buồn vì mình đã lôi kéo, xúi giục khiến đứa em trai cũng vướng vòng lao lý và làm lỡ dở cuộc đời của nó. Từ ngày vào trại giam Nam Hà cải tạo, lúc nào Trường cũng canh cánh trong lòng nỗi thương em và day dứt về việc làm tội lỗi của mình.

Theo lời phạm nhân Trần Xuân Trường thì anh em Trường sinh ra trong một gia đình buôn bán. Trước khi ra Hà Nội học tiếp văn bằng hai về quản lý kinh tế, Trường đã tốt nghiệp ĐH Công nghiệp và đi làm. Tuy nhiên, vì muốn mở một Cty nên Trường xin cha mẹ cho học tiếp. Thấy Trường có chí tiến thủ, bố mẹ anh ta hưởng ứng nhiệt tình nên đã động viên người con trai thứ nộp đơn thi vào một trường ĐH ở Hà Nội.

Năm đó, cả hai anh em Trường đều thi đỗ và bố mẹ anh ta đã rất hạnh phúc khi hai con học giỏi, đỗ đạt. Khi anh em Trường ra Hà Nội thuê trọ, bố mẹ Trường đã tin tưởng con trai lớn, hàng tháng gửi tiền cho Trường để lo cuộc sống cho cả hai anh em. Ngoài tiền ăn, học mà bố mẹ gửi cho, anh em Trường phải tự quản lý lẫn nhau.

Cũng theo lời Trường thì mỗi tháng bố mẹ gửi cho hai anh em một khoản và ngày cố định để lấy tiền chi tiêu, sinh hoạt và chi phí cho học hành. Thế nhưng, do chi tiêu thiếu kiểm soát nên số tiền bố mẹ gửi ra không đáp ứng được nhu cầu của hai anh em Trường. Vì vậy, lý giải cho hành vi phạm tội của mình, Trường bảo rằng mình đã làm liều.

Theo tài liệu điều tra, do cần tiền tiêu xài, Trường nhờ người mua hộ 4 khẩu súng hàn điện, 3 bình xịt hơi cay và 2 dùi cui điện rồi rủ em trai là Trần Xuân Hòa, khi đó cũng là sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội cùng đi cướp tài sản. Hòa có người bạn thân là Vũ Thế Quang, SN 1985, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội nên bàn với anh trai rủ Quang cùng tham gia. Quang đồng ý.

Trưa 11-6-2009, Trường trực tiếp gọi điện đến cửa hàng kinh doanh vàng ở Đê La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình do anh Nguyễn Văn San làm chủ tiệm vàng, nói có 35 cây vàng cần bán, đề nghị anh San cử người mang tiền đến tòa nhà Licogi 13 (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân), địa điểm giao dịch là phòng 1105, nhà nguyên đơn B.

Sau khi thỏa thuận giá cả, anh San đã cử hai nhân viên là Trương Văn Cường, SN 1960, trú ở Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội và anh Phạm Văn Thành, SN 1972, trú tại phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đi giao dịch thay mình. Cả hai người này được chủ tiệm vàng đưa cho 15 triệu đồng, nói là dùng số tiền trên sau khi gặp gỡ bạn hàng để đặt cọc.

Sau khi lên kế hoạch, Trường đưa cho Hòa và Quang mỗi tên 2 khẩu súng bắn điện và dặn: “Hai người cứ đến tòa nhà Licogi 13 đợi, thấy nhân viên cửa hàng vàng đến thì cướp tài sản”. Hòa và Quang đã đi xe ôm đến tòa nhà Licogi 13, còn Trường đi một mình bằng xe máy Honda Wave BKS: 29X1-6756 của Quang đến sau.

Khi các anh Thành và Cường đến tòa nhà Licogi 13, gặp 2 nam thanh niên cùng vào một thang máy mà không biết đó là 2 tên cướp. Do đã được Trường nói trước về đặc điểm của 2 nhân viên cửa hàng vàng bạc nên khi thang máy đang chạy lên tầng 7, Quang và Hòa liền dùng súng bắn điện bắn vào ngực anh Cường. Anh Thành thấy vậy dùng mũ bảo hiểm đập liên tiếp về phía Hòa và Quang. Trong lúc chống trả bọn cướp, anh Cường bị Hòa bắn thêm 1 phát nữa vào tay phải nhưng vẫn quyết liệt chống cự khiến cho hai tên cướp sợ hãi, nhảy vội ra ngoài khi thang máy mở cửa ở tầng 3 tòa nhà, bỏ lại hiện trường 4 khẩu súng bắn điện.

Phạm nhân Trần Xuân Trường (ngoài cùng) trong trại giam.

Đánh mất tương lai

Không cướp được tiền song hành vi giả bán vàng để cướp của ba sinh viên này ngay sau đó bị CQCA làm rõ. Là kẻ chủ mưu trong vụ cướp tài sản có vũ khí, Trường bị tuyên phạt 17 năm tù giam, cao hơn em trai và người bạn 2 năm tù. Ngày đi thi hành án, cả Trường và Hòa cùng lên trại giam Nam Hà, cải tạo. Trường ở đội văn hóa còn Hòa ở đội làm vàng mã. Khác đội, khác phận trại nên hai anh em ít có điều kiện gặp nhau. Tuy nhiên, Trường bảo rằng dù không được thường xuyên gặp nhau nhưng được nhìn thấy em trai hàng ngày, dù là ở xa cũng khiến tôi an tâm hơn vì không còn phải thấp thỏm lo về sức khỏe của em nữa.

Do có năng khiếu về mỹ thuật và học hành có bài bản nên Trường được phân về đội văn hóa. Hàng ngày, ngoài việc tổng hợp tin tức, đọc bản tin buổi sáng của phân trại, Trường còn có nhiệm vụ kẻ vẽ pano, khẩu hiệu, vẽ tranh minh họa sao cho phù hợp để treo, dán trong khuôn viên phân trại. Công việc không vất vả lại phù hợp với chuyên môn nên Trường rất chăm chỉ, tích cực phát huy sáng kiến để tạo cảnh quan trại giam thêm đẹp đẽ.

Khi Tổng cục Trại giam phát động cuộc thi vẽ dành cho phạm nhân, Trường đã tham gia với bức tranh phong cảnh trại giam và đạt giải khuyến khích. Hỏi Trường nghĩ gì về đề tài đó, anh ta cúi đầu bẽn lẽn: “17 năm coi như nửa đời người, trại giam thành nhà của tôi rồi”.

Tuy nhiên, khi nhắc đến em trai, Trường lại cúi mặt giấu đi ánh mắt buồn. Bởi theo Trường, nếu ngày ấy không vì suy nghĩ hồ đồ của mình thì có lẽ cuộc đời và tương lai của em trai cậu ta đã khác.

Vì thế, những ngày trong trại giam, thương em trai lao động vất vả hơn mình, mỗi khi được thông báo có gia đình đến thăm, Trường lại nhường cho em trai ra gặp. Trường bảo đã ở trong này thì ai cũng thiếu thốn tình cảm, mong được gặp người thân lắm nhưng mặc cảm tội lỗi đã làm liên lụy đến em khiến Trường cố dằn nỗi nhớ gia đình để cho em trai được gặp cha mẹ nhiều hơn.Trường muốn em trai hiểu lòng mình và tha thứ cho sự bồng bột của anh trai.

Qua đó, Trường cũng muốn gửi gắm tới những bạn sinh viên bên ngoài, hãy sống và phấn đấu vì thời sinh viên là khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời. Hãy biết khắc phục khó khăn, để vượt qua những sóng nhỏ của cuộc sống và đừng vì chơi bời mà phạm sai lầm, đánh mất tương lai như anh em Trường...

Nguyễn Vũ - Đức Hùng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nam-pham-nhan-voi-nhieu-sang-kien-lam-dep-canh-quan-trai-giam-115702.html