Nam phạm nhân chỉ lo không còn cơ hội gặp lại cha mẹ

Làm thâm hụt gần 1,4 tỷ đồng tiền bán hàng của Cty, Đỗ Trọng Nghĩa, SN 1979, trú tại phường Lê Lợi, TP Bắc Giang (Bắc Giang) đã phải trả giá bằng bản án 20 năm tù về tội tham ô tài sản. Những ngày trong trại cải tạo, người đàn ông này luôn khắc khoải một nỗi lo về cha mẹ già yếu và cô con gái bé bỏng, vừa lọt lòng mẹ đã mắc bệnh tim.

Đi tù vì làm thụt tiền Cty

“Tôi chỉ có một cơ hội duy nhất để sớm trở về nhà với gia đình là được xét giảm án. Nhưng mà chỉ những phạm nhân có đủ điều kiện mới được vào danh sách bình xét rồi sau đó qua các năm phấn đấu thì cũng chỉ được giảm một lần trong năm thôi. Ngoài ra, tôi không thể ra tù sớm vì các điều kiện khác như bồi hoàn khoản tiền đã tham ô thì tôi chắc chắn là không thể thực hiện được rồi. Lúc tôi bị bắt, kinh tế gia đình đã kiệt quệ lắm rồi. Nếu có khả năng thì tôi đã làm khi Cty tạo điều kiện cho khắc phục hậu quả, đâu phải để phải vào đây”, phạm nhân Đỗ Trọng Nghĩa tâm sự.

Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2012 đến lúc bị phát hiện là tháng 7-2013, Đỗ Trọng Nghĩa với vai trò là người phụ trách cửa hàng xăng dầu Vân Sơn đóng trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, trực thuộc Cty xăng dầu Hà Bắc đã vi phạm qui chế của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và qui chế của Cty xăng dầu Hà Bắc. Cụ thể là Nghĩa đã lợi dụng quyền phụ trách cửa hàng xăng dầu Vân Sơn bán nợ cho khách hàng mua xăng dầu của cửa hàng sau đó thu tiền về nhưng không nộp tiền cho Cty xăng dầu Hà Bắc. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định số tiền bán xăng dầu mà Nghĩa là người trực tiếp phụ trách, quản lý bị thâm thụt là gần 1, 4 tỷ đồng. Số tiền này, theo lời khai của Nghĩa là dùng vào việc chi tiêu và trả nợ cá nhân nên không có khả năng thanh toán.

Theo lời Nghĩa, khi nhận phụ trách cửa hàng xăng dầu Vân Sơn mà nhiệm vụ chính là kinh doanh xăng dầu thì anh ta phải chịu sức ép về doanh số kinh doanh và lợi nhuận thu được về cho Cty. Để cạnh tranh được với những cây xăng khác trên địa bàn thì một trong những biện pháp bán được nhiều hàng là cho những khách hàng tiêu thụ nhiều xăng dầu cho cửa hàng được nợ lại một khoản tiền chưa phải thanh toán. Khách hàng tiềm năng mà Nghĩa nhắm tới là những Cty xây dựng, san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, điều mà Nghĩa không lường được là khi những Cty này lâm vào cảnh nợ nần do không được đối tác thanh toán hoặc thanh toán chậm thì những người làm nghề cung ứng như Nghĩa cũng bị ảnh hưởng. “Tôi phải đảm bảo doanh số bán hàng, tiền nộp về Cty theo tháng hoặc theo quí nhưng khách nợ không đòi được phải đi vay ngoài, nhiều khi phải chấp nhận lãi suất cao để có tiền nộp về Cty”, Nghĩa kể.

Và khi xăng dầu vẫn phải bán nợ để duy trì khách hàng và đảm bảo doanh số thì đồng nghĩa với việc tiền nợ lãi vay bên ngoài mỗi ngày một phình to lên. Lấy khoản nọ bù vào khoản kia, kết quả là chỉ một năm sau, cửa hàng xăng dầu do Nghĩa phụ trách mất khả năng thanh toán. Nghĩa bị bắt ngay trong một cuộc họp giao ban của cửa hàng. “Hôm bị bắt tôi sốc thực sự và bất ngờ. Trước khi gửi đơn ra CQCA, lãnh đạo Cty cũng đã cho tôi thời gian khắc phục nhưng tôi không làm được”, Nghĩa nhớ lại.

Nhắc tới gia đình, người đàn ông này đưa đôi mắt nhìn xa xăm, ánh mắt trĩu nặng: “Hôm tôi bị bắt, con gái tôi vừa trải qua cuộc phẫu thuật mổ tim xong, cả nhà đang mừng mừng tủi tủi thì tôi bị bắt”, Nghĩa kể.

Phạm nhân Đỗ Trọng Nghĩa chia sẻ với PV báo PL&XH. Ảnh: N.Vũ

Phạm nhân Đỗ Trọng Nghĩa chia sẻ với PV báo PL&XH. Ảnh: N.Vũ

Chỉ lo song thân già yếu, con thơ trọng bệnh

Bị bắt năm 2014 nhưng phải gần 2 năm sau, Đỗ Trọng Nghĩa mới về trại giam Ngọc Lý thi hành bản án 20 năm tù. Nghĩa bảo khi nghe tòa sơ thẩm tuyên 20 năm tù giam, anh ta cho rằng như thế là quá nặng nên đã chống án. 16 tháng sau, Nghĩa có mặt tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Hà Nội nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Nghĩa bảo mức án dàng cho mình là quá nặng và cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến tội danh của mình, anh ta vẫn không tin đó là sự thực.

“Khi bị bắt tôi đã rất sốc. Đến lúc nghe tòa tuyên án, tôi lại sốc một lần nữa, chân như muốn khuỵu xuống. Nghĩ cảnh bố mẹ già yếu, con gái lại vừa mổ tim xong, mình lại là trụ cột gia đình, đi thời gian dài như thế này thì mọi người ở nhà chịu sao nổi”, Nghĩa bộc bạch.

Tốt nghiệp ĐH năm 2002, Nghĩa về Cty xăng dầu Hà Bắc công tác, một thời gian sau thì lấy vợ cũng là người Cty. Thu nhập của hai vợ chồng, theo lời Nghĩa ngót nghét 10 triệu đồng, nếu biết thu vén thì cũng đủ chi tiêu cho một gia đình nhỏ. Nhưng khi ba đứa con lần lượt chào đời trong đó cô con gái nhỏ không may vừa lọt lòng đã mắc bệnh tim bẩm sinh khiến kinh tế gia đình Nghĩa trở nên lao đao. Nghĩa cho biết, mặc dù khó khăn thật nhưng không phải vì thế mà anh ta lạm dụng công việc và chức trách của mình để lấy tiền Cty về trang trải cuộc sống gia đình. Vợ chồng anh ta nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ hai bên gia đình trong việc chăm sóc con gái út nên nếu nói việc tham ô tiền cơ quan để lo cho con là “oan uổng cho con bé”.

“Nhiều đêm nằm nghĩ về gia đình, tôi lại trằn trọc không sao chợp mắt được. Nghĩ mình là trụ cột gia đình, bố mẹ già yếu, con gái lại bệnh tật thế thì vợ làm sao xoay sở nổi. Ơn trời là sau khi phẫu thuật, tình hình sức khỏe của con tôi cũng dần khá hơn nhưng bố mẹ thì mỗi ngày mỗi già…”, Nghĩa nói đến đây thì dừng lại. Im lặng một lúc, anh ta nói tiếp: “Sợ nhất là lúc bố mẹ có mệnh hệ gì mà mình không có mặt. Còn tương lai của các con nữa, sau này có làm sao thì mình ân hận suốt đời”.

Làm việc ở đội tự quản, Nghĩa bảo nhiệm vụ của mình là hàng ngày cùng anh em trong đội đi các buồng giam đôn đốc, nhắc nhở các phạm nhân trong phân trại thực hiện nền nếp, lối sống vệ sinh cũng như thực hiện nghiêm các nội qui của trại. Qua đó đã 2 lần phát hiện trường hợp mang vật cấm vào nơi ở, báo cáo cán bộ phụ trách xử lý. Nghĩa sát sao với công việc được giao vì không muốn phụ lòng tin tưởng của cán bộ và cho rằng đó chính là cơ hội tốt để rút ngắn thời gian cải tạo.

“Theo qui định thì năm nay tôi đủ điều kiện để được gặp vợ trong buồng hạnh phúc. Cứ nghĩ đến cơ hội được hàn gắn tình cảm với vợ, tôi lại cố gắng làm tốt công việc được giao. Nhưng giờ dịch bệnh thế này lại phải cách ly thì không biết bao giờ mới được gặp. Cũng buồn một tí thôi nhưng hàng tháng vẫn được gọi điện thoại về cho gia đình mà. Nghe tiếng con gái là tôi quên hết cả mệt mỏi”, Nghĩa kể.

Người đàn ông này chia sẻ, mỗi khi cảm thấy chán nản, anh ta lại nhìn ra xung quanh mình, thấy có nhiều phạm nhân hoàn cảnh còn khó khăn hơn nhưng vẫn cố gắng cải tạo tốt thì lại cảm thấy chưa được nên lại gạt đi những suy nghĩ chán chường để chuyên tâm hơn vào công việc được giao.

“Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để sang năm chắc chắn vào vòng giảm án. Mỗi năm được giảm một lần thì rồi cũng sớm đến ngày ra trại”, Đỗ Trọng Nghĩa nói với chúng tôi trước khi chia tay. Câu nói ấy không chỉ là chia sẻ thông tin mà còn như một lời tự động viên bản thân cố gắng hơn nữa của phạm nhân này.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-pham-nhan-chi-lo-khong-con-co-hoi-gap-lai-cha-me-204440.html