Nam Ossetia xem xét công nhận độc lập Catalan: Ác mộng Nga?

Quan điểm của Nam Ossetia có thể khơi dậy những chuyển động bất lợi cho nước Nga và cho chính Nam Ossetia trong việc tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế...

Tại sao Nam Ossetia lại sẵn sàng công nhận độc lập của Catalan?

Sputnik ngày 28/10 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Ossetia, Dmitriy Mediev cho biết lãnh đạo Nam Ossetia "sẽ xem xét công nhận nền độc lập của Catalan, nếu nhận được yêu cầu tương ứng từ Catalonia."

Ông Dmitriy Mediev nhấn mạnh, không ai có quyền phủ nhận quyền tự quyết dân tộc cũng như nền độc lập của người dân xứ Catalan và việc thành lập nhà nước - thực thể chính trị đại diện quyền lực của họ.

Cũng nên biết rằng, Nam Ossetia là vùng lãnh thổ nằm ở khu vực Nam Caucasus, nguyên là tỉnh tự trị Ossetia nằm trong thành phần nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Gruzia.

Vấn đề Catalan là rất nhạy cảm với các cấu trúc chính trị vận hành theo cơ chế liên bang như Nga

Ngày 10/11/1989, Mặt trận Nhân dân Nam Ossetia (Ademon Nykhas) - một định chế quyền lực đại diện tại Nam Ossetia - đã yêu cầu Xô viết Tối cao Gruzia cho phép tỉnh tự trị Ossetia được nâng cấp thành nước cộng hòa tự trị Nam Ossetia.

Năm 1990, Xô viết Tối cao Gruzia đã ban hành luật cấm đảng phái khu vực, hành động bị coi là chống Ademon Nykhas, khiến Tskhinvali tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Xô viết Nam Ossetia, với đầy đủ chủ quyền nằm trong thành phần Liên Xô.

Chính quyền Gruzia của nhà lãnh đạo Zviad Gamsakhurdia đã xóa bỏ vị thế tự trị Nam Ossetia, từ đó gây ra cuộc xung đột vũ trang giữa Gruzia và Nam Ossetia vào cuối năm 1991.

Năm 1992, Tskhinvali tiếp tục có chuyển động chính trị đơn phương khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc Nam Ossetia độc lập khỏi Gruzia, song cuộc trưng cầu độc lập lần thứ nhất của người Ossetia không được quốc tế công nhận.

Điều đó khiến cho tình trạng chính trị của Nam Ossetia trở nên không rõ ràng, nhưng trong thực tế dưới thời Tổng thống Eduard Shevardnadze, chính quyền ly khai Nam Ossetia vẫn cai quản vùng này độc lập thực sự khỏi Tbilisi.

Khi Tổng thống Mikheil Saakashvili lên nắm quyền đã coi việc đòi lại Nam Osseatia là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Ngày 25/1/2005, Tổng thống Saakashvili đã đệ trình một đề xuất về vấn đề Nam Ossetian ra trước Ủy ban Nghị viện châu Âu (PACE).

Ngày 27/10/2005, Thủ tướng Gruzia Zurab Noghaideli đệ trình kế hoạch hành động của Tbilisi ra trước Ủy ban Thường trực OSCE và được sự ủng hộ của Mỹ.

Ngày 6/10/2005, OSCE thông qua nghị quyết ủng hộ Gruzia, mặc Nam Ossetia bác bỏ.

Tskhinvali quyết không từ bỏ quyết tâm giành độc lập và ngày 12/11/2006, một cuộc trưng cầu dân ý lại được tổ chức để cử tri quyết định việc Nam Ossetia "sẽ duy trì tình trạng hiện tại hay trở thành một nhà nước độc lập".

Có 98% cử tri đăng ký tham gia và 99% ủng hộ Nam Ossetia độc lập khỏi Gruzia. Tbilisi đã lên án chuyển động chính trị đơn phương của Tskhinvali và bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu độc lập lần thứ hai của Nam Ossetia. Xung đột vũ trang lại nổ ra.

Quan điểm của Nam Ossetia về vấn đề độc lập của Catalan làm khó cho Nga

Ngày 7/8/2008, quân đội Gruzia và lực lượng ly khai Nam Ossetia đạt được thỏa thuận ngừng bắn và đồng ý đàm phán với sự trung gian của Nga, nhằm chấm dứt xung đột vũ trang dai dẳng.

Song chỉ vài giờ sau, Tổng thống Saakashvili đã lệnh cho quân đội Gruzia bất ngờ tấn công Nam Ossetia bằng bộ binh, pháo hạng nặng và không quân nhằm tái chiếm vùng đất này. Moscow đã đứng về phía Tskhinvali chống lại Tbilisi.

Ngày 9/8/2008, trên Biển Đen, Hải quân Nga đánh đắm một tàu ngư lôi của Gruzia, bắt đầu cho cuộc Chiến tranh Nga - Gruzia.

Ngày 26/8/2008, Nga công nhận nền độc lập của Nam Ossetia cùng với Abkhazia.

Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, 189/193 thành viên LHQ - trừ Nga, Venezuela, Nicaragua, và Nauru - không công nhận Nam Ossetia mà vẫn xem lãnh thổ này thuộc Gruzia.

Tbilisi vẫn kiểm soát phía đông và phía nam của Nam Ossetia.

Qua diễn tiến quá trình thực hiện quyền tự quyết và thực trạng nền độc lập của Nam Ossetia, cho thấy vấn đề như được lặp lại với Catalan, do vậy lãnh đạo Nam Ossetia đã ủng hộ Catalonia và cũng đồng thời gieo hy vọng cho mình.

Lập trường của Nam Ossetia có thể gây ảnh hưởng xấu tới nước Nga?

Giới phân tích cho rằng, trong vấn đề độc lập của Nam Ossetia, chính quyền Tổng thống Putin đã rất thận trọng, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm với nước Nga - một cấu trúc chính trị vận hành theo cơ chế liên bang.

Ngày 13/9/2006, khi Nam Ossetia tuyên bố tổ chức trưng cầu độc lập lần hai, Đại diện Đặc biệt của EU tại Nam Caucasus, Peter Semneby, khi viếng thăm Moscow, đã khẳng cuộc trưng cầu này không có ý nghĩa với EU và Nga cũng đồng thuận.

Việc Nga công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia được cho là muốn ngăn chặn xung đột giữa Gruzia với hai thực thể có thể làm ảnh hưởng xấu tới tính hình chính trị nước Nga, bởi Nam Caucasus như là sân sau chiến lược của Nga.

Tuy nhiên, khi đã làm điều đó thì Moscow cũng như cầm dao hai lưỡi, mà vấn đề tại Chechnya được cho là có thể bị tác động, vì thực ra vấn đề quyền tự quyết của Nam Ossetia tại Gruzia gần tương đồng với vấn đề ly khai của Chechnya tại Nga.

Công nhận độc lập cho Nam Ossetia luôn là dao hai lưỡi với Nga

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, phong trào đòi độc lập cho Chechnya đã diễn ra và Đại hội Quốc gia Chechnya - một tổ chức chính trị ly khai đã được thành lập và lãnh đạo.

Phong trào bị chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin phản đối, với lý do:

(1) Chechnya chưa từng là một thực thể độc lập trong Liên bang Xô viết - như vùng Baltic, Trung Á và các quốc gia Caucasus - mà từng là một phần của Cộng hòa Liên bang Nga Xã hội Chủ nghĩa, vì thế không có quyền ly khai theo Hiến pháp Xô viết.

(2) Các nhóm dân tộc thiểu số khác bên trong nước Nga, như người Tatars, sẽ theo bước người Chechnya và ly khai khỏi Liên bang Nga nếu như người Chechnya được trao quyền đó.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nam-ossetia-xem-xet-cong-nhan-doc-lap-catalan-ac-mong-nga-3346002/